THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:05

Cần Thơ: Nỗ lực “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Những năm qua, TP Cần Thơ luôn làm tốt công tác bảo trợ xã hội, coi đó những một trong những giải pháp để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương. Rất nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực đã được chính quyền thành phố, với ngành LĐ-TB&XH đóng vai trò nòng cốt, triển khai một cách đồng bộ.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, trong năm 2018, thành phố đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 40.338 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 173 tỷ đồng, trong đó: 20.047 người cao tuổi; 16.607 người khuyết tật; 342 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 3.342 đối tượng khác; trợ giúp đột xuất cho 11 trường hợp bị thiên tai có nhà bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng, cháy, ngập, tốc máy, số tiền 95,9 triệu đồng.

Vận động các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ người nghèo bằng mọi hình thức

Cơ quan chức năng của đã cấp 37.124 thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 27.865,2 triệu đồng; nuôi dưỡng, chăm sóc tại 02 Trung tâm trực thuộc Sở 663 đối tượng với tổng kinh phí hơn 6.722 tỷ đồng. Trong đó: 500 người khuyết tật; 63 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 100 đối tượng khác.

Đặc biệt trong dịp Tết, chính quyền thành phố đã trợ cấp cho 39.213 đối tượng bảo trợ xã hội (27,328,9 triệu đồng), 176 cụ từ 100 tuổi trở lên (141 triệu đồng); tặng quà cho 900 đối tượng gia đình chính sách tiêu biểu hộ nghèo đặc biệt khó khăn (522 triệu đồng), 8.089 hộ nghèo số tiền 5.662.300 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã trao 42.894 phần quà với tổng trị giá gần 16 tỷ đồng cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em cơ nhỡ tại 9 quận, huyện từ nguồn vận động xã hội hóa do các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tài trợ.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 4/2019, trên địa bàn thành phố còn 8.217 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,54% số hộ dân. Như vậy, với việc thực hiện các chỉ tiêu chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn các quận, huyện, tính đến cuối năm 2018 thành phố đã giảm được 1% tỷ lệ hộ nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo thành phố xuống còn 1,55%.

Để đạt được kết quả này, thành phố đã kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm: Hỗ trợ vốn vay ưu đãi ưu đãi cho 30.900 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác số tiền 695.612 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch năm; Dạy nghề cho 284 người nghèo, cận nghèo (có 176 người dân tộc thiểu số), kinh phí 922 triệu đồng; đạt 100% kế hoạch năm; Nhân rộng 50 mô hình giảm nghèo, có 195 hộ nghèo tham gia với kinh phí thực hiện 1.259 triệu đồng đạt 100% kế hoạch năm; Cấp 28.650 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và người đang sinh sống trên địa bàn đặc biệt khó khăn kinh phí 20.112 triệu đồng, đạt 100% đối tượng cần hỗ trợ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho 41.000 người cận nghèo số tiền 28.782 triệu đồng; đạt 100% so với số người cận nghèo cần hỗ trợ; Xây dựng 1.000 căn nhà Đại đoàn kết hỗ trợ cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, kinh phí 34.096 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, quận, huyện và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; đạt 100% kế hoạch năm; Hỗ trợ lắp đồng hồ nước cho 300 hộ nghèo, kinh phí 315 triệu đồng; đạt 100% kế hoạch năm. Các cơ quan hữu trách cũng đã tiến hành tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% đối tượng có nhu cầu được hỗ trợ theo quy định.

Trẻ em đang sinh sống và học tập tại Trung tâm công tác xã hội Cần Thơ vui đón Xuân Kỷ Hợi 2019

Đặc biệt, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, thành phố đã thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho 20.000 học sinh, sinh viên nghèo số tiền 8.300 triệu đồng; hỗ trợ học phí cho 30 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đang theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề với kinh phí 155,2 triệu đồng.

Riêng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018, tỉnh đã trợ cấp cho 8.088 hộ nghèo, mỗi hộ 700.000đ (có 768 hộ nghèo dân tộc thiểu số) số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, tỉnh đã tổ chức 9 lớp tập huấn công tác giảm nghèo trên địa bàn quận, huyện với 881 cán bộ giảm nghèo cơ sở được tập huấn nâng cao năng lực.Công tác truyền thông về giảm nghèo cũng được thực hiện hiệu quả với việc phối hợp với Báo Cần Thơ và Đài phát thanh - truyền hình Cần Thơ thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức của người nghèo; điển hình các gương vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững; các mô hình nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả đã thực hiện trên địa bàn.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ đánh giá, có được những kết quả trên, ngoài sự chỉ đạo sâu sắc của Thành Ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và các địa phương, cơ sở, những yếu tố quan trọng khác còn phải kể đến, đó là chính sách, dự án giảm nghèo luôn được các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và các địa phương quan tâm, tích cực triển khai thực hiện ngay từ những tháng đầu năm như, đã tác động rất lớn đến thu nhập và mức sống của người nghèo; công tác rà soát phân loại hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội được các địa phương thực hiện tốt; có tham mưu UBND quận, huyện phê duyệt danh sách đối tượng để làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội theo quy định.

Nhiều mô hình giúp người dân giảm nghèo bền vững được sáng tạo và áp dụng hiệu quả

Vấn đề cần khắc phục là một số chính sách, dự án giảm nghèo như hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng nông thôn theo Quyết định số 33/QĐ-TTg; lồng ghép hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thuộc Vùng khó khăn; hỗ trợ tiền điện… triển khai thực hiện còn chậm. Việc nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững một số địa phương chưa quan tâm, nên việc nhân rộng các mô hình chưa mang lại hiệu quả cao.

Về công tác bảo trở xã hội, với việc chính sách không ngừng được hoàn thiện, việc thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của đối tượng, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, diện trợ giúp ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp từng bước được nâng cao.

Bên cạnh đó, chính sách trợ giúp đột xuất được thực hiện kịp thời đã giúp đời sống nhân dân khi bị rủi ro do thiên tai, tai nạn nghiêm trọng và những lý do bất khả kháng khác để nhanh chóng ổn định đời sống, ổn định sản xuất, đảm bảo kịp thời, không bỏ sót.

Có thể thấy một trong những thành công trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội của thành phố Cần Thơ, đó là UBND thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn công tác triển khai, thực hiện kịp thời, quan tâm đến việc thực hiện chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội cơ bản được các địa phương thực hiện tốt. Công tác tuyên truyền được trú trọng, các văn bản chỉ đạo từ cấp trung ương, cấp tỉnh thường xuyên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở xã, phường, thị trấn để nhân dân được biết và cùng giám sát kiểm tra thực hiện.

Trao quà hỗ trợ cho các hộ nghèo

Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2018, TP Cần Thơ đặt ra mục tiêu trong năm 2019 với nhiều chỉ tiêu khá cao. Cụ thể như: Nâng dần tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao mức sống, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo; phấn đấu đến cuối năm 2019 giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo tương ứng 2.376 hộ, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,75% so với hộ dân; giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số, tương ứng 193 hộ; hạ tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống còn 4,15% so với hộ dân tộc thiểu số.

Duy trì ổn định các hoạt động - thực hiện trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng; trợ giúp đột xuất cho các trường hợp bị thiên tai có nhà bị hư hỏng nặng; cấp thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng; hỗ trợ mai táng phí cho các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội; nuôi dưỡng, chăm sóc tại 2 Trung tâm trực thuộc Sở các đối tượng người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác đảm bảo chất lượng.

Với những hoạt động tích cực và mang ý nghĩa thiết thực, các hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội ở TP Cần Thơ đã được thụ hưởng chính sách một cách đầy đủ, giúp họ ổn định cuộc sống và có cơ hội để vươn lên thoát nghèo bền vững.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh