Cần Thơ: Triển khai nhiều hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ
- Dược liệu
- 13:37 - 15/06/2015
Bình đẳng giới là một trong những vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm và cùng thống nhất hành động giải quyết để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Xác định rõ, thực hiện bình đẳng giới góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tiến bộ xã hội, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ (VSTBPN) thành phố đã chủ động tham mưu UBND thành phố Cần Thơ ban hành các văn bản về bình đẳng giới. Đồng thời, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động Ban VSTBPN các Sở, ngành và các địa phương. Ban VSTBPN các cấp, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, về Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, còn tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội và cán bộ làm công tác bình đẳng giới và VSTBPN các cấp về Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 57/NQ-CP với 588 đại biểu dự. Công tác quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ nữ ngày càng được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm thực hiện khá tốt. Ban VSTBPN thành phố đã tổ chức khảo sát tình hình thực hiện công tác cán bộ nữ các sở, ngành thành phố và các quận, huyện. Qua khảo sát, tỷ lệ nữ quy hoạch các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đảm bảo tỷ lệ theo qui định.
Thực hiện mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khỏang cách giới trong lĩnh vực chính trị”, thành phố Cần Thơ đã đạt một số kết quả quan trọng, nhiệm kỳ 2010-2015 tỷ lệ nữ được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đạt 14,5% (tăng 0,26%); tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đều vượt chỉ tiêu kế họach thành phố đề ra. Hiện nay, tại Cần Thơ nhiều phụ nữ là lãnh đạo các cấp, là chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học có uy tín, đặc biệt là trong hoạt động y tế, giáo dục. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý xã hội, tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp ngày càng tăng.
Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng được chú trọng, tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia Bình đẳng giới đề ra thì tỷ lệ cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo còn thấp. Công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ nữ một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số cán bộ nữ còn thiếu tự tin.
Bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực vẫn còn tồn tại mà sự thiệt thòi chủ yếu vẫn thuộc về phụ nữ. Nhận thức về giới và ý thức thực hiện bình đẳng giới ở một bộ phận người dân, trong đó có phụ nữ còn thấp. Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, thời gian qua, Ban VSTBPN thành phố phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện triển khai Luật Bình đẳng giới, Chiến lược và Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới. Tổ chức các hoạt động truyền thông, các hội nghị triển khai, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, họp mặt, giao lưu…về bình đẳng giới trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong 40 doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ. Tổ chức đoàn kiểm tra (năm 2014) và đoàn khảo sát (năm 2015) tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ 9/9 quận, huyện và một số Sở, ngành thành phố. Qua thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện các đơn vị vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và các đơn vị được kiểm tra, khảo sát hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng đi vào nề nếp và đạt được những kết quả nhất định.
Cùng với đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố đã phối hợp với Ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Phối hợp với Sở Tư pháp triển khai lồng ghép Luật Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong hoạt động của Sở.
Bà Lê Thị Sương Mai phát biểu tại buổi họp mặt nữ doanh nhân thành hố Cần Thơ
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới thành phố cũng đã chủ động tham mưu tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới và công tác phụ nữ. Hiện đã thành lập được 108 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; Tuyên truyền, hỗ trợ, bảo vệ và hòa giải 135 vụ bạo lực giới và gia đình. Có 37 trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố được chọn làm nơi bố trí tạm lánh. Các trạm này đều có nhân viên y tế trực 24/24 sẵn sàng tiếp nhận nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân khi bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.
Tổ chức triển khai thực hiện Mô hình: Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Mô hình; 7 Câu lạc bộ ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới (trên tổng số 7 ấp); 7 tổ phòng, chống bạo lực giới và 08 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Ban Chỉ đạo thực hiện Mô hình của xã đã quan tâm lãnh chỉ đạo thực hiện khá tốt. Công tác tuyên truyền đã được thực hiện thường xuyên sâu rộng trên địa bàn dân cư, trên đài truyền thanh xã. Đã cấp phát 3000 tờ rơi, 1000 tờ áp phich đến tận các hộ gia đình. Sau khi triển khai thực hiện Mô hình, số bạo lực đã giảm nhiều.
Định hướng nhiệm kỳ 2015-2020, quy hoạch cán bộ nữ vào Ban chấp hành Đảng bộ cấp thành phố chiếm tỷ lệ 19,51%; cấp quận huyện hiếm 30,59%. Để đạt được tỷ lệ này, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung tăng cường và đa dạng các hình thức truyền thông tuyên truyền về công tác Bình đẳng giới. Các sở, ngành, đoàn thể chính quyền cần chú trọng thực hiện tốt công tác tham mưu, tạo nguồn đào tạo và quy hoạch cán bộ nữ theo từng lĩnh vực cơ quan, địa phương để thúc đẩy, sự tham gia của phụ nữ thành phố vào các vị trí lãnh đạo quản lý.