Cao điểm đấu tranh chống khai thác cát, sỏi
- Pháp luật
- 17:58 - 08/07/2017
Các cơ quan chức năng kiểm tra việc khai thác cát trên sông Hồng đoạn chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai. Ảnh: QT
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ trả lời: Trên cơ sở Luật khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP), trong đó quy định Ủy ban nhân dân tỉnh lập, phê duyệt và cấp phép khai thác cát khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có cát, sỏi và quy định cụ thể trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các cấp, bao gồm cả cát, sỏi lòng sông; ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó bổ sung các hành vi cần xử phạt, tăng mức xử phạt đối với các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép lên 2-3 lần. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 3/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, theo đó đã chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có cát, sỏi lòng sông.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, công tác quản lý nhà nước và đấu tranh chống khai thác cát, sỏi trái phép đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, hạn chế như chưa xử lý được hình sự, việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe, việc áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm của các địa phương chưa thống nhất; hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên toàn quốc, đây là hoạt động tội phạm tinh vi, khó đối phó, sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ. Thực tế hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm trấn áp tội phạm nhưng hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra tinh vi, có nơi công khai, có tính chất lộng hành, chống lại người thi hành công vụ, đe dọa người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa mạnh dạn phân cấp cho địa phương, dư luận nghi ngờ có quan hệ lợi ích nhóm; các lực lượng chức năng buông lỏng quản lý, thiếu phối hợp chặt chẽ, một số quy định pháp luật còn bất cập. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng cát để san lấp và xây dựng hiện nay rất lớn, việc khai thác, kinh doanh cát đem lại nguồn thu cao; đồng thời, phạm vi các luồng tuyến sông rộng, thuận lợi cho việc vận chuyển tiêu thụ cát khắp các tỉnh, thành phố; quy định pháp luật về xử lý hình sự hành vi khai thác cát, sỏi trái phép chưa cụ thể, rõ ràng, việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe đối với các vi phạm này; có dư luận về lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép.
Để xảy ra vi phạm trên địa bàn về khai thác cát sỏi trái phép thì Bí thư, Chủ tịch, trưởng công an nơi đó phải bị xem xét đầu tiên. ảnh minh họa: Hà Nội Mới.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những quy định pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách pháp luật về khoáng sản và văn bản số 357/TB-VPCP ngày 6/11/2015, văn bản số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017.
Giải pháp thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề để đánh giá và đề ra các giải pháp toàn diện, căn cơ để giải quyết vấn đề này.
Trước mắt, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đợt cao điểm đấu tranh chống khai thác cát, sỏi trái phép; điều tra xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, cầm đầu và nhóm lợi ích tham nhũng bao che; chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan để khởi tố và xét xử điểm một số vụ án có liên quan hoạt động khai thác cát, sỏi; nghiên cứu xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật, hướng dẫn việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản, trong đó phân cấp triệt để cho địa phương việc cấp phép khai thác cát và thực hiện các dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy có tận thu sản phẩm cát; các Bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát.
Xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi; đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên; nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ nhu cầu trong nước (san lấp bờ biển chống sạt lở, mở rộng đất liền, mở rộng đảo,...); đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của khai thác cát, sỏi trái phép, vận động doanh nghiệp và người dân chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các vi phạm bao che, lợi ích nhóm, kể cả xử lý hình sự.