Gặp khó khăn về tâm lý, học sinh dễ có hành vi tự hủy hoại bản thân
- Giáo dục nghề nghiệp
- 20:20 - 21/11/2018
Tỉ lệ học sinh THCS tự hủy hoại bản thân đáng báo động. (Ảnh minh họa).
Đó là kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở (THCS) và biện pháp phòng ngừa” do PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm đã tiến hành điều tra trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS trên địa bàn tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Nhiều biểu hiện tự hủy hoại bản thân
Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, tỉ lệ gặp phải những rối loạn tâm thần học đường ngày càng cao. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát ngẫu nhiên với 1.043 học sinh để đánh giá mức độ và các biểu hiện hành vi trong hiện tượng tự hủy hoại bản thân. Nghiên cứu tiến hành trong năm 2016 đến 2017, tập trung vào học sinh khối 6,7 và 8 ở bảy trường trung học cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, "tự hủy hoại bản thân" là những hành vi tự làm tổn thương thân thể của mình, làm mình bị đau đớn, mệt mỏi với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng nhưng nhiều khi chính chủ thể cũng không nhận ra hay không cảm nhận một cách cụ thể. "Biểu hiện của hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh cuối cấp trung học cơ sở tựu trung ở việc không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng bản thân, tự cắt xén, bứt tóc, tự khắc lên da thịt, tự đầu độc, tự cắn, tự làm phỏng mình; đau khổ trong im lặng, không thể hiện cảm xúc của mình và có mưu toan tự tử…", ông Sơn chia sẻ.
Thống kê cho thấy học sinh có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở học sinh giỏi, khá và trung bình. Nghiên cứu sàng lọc được 280 học sinh có dấu hiệu thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân, về kết quả học tập có tới 99 học sinh giỏi, 110 học sinh khá, 51 học sinh trung bình, 17 học sinh yếu và 3 học sinh kém.
Về hạnh kiểm, có 168 học sinh có hạnh kiểm tốt, 50 khá, 25 trung bình, 24 yếu và 13 kém. Hoàn cảnh gia đình, các học sinh đều có nét tương đồng, đa số ở mức vừa đủ sống và khá giả. Hơn 82% học sinh thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân với tần suất một lần khi không có sự căng thẳng hay buồn bã, và khoảng 43% học sinh thực hiện hành vi này khi có chuyện buồn hay gặp áp lực. 74,3% học sinh - hơn 3/4 lượng mẫu thăm dò có xu hướng tiết lộ hành vi tự hủy hoại bản thân của mình với bạn bè, và 62,9% học sinh - hơn 1/2 mẫu có xu hướng che giấu hành vi của mình với cha mẹ, 11% che giấu với thầy cô.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết, học sinh càng gặp khó khăn về tâm lý thì dễ có hành vi tự hủy hoại bản thân, điều đó dễ thấy ở các học sinh lớp 6 là lớp đầu cấp và lớp 9 là lớp cuối cấp chuẩn bị thi cử. Tuy nhiên không phải do sức ép từ người khác mà các em có hành vi tự hủy hoại mà có nhiều trường hợp chính bản thân các em kỳ vọng quá cao vào bản thân mình. Một số em bị bạn bè công kích, ép buộc hoặc bắt chước theo trào lưu tôn thờ cảm xúc. “Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy, đối tượng có dấu hiệu hành tự hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở các học sinh khá, giỏi khi trong 280 học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân có đến 99 học sinh giỏi, 110 học sinh khá, 51 học sinh trung bình”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
Biểu hiện của hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh ở việc không quan tâm đến sức khỏe, tự cắt xén, bứt tóc, tự khắc lên da thịt...
Sớm nhận biết để kịp thời điều trị
Nhóm nghiên cứu cũng đề ra một số biện pháp phòng ngừa như nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân cho học sinh THCS, giáo viên và đặc biệt là chuyên viên tham vấn học đường; tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống lồng ghép nhằm phát triển năng lực ứng phó với hành vi này cho học sinh; xây dựng hệ thống kiến thức và bài tập hướng dẫn học sinh có dấu hiệu “tự hủy hoại bản thân” nhằm điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các tác nhân kích thích hành vi này.
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai cho biết, trên thực tế, hội chứng tự hủy hoại bản thân có thể sớm nhận biết. Ngoài việc tự gây đau, làm tổn thương cả thể chất và tinh thần thì bệnh nhân còn có các biểu hiện như: stress về tâm lý kéo dài, cảm thấy bất mãn, luôn căng thẳng; buồn bã, chán nản, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận, luôn có cảm giác ức chế; tim đập nhanh, không đều, hay bị đánh trống ngực; cơ bị run, mỏi đầu gối, bứt rứt, căng cơ, có cảm giác liệt, đau ở khớp; cảm thấy có cục ở họng, khó nuốt, buồn nôn; vã mồ hôi, đồng tử giãn...
TS.BS Tâm khuyến cáo, khi nhận thấy người thân có các biểu hiện của hội chứng này, cần phải hạn chế các dụng cụ, đồ dùng có khả năng gây sát thương, người bệnh cũng cần được điều trị các sang chấn tâm lý. Đồng thời người thân luôn bên cạnh giúp đỡ, chia sẻ và chỉ dẫn cho người bệnh một cách đúng đắn. Bên cạnh đó, người bệnh có thể tự chữa trị cho mình bằng cách tách bản thân ra khỏi môi trường tù túng ngột ngạt; tích cực tham gia các hoạt động chung của gia đình, xã hội. Để điều trị và phòng ngừa hội chứng tự hủy hoại bản thân, mỗi người cần xây dựng cho mình lối sống tích cực. Khi gặp buồn phiền, khúc mắc hãy chia sẻ với người thân, bạn bè và gia đình để sớm giải tỏa tâm lý.