THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:04

Đến sáng 23/9, thế giới có trên 230,8 triệu người mắc COVID-19

Đến sáng 23/9, thế giới có trên 230,8 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Stuttgart, miền Nam Đức ngày 24/3/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info cập nhật đến 6 giờ sáng 23/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 230.803.601 ca, trong đó có 4.731.083 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 116.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 2.000 trường hợp, tức là giảm mạnh so với thời gian trước.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 207 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 22/9, thế giới có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Đến sáng 23/9, thế giới có trên 230,8 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 2.

Học sinh tại một trường học ở New York, Mỹ, ngày 13/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.387.366 ca mắc và 699.568 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 446.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 592.000 ca tử vong.

Khách du lịch trong trang phục truyền thống Hanbok của Hàn Quốc thăm làng Hanok ở Jeonju, trong kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở nước này tiếp tục vượt mốc 1.700 ca trong ngày thứ hai liên tiếp, mặc dù nước này giảm thiểu tiến hành xét nghiệm trong kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) kéo dài 5 ngày vừa qua.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã có thêm 1.720 ca mới, nâng tổng số lên 290.983 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.419 người, sau khi có thêm 6 ca mới. Đây cũng là ngày thứ 78 liên tiếp vượt mốc 1.000 ca/ngày. Trước đó, trong ngày 21/9, con số này là 1.729 ca.

Khu vực đô thị Seoul - nơi 50% trong tổng dân số 52 triệu người của Hàn Quốc sinh sống hiện là tâm dịch của cả nước, khi ghi nhận tới 77% tổng số ca bệnh. Theo KDCA, tới 40% trong số này là không thể xác định nguồn lây. Do đó, giới chức y tế đã kêu gọi người dân chủ động xét nghiệm COVID-19 trước và sau kỳ nghỉ lễ Trung thu kéo dài từ ngày 18 đến 22/9 để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đến sáng 23/9, thế giới có trên 230,8 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 4.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

VTV cũng đưa tin, giới chức y tế Bỉ đã cho phép tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho tất cả người lưu trú trong các viện dưỡng lão và người trên 85 tuổi. Quyết định trên được cho là nhằm bảo vệ người dân Bỉ tốt hơn trước mối đe dọa của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4. Hiện nay, khoảng 72% dân số Bỉ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ Bỉ cũng đã quyết định cấp chứng nhận kỹ thuật số về an toàn COVID-19 cho những người có giấy chứng nhận tiêm chủng hợp lệ.

Trả lời phỏng vấn với nhật báo Il Messprisro ngày 21/9, cố vấn của Bộ Y tế Walter Ricciardi cho biết: "Có thể dự đoán rằng từ năm sau, tất cả mọi người sẽ được tiêm một liều tăng cường và sau đó sẽ được tiêm nhắc lại định kỳ".

Ngày 20/9, Italy đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho đối tượng dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng như bệnh nhân ung thư, người được ghép tạng, người trên 80 tuổi, cư dân viện dưỡng lão và nhân viên y tế tuyến đầu. Cơ quan dược phẩm AIFA của Italy đã khuyến nghị nên sử dụng 2 loại vaccine Pfizer và Moderna cho mũi tiêm thứ 3.

Cùng ngày, Giám đốc Bệnh viện bệnh truyền nhiễm Spallanzani ở Rome, ông Francesco Vaia cho rằng, chưa đến lúc bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi hãng Pfizer tuyên bố, vaccine của họ an toàn và hiệu quả với nhóm tuổi này.

 - Ảnh 1.

Italy đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho đối tượng dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng. (Ảnh: AP)

Ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Dan Tehan khẳng định, với tốc độ tiêm chủng hiện nay, biên giới quốc gia có thể sẽ mở cửa trở lại "muộn nhất là vào dịp Giáng sinh". Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, ông Tehan bày tỏ hy vọng, muộn nhất là vào Giáng sinh, người dân Australia sẽ có thể đi du lịch, cùng với mã QR chứng minh tình trạng tiêm chủng kết nối với hộ chiếu. Ông Tehan khẳng định, với tốc độ triển khai hiện nay, Australia sẽ sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% trên toàn quốc để có thể mở cửa biên giới trở lại và cho phép người dân đi du lịch nước ngoài.

Thành phố Auckland lớn nhất New Zealand đã nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch bệnh, hạ mức độ cảnh báo về dịch COVID-19 xuống mức 3 trong ít nhất hai tuần. Đến nay, Auckland đã duy trì mức độ cảnh báo 4, mức cao nhất của lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 trong hơn 30 ngày, lâu hơn thời gian phong tỏa trong năm 2020. Với việc hạ mức cảnh báo xuống cấp độ 3, các hoạt động xây dựng và dịch vụ bán đồ ăn mang về ở thành phố trên có thể được nối lại với việc thực hiện tại chỗ những biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết, trong khi hầu hết học sinh vẫn được khuyến khích học trực tuyến.

