THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:59

Nghệ An: Nhiều nông dân thoát nghèo nhờ internet

 

Họ chỉ cần một smartphone hay máy tính kết nối internet, những người nông dân “chân lấm tay bùn”, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” này đã có thể tiếp cận, khai thác kiến thức khoa học công nghệ để phục vụ sản xuất chăn nuôi.

Bạn của nhà nông

Năm 1994, anh Nguyễn Hữu Hóa, trú xóm 3 (Nghi Ân -Tp Vinh - Nghệ An), xuất ngũ về quê. Thời gian đầu, chỉ có mấy sào đất ruộng, kinh tế gia đình anh hết sức khó khăn.  10 năm sau, khi phong trào chơi cây cảnh rộ lên thì người cựu quân nhân này mới tìm đúng hướng thoát nghèo. Với diện tích hơn 5 sào đất, anh chọn trồng các loại cây hoa và cây cảnh thích hợp với thổ nhưỡng ở quê hương. Hiện, vườn cây của anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động, mỗi năm cho thu nhập trung bình gần 200 triệu đồng.

Anh Hóa cho biết, yếu tố sống còn của nghề trồng hoa và cây cảnh chính là nắm bắt nhu cầu thị trường. Việc vận dụng trang mạng google, mạng xã hội trong sản xuất và tìm kiếm bạn hàng được anh Hóa vận dụng triệt để. Vừa tra cứu kiến thức về cây cảnh trên điện thoại smartphone, anh Hóa vừa chia sẻ: “Tôi thường tra trên mạng những giống hoa, dáng cây cảnh mới, nhưng quan trọng là nắm bắt cung và cầu của thị trường. Những cây cảnh mới được tạo, sở thích của khách hàng trong tỉnh và những địa phương lân cận đối với cây cảnh trong từng giai đoạn thể hiện trên mạng rất rõ. Thị trường cây cảnh thay đổi theo từng năm nên không nắm bắt được thì mình trồng chẳng bán được cho ai. Do đó, có những cây trồng năm này nhưng sang năm phải lập tức đổi sang giống cây khác”.

 

Smartphone thực sự là nhân tố hỗ trợ đắc lực trong việc tạo cành, ươm cây của anh Nguyễn Hữu Hóa (áo trắng) ở xóm 3, xã Nghi Ân (T.P Vinh)

 

Sản phẩm của anh hiện được bán rộng rãi trên nhiều tỉnh và được rất nhiều khách hàng yên thích.

Tại xã Nghĩa Thuận (T.X Thái Hòa-Nghệ An), thanh niên Trần Văn Hải được biết đến là một người vận dụng internet thành công trong sản xuất kinh doanh. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã theo cha học làm thợ mộc. Nhờ thông minh, chịu khó học hỏi nên anh đã có thể kiếm thu nhập trong vài năm. Vốn là một thanh niên luôn khát khao vươn lên trong làm ăn, anh luôn tìm tòi để tìm ra giống vật nuôi thích hợp với điều kiện đất mình. Năm 2006, Trần Văn Hải quyết định bước vào nuôi gà thịt và gà giống. Thời gian đầu chưa quen với đặc tính của vật nuôi này, anh liên tục gặp rủi ro, gà bị bệnh chết rất nhiều. Không được đào tạo về chăn nuôi, anh thường lân la tới quán internet trong vùng để khai thác thông tin, kiến thức về chăn nuôi gà trên mạng. Càng học, càng đọc nhiều bài viết trên mạng đã cung cấp cho anh kiến thức và hun đúc thêm ý chí vươn lên làm kinh tế.

 Năm 2008, thành công ở lứa gà nuôi đầu tiên đã thôi thúc anh mở rộng quy mô để nuôi gà thịt. Đến nay, anh đã có 1000 mét vuông chuồng trại. Trong chuồng thường xuyên có hàng ngàn con gà. Anh thường ra Bắc vào Nam tìm tòi nuôi thử những giống gà mới. Anh cho biết, năm 1016, anh xuất đi hơn chục lứa gà, trừ đi mọi chi phí cho anh lãi hàng trăm triệu đồng. Vừa làm kinh tế, vừa làm xóm Phó phụ trách an ninh, năm 2013, anh được Tỉnh đoàn Nghệ An trao tặng giải thưởng “Gương mặt trẻ Nghệ An tiêu biểu”. Đặc biệt vào ngày 27/9/2014, chàng trai giáo dân 34 tuổi này cùng với 150 nhà nông trẻ xuất sắc trong cả nước vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của. Anh Trần Văn Hải chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng định theo bạn bè vào miền Nam làm công nhân nhưng tôi suy nghĩ nếu cố gắng mình sẽ làm được và quyết định kiếm sống ngay tại quê nhà mình. Tôi nuôi gà theo cách thức vừa nuôi vừa học. Học ở trên mạng internet là chính, cứ có vấn đề gì gặp khó trong chăn nuôi thì nhờ “bác google” giải quyết. Lấy chất lượng gà thịt làm đầu nên dần dần đầu ra cho sản phẩm cũng ổn định. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi”.

 

Tự mình học kiến thức và cách thức chăn nuôi gà trên mạng intenet, ngày ngày, anh Trần Văn Hải ở xóm 4, xã Nghĩa Thuận vẫn tự tay mình chăm sóc đàn gà của mình

Với anh Trấn Quốc Khánh ở xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc), con đường khởi nghiệp của anh gian nan hơn rất nhiều. Năm 2000, anh xuất ngũ trở về địa phương, với 3 sào ruộng khoán và xoay xở kiếm sống đủ nghề nhưng vẫn dẫm chân tại chỗ. “Họa vô đơn chí”, năm 2004, anh bị tai nạn lao động phải nằm viện phẫu thuật và điều trị phục hồi mất 6 năm trời. Đến năm 2010, anh mới chọn nghề sản xuất hàng nhôm kính, i-nốc và cơ khí để tìm lối thoát nghèo. Những ngày đầu, sản phẩm của anh làm có kiểu dáng đơn điệu, chủ yếu rập khuôn theo ý tưởng của những người thợ trong vùng. Việc tìm kiếm mẫu sản phẩm rất khó nên anh phải huy động bạn bè ở nhiều nơi tình cờ gặp mẫu hàng nhôm kính hay cơ khí đẹp lập tức chụp mẫu gửi về.

Năm 2013, anh mới thực sự vận dụng thông tin trên mạng để phục vụ công việc sản xuất kinh doanh của mình. Đến nay, cơ sở sản xuất hàng cơ khí của anh luôn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, thu nhập mỗi người từ 6 đến 7,5 triệu đồng/tháng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của anh đã có chỗ đứng ở Nghi Lộc và một số huyện trong tỉnh. Một số hạng mục những công trình xây dựng NTM ở xã nhà, anh cũng được địa phương chọn để thi công. Từ năm 2015 đến nay, Trần Quốc Khánh làm Bí thư Chi bộ xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang. Anh Khánh cho biết, nhờ internet ngoài việc làm công tác do nhân dân trong xóm giao phó anh còn tìm được rất nhiều, về mẫu mã sản phẩm, giá cả thị trường và cả những loại vật liệu mới ra để làm sản phẩm của mình. Riêng mạng xã hội là nơi anh dùng để giới thiệu sản phẩm của mình cho bạn bè được biết sản phẩm sắp đưa ra thị trường và nhờ họ chia sẻ. “Facebook cũng là nơi tôi tìm kiếm nhiều khách hàng cho mình và tuyền dụng nhân công để làm việc cũng qua facebook”, anh Khánh cho biết thêm.

 Vươn lên làm giàu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có gần 2,3 triệu thuê bao di động, chiếm 71% dân số sử dụng điện thoại di động; Tốc độ tăng bình quân 13-15%/năm. Trong đó, nông dân chiếm một phần không nhỏ trong số lượng thuê bao di động đã đăng ký.

 

Facebook là địa chỉ quen thuộc để anh Trần Quốc Khánh ở xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang giới thiệu sản phẩm của mình cho mọi người

 

Ở Nghệ An, internet đang là một trong những tiện tích giúp người nông dân nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước, học tập và phát triển kinh tế. Cách đây chừng 10 năm, internet tại nhiều vùng nông thôn ở Nghệ An còn xa lạ, đến nay, hầu hết các thôn, xã đều đã có máy vi tính và dịch vụ internet. Nhiều nông dân còn mạnh dạn đăng kí đi học lớp tập huấn về sử dụng internet hoặc tự mày mò học hỏi cách sử dụng.

Khi phương pháp sản xuất truyền thống không còn mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân ở Nghệ An đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên googele hay facebook và sáng tạo ra nhiều cách làm hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng nhờ có máy tính, điện thoại thông minh và dịch vụ internet, người nông dân có thể dễ dàng tìm kiếm những kiến thức về khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất,  xây dựng các mô hình kinh tế, như: trồng rau, hoa, mô hình chăn nuôi, mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ tổng hợp, quảng bá thương hiệu sản phẩm...

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp tạo thành hướng đi bền vững cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây là vấn đề cần nhiều giải pháp đồng bộ từ các cấp, các ngành cũng như việc mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, internet vẫn là kênh thông tin quan trọng và giải pháp tối ưu mà nhiều nông dân lựa chọn để tìm hướng phát triển kinh tế cho bản thân mình. Internet, đã giúp cho nhiều nông dân không chỉ xóa nghèo mà còn vươn lân làm giàu.

HOÀNG TÙNG-KIỀU NHƯ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh