THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:27

Cần Thơ thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực chất lượng cao

Nhờ vậy đã góp phần tạo thêm nhiều cơ hội học tập cho người dân, mở rộng quy mô tuyển sinh đào tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

 Thời gian qua, với sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, Sở Lao động – TB&XH thành phố Cần Thơ đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác GDNN, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố nên thu được những kết quả rất tốt. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở LĐ-TB&XH nhanh chóng triển khai, hướng dẫn bằng văn bản các Nghị định, Thông tư hướng dẫn mới theo Luật GDNN cho các cơ sở GDNN, địa phương cũng như toàn hệ thống GDNN và công khai hóa các chính sách chế độ về GDNN đến các cơ quan, đơn vị địa phương và doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH dự khai giảng lớp học nghề

Cùng với đó, Cần Thơ còn thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT học tiếp lên trình độ trung cấp để đáp ứng nhu cầu nhân lực doanh nghiệp, thực hiện phân luồng trong giáo dục đào tạo. Hướng dẫn các quận, huyện thực hiện điều tra, khảo sát về nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch từng năm và cả giai đoạn. Không những vậy, ngành đã hướng dẫn các địa phương lồng ghép công tác dạy nghề cho lao động nông thôn với các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế của các địa phương. Kết quả, các địa phương đã xác định nghề cần đào tạo phù hợp hơn với điều kiện của địa phương và người học, tuyển chọn đối tượng tương đối phù hợp hơn, xây dựng được các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm một cách hiệu quả, có định hướng được đầu ra sản phẩm cho người học.

Nhiệm vụ nâng cao năng lực, chất lượng các cơ sở GDNN cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm và có sự đầu tư bài bản, đúng định hướng. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Lao động – TB&XH đã tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương làm cơ sở rà soát sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới. Hướng dẫn các đơn vị rà soát, đánh giá hoạt động, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước, các ngành và của thành phố. Cần Thơ cũng đẩy mạnh xã hội hóa phát triển GDNN, huy động nguồn lực của khu vực tư nhân vào hệ thống GDNN, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thành lập các cơ sở GDNN tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Chính vì vậy, hiện tại mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố, tăng cường đầu tư và phát triển, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 90 cơ sở GDNN, trong đó: 10 trường CĐ (03 phân hiệu); 14 trường TC (01 phân hiệu); 09 trung tâm GDNN-GDTX quận, huyện; 13 Trung tâm GDNN tư thục; 43 cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển về mạng lưới GDNN, quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo của đội ngũ nhà giáo GDNN được nâng cao hầu hết các nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Toàn thành phố có 2.064 nhà giáo GDNN cơ bản có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nhiệt tình, sáng tạo, tâm huyết với nghề. Nhiều thầy cô giáo không chỉ là những giáo viên dạy giỏi của trường, của thành phố mà còn đạt nhiều giải cao trong các Hội thi, Hội giảng cấp toàn quốc.

Khai giảng lớp học nghề ở Cần Thơ

Năm 2018, các trường CĐ, trung cấp tại Cần thơ đã tuyển mới và đào tạo nghề được gần 41.000 người, trong đó tuyển sinh CĐ trên 5.400 người, trung cấp gần 2.900 người. Xu hướng HSSV tập trung lựa chọn vào học các ngành như công nghệ ô tô, cơ khí, tin học, dịch vụ du lịch… Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, ngành Điều dưỡng nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh. Trong thời gian qua, người lao động, HSSV đã có định hướng rõ nét hơn về học nghề gắn với trình độ kỹ thuật cao, chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN tại Cần Thơ đã được nâng lên. Tỷ lệ HSSV có việc làm sau học nghề bình quân hàng năm đạt trên 80%. Công tác tuyển sinh, đào tạo luôn được thực hiện với phương châm lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu hàng đầu, không chạy theo số lượng. Tuyển sinh phải gắn với tuyển dụng, việc làm sau tốt nghiệp của người học; gắn với việc làm bền vững và an sinh xã hội. Hệ thống các trường, cơ sở GDNN đã bảo đảm chất lượng, bao gồm bảo đảm trong do các cơ sở GDNN chủ động thực hiện theo điều kiện, tầm nhìn, sứ mạng của mình và hệ thống bảo đảm chất lượng ngoài do xã hội. Sở quản lý nhà nước thực hiện như kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra… với nguyên tắc chất lượng hoạt động của cơ sở GDNN phải được đánh giá đúng, công khai cho xã hội biết để giám sát.



Đồng thời nhằm nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng GDNN, ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện công tác tự kiểm định chất lượng GDNN theo chỉ đạo của Tổng cục GDNN. Kết quả đã có 04 trường Cao đẳng, 11 trường Trung cấp và 15 Trung tâm GDNN được hướng dẫn tổ chức tự kiểm định chất lượng. Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ thực hiện kiểm định chất lượng GDNN theo kế hoạch của Tổng cục GDNN. Việc gắn kết với doanh nghiệp đã được chú trọng; nhiều cơ sở GDNN đã tìm ra những hình thức hợp tác với doanh nghiệp hiệu quả; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đã tham gia trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đánh giá kết quả đào tạo; đã xây dựng được cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp thông qua chương trình phối hợp công tác.

Năm 2019, để góp phần đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp tham gia lao động sản xuất phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, thành phố Cần Thơ đề ra chỉ tiêu tổ chức đào tạo nghề cho 4.500 LĐNT. Nâng tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 82 %, trong đó trình độ trung cấp là 100 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 4.400 người. Tổ chức tuyển mới GDNN cho 46.000 người và phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn thành phố đạt 72%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 56,5%.

Xưởng thực hành cơ khí ở một cơ sở dạy nghề tại Cần Thơ

Để thực hiện được các mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và hoàn thành mục tiêu của công tác GDNN năm 2019 Cần Thơ quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Xây dựng chiến lược truyền thông của lĩnh vực GDNN nhằm tăng cường nhận thức của người học nghề. Tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền cho GDNN góp phần tích cực trong việc thông tin đến HS và gia đình về lợi ích thiết thực của học nghề. Học nghề để sớm có thu nhập, vừa có thể bảo đảm được cuộc sống, đồng thời mở ra cơ hội tiếp tục học lên cao. Tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của nhà nước, của thành phố về đào tạo nghề với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với đặc điểm, điều kiện dân cư trên từng địa bàn của thành phố.

Song song với đó, Cần Thơ sẽ tăng cường tổ chức các Hội nghị, Hội thảo khoa học, diễn đàn ở các cấp độ và phạm vi khác nhau, diễn giả ở trong nước và quốc tế… về phát triển GDNN gắn với cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cách mạng công nghiệp 4.0, việc làm bền vững… Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; trước hết là những trường trung cấp có trên 50% số ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn cấp tỉnh; những trường trung cấp không đủ điều kiện tối thiểu theo quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN. Khuyến khích thành lập các cơ sở GDNN ngoài công lập.

Tập trung triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực GDNN, đặc biệt là thí điểm đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài. Chú trọng đào tạo lại; trong đó ưu tiên đào tạo lại cho những người từ 30 - 45 tuổi để có năng lực tiếp cận các nghề mới. Tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hoá các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng lao động, chú trọng tới công tác tuyển sinh đào tạo.

NGỌC TÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh