THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:28

Cần Thơ: Nhiều điển hình phụ nữ làm kinh tế hiệu quả

 

Nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi

Điển hình của phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi là chị Huỳnh Thị Kim Liên. Trong vai trò là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của khu vực, chị Liên đã vượt khó, vươn lên, giúp đỡ những chị em khác cùng cải thiện cuộc sống. Năm 1997, chị Liên được bầu làm nhóm trưởng nhóm phụ nữ tiết kiệm người dân tộc khu vực Bình Lợi. Vay Ngân hàng Chính sách Xã hội được 5 triệu đồng, chị đầu tư nuôi heo, trả lãi đúng hẹn. Sau đó chị vay thêm 7 triệu đồng mua bò nuôi. Công việc chăn nuôi, mua bán ngày càng có hiệu quả, chị Liên tích lũy mua 4 công ruộng. Nhờ tích cóp, chị mua được đất, mở tiệm tạp hóa nhỏ, rồi bắt đầu nuôi heo, bò sữa, nấu rượu bán... Hiện nay chị Liên đã có nhà cửa khang trang với 2 tiệm tạp hóa bán hàng cho bà con trong vùng lúc nào cũng tấp nập khách. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Liên còn giúp chị em phụ nữ trong khu vực bằng cách cho mượn vốn làm ăn, bán chịu con giống, lúa giống, các nhu yếu phẩm hằng ngày... có khi trị giá lên đến 35 triệu đồng.

Nhiều phụ nữ quận Ô Môn đã nỗ lực giúp nhau làm kinh tế, vươn lên  thoát nghèo.

 

Một tấm gương điển hình khác đó là chị Lê Thị Kiều Trang, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng làm mướn không đủ nuôi 3 con nhỏ. Năm 2006, chị Trang được vay vốn trồng rẫy, chồng chị được Hội Phụ nữ giới thiệu việc làm. Giờ đây, gia đình chị đã thoát nghèo, các con được ăn học đàng hoàng.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Bình Lợi cho biết: “Khu vực có đội ngũ cán bộ hội năng động, uy tín, tập hợp tốt chị em vào tổ chức Hội, tạo được niềm tin trong chị em. Nhóm phụ nữ tiết kiệm người Kinh và người dân tộc Khmer trong khu vực luôn hoạt động hiệu quả. Khi vào nhóm, mỗi người sẽ được vay từ 3 đến 10 triệu đồng, ai khó khăn đột xuất chị em sẽ đóng góp thêm. Từ năm 2006 đến nay, khu vực có 28 hộ thoát nghèo, nhiều chị đã vươn lên ngưỡng khá.

Sử dụng nguồn vốn hiệu quả

Theo báo cáo của quận Ô Môn, phường Trường Lạc có gần 2.000 hội viên phụ nữ, trong đó số lượng chị em đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng không nhỏ. Thời gian qua, Hội Phụ nữ đã đào tạo nghề, giới thiệu việc làm giúp phụ nữ Khmer nâng cao chất lượng cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Còn ở phường Châu Văn Liêm trước đây nhiều chị em đời sống bấp bênh, không có tư liệu sản xuất, muốn buôn bán phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao. Khu vực 2 của phường thực hiện mô hình “Vận động phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế gia đình”, đồng thời mở rộng các nhóm phụ nữ tiết kiệm, giúp vốn để chị em mở tiệm bán bún, bánh xèo, quần áo cũ... sau đó tăng dần vốn và thời hạn vay.

Hội phụ nữ quận luôn phối hợp với các cấp ngành liên quan tư vấn cho chị em sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. 

 

Bà Võ Thị Thúy Đoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ô Môn chia sẻ: “Hội đã xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là mũi nhọn để tác động mạnh mẽ đến phong trào phụ nữ. Điều chị em cần nhất là vốn để làm ăn nên chúng tôi luôn tìm cách để đáp ứng nhu cầu này. Phần lớn chị em hội viên rất đảm đang, sử dụng tiền đúng mục đích. Hội luôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các nguồn vốn, vận động chị em tham gia các dự án thoát nghèo để ổn định cuộc sống”.

Ngoài việc hỗ trợ vốn để nuôi trồng, sản xuất, Hội phụ nữ quận đã thông qua các nguồn tài trợ bình chọn công khai xây nhà tình thương cho hội viên nghèo, phối hợp với liên minh hợp tác xã, phòng kinh tế hướng dẫn kiến thức khoa học về trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao kiến thức cho chị em vào việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. 

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh