CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:58

Cập nhật COVID-19 tới sáng 25/9: Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Nga

Cập nhật COVID-19 tới sáng 25/9: Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Nga - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga Seoul, Hàn Quốc ngày 18/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo TTXVN, số liệu thống kê từ trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 231.811.792 ca, trong đó có 4.749.981 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 120.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 2.000 trường hợp, tức là giảm mạnh so với thời gian trước.

Cập nhật COVID-19 tới sáng 25/9: Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Nga - Ảnh 2.

Một nhà hàng với không gian mở tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 28/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 206 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 18 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 24/9, thế giới có 138 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 109 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Nga hôm 24/9 đã ghi nhận 828 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong do đại dịch tại nước này lên hơn 202 nghìn người, mức cao nhất ở châu Âu.

Các chuyên gia y tế cảnh báo làn sóng lây nhiễm mới tại nước này sẽ xảy ra vào cuối tháng 9. Riêng tại thủ đô Moscow, số ca nhập viện đã tăng 15% trong tuần này so với tuần trước và số ca nhiễm mới đã tăng 24%. Biến thể Delta chiếm 100% tổng số ca nhiễm mới.

Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng ở Nga vẫn còn chậm, chỉ khoảng 28% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.635.337 ca mắc và 704.478 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 446.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 593.000 ca tử vong.

Điểm nóng của dịch bệnh trong ngày là Hàn Quốc khi nước này trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận 2.434 ca mắc mới. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại Hàn Quốc. Số ca mắc mới tăng vọt là do người dân di chuyển nhiều trong dịp nghỉ lễ Tết Trung thu (còn được coi là lễ tạ ơn của người Hàn Quốc) kéo dài 3 ngày (20 - 22/9), khiến virus gây bệnh lây lan nhanh chóng trên cả nước.

Cập nhật COVID-19 tới sáng 25/9: Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Nga - Ảnh 3.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 18/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (trong đó thủ đô Seoul ghi nhận 903 ca, tỉnh Gyeonggi - 704 ca) chiếm 72,3% số ca nhiễm mới trên toàn Hàn Quốc. Các chuyên gia y tế cho rằng số lượng xét nghiệm giảm trong kỳ nghỉ lễ trung thu và sau đó lại tăng lên, dẫn đến số ca mới tăng lên đáng kể.

Trong khi đó, tại Australia, số ca nhiễm mới ghi nhận tại bang Victoria ngày 24/9 đã tăng lên gần mức cao nhất với 733 ca mắc và 1 ca tử vong, dù nhà chức trách đã đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Hầu hết các ca nhiễm mới được phát hiện ở Melbourne.

Australia đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể Delta có khả năng lây lan cao gây ra, khiến hai thành phố lớn nhất là Sydney và Melbourne cùng thủ đô Canberra phải phong tỏa, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số nước này. Các số liệu chính thức của Chính phủ liên bang Australia cho thấy 50,1% người dân Australia trên 16 tuổi đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19, sau một tuần tiêm chủng kỷ lục trên toàn quốc.

Tính đến ngày 24/9, Australia đã tiêm được hơn 26 triệu liều vaccine trên cả nước, trong đó 2.076.000 liều được tiêm trong tuần trước, đạt tốc độ tiêm chủng bình quân đầu người cao hơn cả Pháp, Đức, Italy, Thụy Điển, Anh và Mỹ.

Cập nhật COVID-19 tới sáng 25/9: Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Nga - Ảnh 4.

Du khách trình chứng nhận an toàn về COVID-19 khi thăm quan Đấu trường La Mã tại Rome, Italy ngày 6/8/2021. Italy ra quy định yêu cầu khách thăm quan phải trình thẻ xanh mới được vào các điểm du lịch, rạp chiếu phim, nhà hàng, khu thể thao trong nhà. Ảnh: AP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 434 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 406 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Vientiane vẫn tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh với 229 ca lây nhiễm cộng đồng, trong đó tập trung phần lớn ở các ổ dịch nhà máy may được báo cáo trước đó, còn một số ca khác được ghi nhận rải rác ở nhiều địa phương do từng tiếp xúc gần với người bệnh.

Thông cáo ngày 24/9 của Bộ Y tế Campuchia cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 822 ca mới, trong đó có 106 ca nhập cảnh và có thêm 21 người tử vong. Như vậy tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 107.441 ca mắc COVID-19, trong đó 99.628 người đã khỏi bệnh và 2.197 người tử vong.

 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh (Campuchia), ngày 1/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 12.697 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 132 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 1.537.310 ca, trong đó có 16.016 người không qua khỏi. Do số lượng bệnh nhân COVID-19 giảm, Bộ Y tế Thái Lan đang chuẩn bị đóng cửa một bệnh viện dã chiến với công suất 3.700 giường bệnh tại trung tâm triển lãm Impact Muang Thong Thani ở tỉnh Nonthaburi vào ngày 30/9.

Thái Lan cũng quyết định giảm thời gian cách ly đối với du khách nước ngoài từ 14 ngày xuống còn 7 hoặc 10 ngày, tùy từng trường hợp, chỉ áp dụng đối với khách đến bằng đường hàng không. Những người đến Thái Lan bằng đường bộ và chưa được tiêm chủng đầy đủ vẫn sẽ phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày và làm 2 lần xét nghiệm RT-PCR.

 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ tại một trạm xét nghiệm COVID-19 ở Melbourne - Ảnh: 9News

Tại châu Âu, kể từ ngày 25/9, Na Uy sẽ mở cửa trở lại, chấm dứt các biện pháp phòng dịch vốn được triển khai trong 561 ngày qua. Quyết định nới lỏng toàn bộ các biện pháp hạn chế này cho phép tổ chức các sự kiện văn hóa hay thể thao với 100% công suất, các nhà hàng cũng được phục vụ số khách không giới hạn và các câu lạc bộ ban đêm mở cửa trở lại. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, Na Uy ghi nhận tổng cộng 185.330 ca mắc, trong đó có 850 ca tử vong.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh