Bình Thuận: Nỗ lực cấp nước sạch cho vùng nông thôn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:40 - 21/07/2015
Nhiều công trình nước sạch ở vùng sâu Bình Thuận đã hoạt động hiệu quả.
Khắc phục tình trạng “khô khát”
Bắt đầu từ tháng 3/2015, tại nhiều khu vực nông thôn của Bình Thuận xảy ra tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng. Tiêu biểu như ở huyện Hàm Thuận Bắc. Nhiều người dân nông thôn tại đây cho biết, chỉ cách đây hơn 2 tháng thôi, không còn đủ nước mà uống nữa, nên việc tắm rửa và sinh hoạt là hạn chế tối đa. Có khi cả tuần chỉ tắm vài lần. Mà nhiều khi nước sạch phải nhường cho người già chứ người trẻ thì ra sông, ra suối mà tắm cho nhanh và tiện. Để khắc phục tình trạng này, cùng với nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch thì chính quyền tỉnh Bình Thuận còn chi thêm nhiều khoản tiền để đầu tư công trình bổ sung nguồn nước cho Nhà máy nước Vĩnh Hảo và nhiều công trình nước sạch, như: Nhà máy nước Hồng Liêm - Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc), nhà máy nước ở Tân Nghĩa và Tân Minh (huyện Hàm Tân) để tăng cường lượng nước cung cấp cho người dân. Nhờ có sự đầu tư kịp thời này nên đầu tháng 6/2015, các vùng nông thôn khát đã dần được giải “khát”. Ông Nguyễn Văn Vinh và nhiều hộ dân sống bên cạnh Nhà máy nước Hồng Liêm - Hồng Sơn vui mừng cho biết, nhờ tỉnh nhanh chóng huy động vốn, nâng cấp và xây mới các công trình cấp nước nếu không cuộc sống bị đảo lộn hết, đến nay cũng không thể nào mà ổn định được. Có nước sạch rồi, mọi thứ đều thuận lợi. Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, với quyết tâm đầu tư và vận hành các công trình hiệu quả thì từ này đến cuối năm 2015, sẽ cung cấp nước hợp vệ sinh cho trên 90% số dân nông thôn toàn tỉnh, trong đó phấn đấu gần 50% được sử dụng nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn. Từ chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, các địa phương đã xây dựng được trên 40 công trình hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao tại 14 xã thuần và 24 thôn xen ghép. Để các công trình cấp nước đạt hiệu quả thì sau khi nâng cấp, xây mới và đưa vào vận hành, nhân viên được tập huấn kỹ càng về các quy tắc vận hành, tránh mọi sai sót làm ảnh hưởng đến quá trình cấp nước cho người dân nông thôn.
Tạo đột phá cho vùng khó
Từ mục tiêu cấp thiết là “giải khát” nước sạch cho các vùng nông thôn, nhiều công trình nước sạch hiệu quả đã góp phần tạo đột phá cho các vùng khó khăn. Tiêu biêu như huyện Tánh Linh. Trước đây năng suất lao động của người dân đạt rất thấp. Do thiếu nước nên người dân nông thôn phần lớn bỏ cả ruộng đồng đi nơi khác làm ăn. Nhưng hiện nay có gần 90% hộ dân đã được cấp nước hợp vệ sinh nên nhà nhà vui mừng hăng hái đi sản xuất. Từ đó hiệu suất lao động tăng lên rõ rệt. Để hướng tới 100% dân trong huyện này được dùng nước sạch, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh đang khẩn trương đầu tư nâng cấp công suất trạm cung cấp nước Lạc Tánh từ 200m3/ngày đêm lên 800m3/ngày đêm với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Công trình này hoàn thành có thể phục vụ cho gần 1.000 hộ dân trên địa bàn huyện Tánh Linh. Ông Nguyễn Văn Vui, ở thị trấn Lạc Tánh cho biết: “Trước đây gia đình tôi làm nghề buôn bán quán ăn và tạp hóa, phục vụ rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhưng rồi vì không có nước sạch nên cũng phải đóng cửa quán. Giờ đây nước sạch được cung cấp đến nơi, quán lại mở ra và hoạt động hiệu quả lắm. Có nước sạch, nhiều cửa hàng khác cũng được mở ra ở thị trấn này”.
Tại huyện Hàm Thuận Bắc cũng vậy. Sau khi được cung cấp nước sạch đến từng hộ dân thì không khí lao động, sản xuất đã khác hẳn. Ông Lê Văn Mười ở thôn Bình An, xã Hàm Chính cho biết: “Có nước, cả nhà tôi lên rẫy suốt ngày, tối về tắm rửa thoải mái nên rất vui. Trước đây không có nước, lên rẫy về không có nước tắm, nhiều khi chẳng muốn đi”. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận, vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách và vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Trung tâm ưu tiên cấp nước, từ đó góp phần thay đổi tập quán dùng nước sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.