Chính phủ New Zealand ngày 22/9 đã thông báo ghi nhận thêm 24 ca mắc COVID-19 mới.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 22/9 đã nới lỏng quy định về đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày ở quốc gia vùng Vịnh này đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây. Theo quy định mới, người dân UAE vẫn phải tuân thủ việc giữ khoảng cách 2m với người đối diện. Tuy nhiên, họ có thể cởi bỏ khẩu trang khi tập thể dục ở những nơi công cộng, trên bãi biển, tại các bể bơi, trong tiệm làm tóc và trung tâm y tế khi đang điều trị bệnh.

Cơ quan Quản lý khủng hoảng và tình trạng khẩn cấp quốc gia UAE cho biết, quyết định trên được đưa ra sau khi số liệu về các ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày duy trì đà giảm ổn định kể từ đầu tháng 7 vừa qua.

Ngày 22/9, Chính phủ Mexico thông báo sẽ tiến hành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 1 triệu trẻ em dưới 18 tuổi có bệnh nền hoặc khuyết tật. Theo số liệu của Bộ Y tế Mexico, quốc gia Bắc Mỹ này đã ghi nhận gần 150.000 trường hợp người dưới 18 tuổi mắc COVID-19, trong đó có trên 700 ca tử vong.

Trước tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Mexico đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Bộ Y tế Mexico đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên vào tháng 10 tới.

Một chuyên gia dịch tễ của Indonesia cảnh báo, nước này có thể bùng phát một đợt dịch mới vào cuối năm. Theo chuyên gia này, nếu tỷ lệ tiêm chủng tại Indonesia không đạt 50% vào cuối năm, nước này sẽ đối mặt đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 3 vào tháng 12/2021 hoặc 1/2022. Việc nới lỏng một số lĩnh vực sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Kinh nghiệm cũng cho thấy, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia tăng mạnh sau các đợt nghỉ lễ dài. Để phòng tránh nguy cơ trên, Indonesia đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. 

Ngày 22/9, Indonesia cho biết đang xem xét việc mở cửa đón du khách nước ngoài đến đảo Bali và một số điểm du lịch khác từ tháng 10 tới. Ban đầu, Indonesia sẽ ưu tiên tiếp nhận du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và New Zealand do đánh giá mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại các quốc gia này thấp. Dự kiến, đến khi đạt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 mũi đầu tiên cho 70% người dân, nước này sẽ mở cửa với du khách từ các nước khác. Hiện Indonesia đã tiêm mũi đầu tiên cho gần 40% dân số và 21% đã tiêm mũi 2.

Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) chưa cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. BPOM khẳng định, đến nay, EUA cho loại vaccine này tại Indonesia chỉ dành cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Malysia thí điểm ban đầu với du lịch nội địa. Tuần qua, nước này vừa triển khai "bong bóng du lịch" nội địa, thí điểm ở đảo Langkawi. Du khách cần đảm bảo đã tiêm đủ vaccine và thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trước khi lên đảo. Cảnh sát sẽ được huy động tuần tra tại các điểm du lịch trên đảo. Du khách và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phải cam kết tuân thủ các yêu cầu ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Đảo này có dân số 115.000 người và gần 90% đã tiêm chủng. Theo giới chức Malaysia, kết quả tại Langkawi sẽ là cơ sở để đánh giá mô hình khôi phục tổng thể ngành du lịch.

Ngày 22/9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố, Chính phủ nước này quyết định cho phép người dân có thể đi xuyên bang, đồng thời mở cửa trở lại các khu danh thắng, hải đảo và địa điểm du lịch khi 90% người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19,

Bộ Nội vụ Thái Lan mới đây đã ban hành văn bản đề nghị chính quyền các địa phương sẵn sàng bắt đầu tiêm chủng cho học sinh vào cuối tháng 9. Số lượng học sinh từ 12-18 tuổi tại Thái Lan trong danh sách cần tiêm vaccine là khoảng 4,5 triệu em, tại 29 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Vaccine được Bộ Y tế nước này phân bổ là Pfizer. Ngày 20/9 vừa qua, một chương trình thí điểm với mục đích tạo miễn dịch trong các cơ sở giáo dục tại Thái Lan đã được triển khai với 2.000 trẻ được tiêm vaccine Sinopharm.

Thái Lan công bố kế hoạch từ ngày 1/10 sẽ tiến hành mở cửa Bangkok, Chiang Mai cùng các khu du lịch ở Pattaya, Cha-am và Hua Hin. Tùy theo đặc thù riêng, mỗi địa phương sẽ triển khai những cách thức đón khách khác nhau, phù hợp với lợi thế của từng điểm đến. Một số địa điểm khác dự kiến cũng sẽ mở cửa hoàn toàn vào giữa tháng 10 theo mô hình "bong bóng" với một số nước láng giềng.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, nước này sẽ tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đưa ra các biện pháp kích thích khẩn cấp nhằm giảm thiểu tác động của làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất. Phát biểu tại họp báo do Cơ quan kế hoạch nhà nước tổ chức, ông Prayut cho biết, Chính phủ hy vọng tình hình sẽ nhanh chóng bình thường trở lại. Ông khẳng định: "Chính phủ sẽ nỗ lực hết mình giải quyết cuộc khủng hoảng này, để người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất".

 - Ảnh 2.

Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm chủng cho học sinh vào cuối tháng 9 này. (Ảnh: AP)

Thái Lan đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm, trong đó trên 15.700 người tử vong. Khoảng 99% trong số này được ghi nhận từ tháng 4 đến nay sau một năm kiềm chế dịch khá tốt. Đến nay, chỉ 22% trong số 72 triệu người sống trên lãnh thổ Thái Lan được tiêm phòng đầy đủ. Nhà chức trách nước này mong muốn, tỷ lệ trên cao hơn trước khi mở cửa trở lại hoàn toàn đón du khách.

Các nhà nghiên cứu của Viện Pasteur (Pháp) cho biết đã tìm ra một manh mối về nguồn gốc của virus gây ra đại dịch COVID-19. Theo đó, qua nghiên cứu hàng trăm con dơi sống trong các hang động đá vôi ở phía Bắc nước Lào, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur và Đại học Quốc gia Lào phát hiện thấy có 3 mẫu virus ở trên những con dơi này có cấu trúc gần giống với virus SARS-CoV-2, loại virus đã gây ra bệnh COVID-19 dẫn tới hàng triệu ca tử vong kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Theo nhóm nghiên cứu, cả 3 mẫu virus này đều có cơ chế bám vào tế bào người giống với cơ chế bám của virus SARS-CoV-2, tuy nhiên chúng vẫn có một số điểm khác biệt chính so với virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, phát hiện này là một bước tiến quan trọng trong việc xác định nguồn gốc của đại dịch khi góp phần củng cố giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ loài dơi.

Bộ Y tế Lào ngày 22/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 222 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 210 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Bộ Y tế Campuchia thông báo sẽ tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người trưởng thành từ tháng 10. Bộ Y tế Campuchia cho biết, từ ngày 11/10 tới, người từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 3, bắt đầu từ thủ đô Phnom Penh. Khoảng cách giữa mũi thứ 2 và 3 ít nhất là 4 tháng và vaccine của Sinovac (Trung Quốc) sẽ được sử dụng để tiêm tăng cường. Sau Phnom Penh, tỉnh Kandal sẽ triển khai chiến dịch này từ ngày 30/10 và các tỉnh khác bắt đầu thực hiện trong thời gian từ ngày 8/11 - 16/12.

Trước khi chính thức bắt đầu chiến dịch tiêm mũi tăng cường quy mô lớn, tính đến nay, Campuchia đã tiêm mũi thứ 3 cho hơn 844.000 người gồm lực lượng y tế, quan chức, công chức địa phương làm nhiệm vụ ở tuyến đầu và người trên 60 tuổi. Dù chiến dịch tiêm phòng được đẩy mạnh, Bộ Y tế Campuchia tiếp tục khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ngay cả khi đã được tiêm phòng đầy đủ.

Chiều 22/9, chính quyền thủ đô Phnom Penh tiếp tục ban hành quyết định ngừng hoạt động một số ngành nghề kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cao cũng như các hoạt động tập trung đông người thêm 14 ngày bắt đầu từ ngày 24/9 đến ngày 7/10.

Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 637 ca mới và 14 trường hợp tử vong trong ngày 22/9. Cho đến nay Campuchia đã phát hiện tổng cộng 105.981 ca mắc COVID-19 và 2.154 người tử vong.

Trung Quốc đã ghi nhận 41 ca lây nhiễm mới trong ngày 22/9. Thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang đã báo cáo các ca nhiễm mới đầu tiên trong cộng đồng sau gần 9 tháng áp đặt lệnh bán phong tỏa thành phố. Chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân yêu cầu cư dân không được rời khỏi thành phố trừ những lý do cần thiết. Các tụ điểm trong nhà như rạp chiếu phim, phòng tập thể dục cũng bị đóng cửa. Địa điểm du lịch được yêu cầu tiếp đón lượng khách hạn chế với một nửa công suất. Thành phố cũng sẽ ngừng mọi lớp học trực tiếp tại toàn bộ vườn trẻ, trường tiểu học và trung học trong 1 tuần bắt đầu từ ngày 22/9.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh