THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 09:08

Đến sáng 19/9, thế giới đã ghi nhận 228,7 triệu ca mắc COVID-19

Đến sáng 19/9, thế giới đã ghi nhận 228,7 triệu ca mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Giáo viên kiểm tra thân nhiệt của học sinh nhằm phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở Peshawar, Pakistan ngày 16/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 19/9 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 228.744.404 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.697.787 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 361.591 và 5.413 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 205.362.408 người, 18.684.209 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 100.133 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 41.156 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (31.121 ca) và Anh (30.144 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 799 người chết; tiếp theo là Mỹ (578 ca) và Iran (355 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 42.841.063 người, trong đó có 691.291 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.447.010 ca nhiễm, bao gồm 444.869 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.102.536 ca bệnh và 589.744 ca tử vong.   

Đến sáng 19/9, thế giới đã ghi nhận 228,7 triệu ca mắc COVID-19 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới 73.849.487 ca. Châu Âu đứng thứ hai với 57.473.575 ca nhiễm. Con số này ở khu vực Bắc Mỹ là hơn 51 triệu ca trong khi ở Nam Mỹ là hơn 37 triệu ca. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn nhưng số ca nhiễm cũng đã lên tới hơn 8,2 triệu ca và châu Đại Dương có hơn 200.000 ca nhiễm.

Xét theo số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với  1.201.834 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.145.510 ca. Con số này ở châu Á và Bắc Mỹ là hơn 1 triệu ca. 

VTV cũng đưa tin, toàn châu Âu hiện có 11.857 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực. Tổng số ca phục hồi hiện là 52.592.075 ca. Kể từ ngày 1/10, Bỉ sẽ không bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng nhưng vẫn duy trì quy định này trên các phương tiện công cộng, nhà ga, sân bay và các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, từ ngày 1/10, các nhà hàng và câu lạc bộ thể thao sẽ kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ của khách hàng và những người tham dự sự kiện lớn (500 người trở lên trong không gian kín và 750 người trở lên trong không gian mở).           

Anh đã điều chỉnh các biện pháp phòng dịch với du lịch nước ngoài nhằm khôi phục cuộc sống theo trạng thái bình thường mới. Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cho biết sẽ bỏ hệ thống phân loại danh sách các nước "đỏ, xanh, vàng" theo nguy cơ về dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó, sẽ chỉ có 2 danh sách đơn giản hơn là những điểm đến có "nguy cơ cao" và "nguy cơ thấp". Việc xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cũng được hủy bỏ với khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí đáng kể này.           

Cùng ngày, các chuyên gia y tế Italy tuyên bố đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ tư sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh trong 2 tuần qua. Theo ông Silvio Brusaferro, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS), số ca lây nhiễm tại Italy được duy trì ở mức thấp nhờ các chiến dịch tiêm vaccine. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy Chỉ số lây nhiễm (RT) của Italy đã giảm xuống 0,85 trong 14 ngày (25/8-7/9), từ 0,92 của tuần trước đó. Chỉ số RT dưới 1 có nghĩa là tỷ lệ lây nhiễm đang giảm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nino Cartabellotta cảnh báo xu hướng giảm số ca lây nhiễm có thể không kéo dài. Ông nói thêm: "Mùa Thu đến và việc mở cửa trở lại trường học cho 9,4 triệu người, ngoài những trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm dù chỉ một liều vaccine, có một nguy cơ tái bùng phát tình trạng lây nhiễm và gia tăng số ca nhập viện do COVID-19".

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hôm qua Lào ghi nhận 466 ca mắc mới COVID-19. Số lượng ca nhiễm mới trong ngày cao nhất được ghi nhận tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đa số các ca mắc mới là lây nhiễm trong cộng đồng. Trước tình hình trên, Chính quyền thủ đô Vientiane ra thông báo hạn chế người dân di chuyển liên tỉnh, không cho đến các địa phương đang có ca cộng đồng. Đồng thời, lập thêm các chốt kiểm soát ra vào thành phố. Cũng trong hôm qua, Lào thông báo sẽ tiêm cho các học sinh lớp 12 để đảm bảo an toàn cho các em trong các kỳ thi quan trọng sắp tới.

 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 17/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Campuchia, 23 học sinh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đa số các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Phnom Penh mở cửa trở lại hai ngày trước đó. Để ngăn dịch bệnh lây lan, 5 trường đã đóng cửa các lớp học có học sinh mắc COVID-19.           

Trong khi đó, Thái Lan cân nhắc nới lỏng thêm các biện pháp để thích ứng lâu dài với dịch bệnh. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang lên kế hoạch chấm dứt những biện pháp hạn chế đối với một số hoạt động, coi đó là một phần trong mục tiêu sống chung với COVID-19. Tính đến ngày 17/9, Thái Lan đã tiêm được hơn 42,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 28,4 triệu người được tiêm mũi đầu tiên và hơn 14,2 triệu người được tiêm mũi thứ hai (chiếm khoảng 21,58% dân số).

Ít nhất 2 tỉnh của Trung Quốc là Chiết Giang và Hà Nam sẽ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường từ nửa cuối tháng 9. Đối tượng được tiêm là người có nguy cơ lây nhiễm cao và đã tiêm đủ liều được 6 tháng.

Trước đó, các chuyên gia của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc đã khuyến nghị đối với những người làm việc trong các ngành và địa điểm có nguy cơ cao, như hải quan, kiểm dịch biên giới, hàng không, điểm cách ly, cơ sở y tế cần được tiêm mũi tăng cường... 6 tháng sau khi hoàn thành chương trình tiêm chủng. Ngoài ra, những người có hệ miễn dịch kém và người trên 60 tuổi cũng được khuyến nghị có thể tiêm nhắc lại.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh