THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:56

Cần Thơ: Tỉ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo ngày càng tăng

 

Các cơ sở đào tạo nghề đã đáp ứng được nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn.

Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở TP.Cần Thơ luôn nhận được sự quan tâm, chú trọng của các cấp, các ngành và các địa phương ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực của Đề án. Hiện có 30 nghề đào tạo ở 2 lĩnh vực, nông nghiệp và phi nông nghiệp. Theo chia sẻ của Ban chỉ đạo Đề án, cho dù dạy nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được nghề đã học ngay tại địa phương hoặc hành nghề tại một số doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, năm 2016 thành phố đã đào tạo cho hơn 4.700 lao động nông thôn, đạt 113.33% kế hoạch. Trong đó, đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách 58 người;  hộ nghèo 158 người; dân tộc 169 người, hộ cận nghèo 71 người; tàn tật 6 người;  bị thu hồi đất 19 người, các đối tượng lao động khác là 4.337 người. Tỉ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo trên toàn thành phố trung bình đạt 75%, có cơ sở đào tạo đạt tỉ lệ có việc làm sau đào tạo gần 100%. Qua đó, đã tạo cơ hội cho nhiều lao động có việc làm ổn định, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, đến hết năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo trên toàn thành phố chỉ còn 4,12%.

Năm 2020, TP.Cần Thơ đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, trong đó đào tạo lao động - việc làm cho lao động nông thôn, là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần vào hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.

Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết: Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn thực hiện gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề phải gắn liền với thị trường, theo nhu cầu của doanh nghiệp nhằm giúp cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định và bền vững.

Trong quá trình thực hiện triển khai Đề án, Ban chỉ đạo luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo bằng nhiều biện pháp như phối hợp tổ chức thông tin tuyên truyền, tư vấn, điều tra khảo sát nhu cầu học nghề; đào tạo bồi dưỡng giáo viên; xây dựng chương trình, giáo trình; đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động sau đào tạo tham gia dạy nghề. Từ đó tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo ngày một nâng cao.

Nhiều mô hình giải quyết việc làm hiệu quả

Có thể nói thành công trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP.Cần Thơ còn nhờ vào việc củng cố, tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, các cơ sở đào tạo nghề này đã đáp ứng được nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố trong suốt thời gian qua.

Các nhóm, mô hình giải quyết việc làm ngay tại địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, với những khó khăn như tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo không cao, đặc biệt người lao động không muốn đi làm xa gia đình. Thành phố Cần Thơ đã đề ra những cách làm phù hợp với tình hình thực tế như, xây dựng các tổ hợp tác, các nhóm, mô hình giải quyết việc làm ngay tại địa phương, tại hộ gia đình bằng cách giới thiệu nhận hàng gia công, điển hình như: May gia dụng tại xã Xuân Thắng, xã Trường Thắng huyện Thới Lai; May túi xách tại phường Lê Bình quận Cái Răng; May công nghiệp tại Thị trấn Thới Lai, quận ÔMôn, huyện Vĩnh Thạnh hoặc Đan đát tại Thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, Kết cườm tại phường Bùi Hữu Nghĩa quận Bình Thủy...

Đặc biệt đối với các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp có tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo cao hơn cả do người học nghề sau khi học đã áp dụng được những kỹ năng và kiến thức học được vào thực tế các mô hình nông nghiệp sẵn có của gia đình. Cụ thể như: mô hình trồng lúa giống, lúa chất lượng cao; trồng dưa hấu; trồng rau màu hay mô hình chăn nuôi thủy hải sản... Riêng đối với lĩnh vực phi nông nghiệp thì tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo tập trung cao chủ yếu đối với các nghề giải quyết việc làm tại hộ gia đình.

Bà Trần Thị Xuân Mai,  cũng cho biết, Sở LĐTB&XH Cần Thơ đã giao cho các quận, huyện chủ động đăng ký học nghề theo nhu cầu của người lao động tại địa phương, chủ động lựa chọn đơn vị đào tạo, ưu tiên cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia dạy nghề và có nhu cầu sử dụng lao động sau đào tạo. Cách làm này cũng đã góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề cũng như tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo.

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới các địa phương trên địa bàn TP.Cần Thơ cần tiếp tục tập trung tìm hiểu, rà soát thị trường lao động; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh