Dự phòng, phát hiện sớm bệnh trầm cảm
- Sức khỏe
- 04:08 - 12/04/2017
4% dân số Việt Nam bị trầm cảm
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2015, Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. và có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia y tế, tất cả mọi người đều có thể mắc trầm cảm, tuy nhiên rối loạn này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam, trầm cảm thường xảy ra ở những người bị stress sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Người bị trầm cảm có biểu hiện buồn chán dai dẳng, mệt mỏi, giảm hoặc mất sự quan tâm, giảm thích thú với những hoạt động thường thích làm, thậm chí là tự tử. Các nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác. Trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15-29. Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 5.000 người tử vong do tự tử.
Tiến sỹ Lại Đức Trường - Chuyên gia Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung ở Việt Nam đã từng bước được quan tâm, tuy nhiên đối với hoạt động phòng, chống trầm cảm nói riêng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Ông cho biết, công tác đầu tư nguồn kinh phí so với nhu cầu cần có vẫn còn khiêm tốn hơn nhiều nước khác, vì vậy, hệ thống giám sát, thông tin của sức khỏe tâm thần chưa đầy đủ.
Chính vì vậy, Bộ Y tế cần coi trầm cảm là một vấn đề ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phối hợp để phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người mắc bệnh ở cộng đồng.
Một bệnh nhân trầm cảm nặng, phải vào bệnh viện điều trị
80% bị nhầm với bệnh khác
Việc điều trị trầm cảm hiện nay hết sức khó khăn, do phần lớn bệnh nhân không được nhận biết và điều trị sớm.Khoảng 80% bệnh nhân trầm cảm ban đầu đi điều trị các bệnh lý, tìm đến bác sĩ nội, bác sĩ ngoại khoa để khám các triệu chứng cơ thể mà không quan tâm đến triệu chứng cảm xúc. Theo PGS.TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, nguyên khó nhận biết là do trong rối loạn trầm cảm có tới 13 thể, trong đó có nhiều thể biểu hiện ra ngoài giống hệt tâm thần phân liệt hay trùng lặp với các triệu chứng bệnh lý như tim mạch, gan, phổi, xương khớp... nên khám mãi không ra bệnh gốc.
Trầm cảm và các bệnh lý khác cũng có sự tương tác 2 chiều, trong đó trầm cảm là yếu tố nguy cơ khiến thời gian điều trị các bệnh nội khoa kéo dài hơn và bản thân những người mắc bệnh lý mãn tính cũng có tỉ lệ trầm cảm lớn hơn như bệnh parkinson có 51% bệnh nhân trầm cảm, tiếp đến là ung thư (42%), đái tháo đường (27%), tim mạch (21%), HIV (12%)...Do đó các bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy có những dấu hiệu thực thể, khám nhiều nơi mà không tìm thấy bệnh thì nên đi khám chuyên khoa tâm thần.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trầm cảm đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trầm cảm thường xảy ra ở những người bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội hoặc sau khi mắc bệnh khác. Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chương trình can thiệp mới chỉ triển khai thí điểm tại một số địa phương trên quy mô nhỏ. Do vậy, hầu hết những người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ, đồng thời đa số người dân còn chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.
Trầm cảm là rối loạn cần điều trị kéo dài. Hơn 50% bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái diễn sau lần 1, tỉ lệ này tăng lên 70% sau lần tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn lên tới 90%. Do đó người mắc trầm cảm cần sự hỗ trợ từ phía gia đình và cộng đồng với các biện pháp trị liệu tâm lý tích cực. Trầm cảm có thể chữa khỏi được hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Hiện nay các phương pháp điều trị chính là dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, shock điện, kích thích từ xuyên sọ.