THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:31

Huyện Hà Trung (Thanh Hóa): Tập trung các nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Nỗ lực thực hiện các chính sách giảm nghèo

Năm 2018, qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên địa bàn huyện Hà Trung có 1.458 hộ nghèo (tỷ lệ 4,27%), 2.130 hộ cận nghèo (tỷ lệ 6,23%). Như vậy, trong năm số hộ nghèo giảm 538 hộ nghèo, vượt 19,82% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Theo kết quả thống kê, cuối năm 2018 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trên địa bàn huyện là 750.000 đồng/người/ tháng, tăng 100.000 đồng/người/tháng so với năm 2017.

Chị Hoàng Thị Hạnh, thôn Hà Hợp, xã Hà Sơn được nhận bò nuôi từ số tiền của thùng ủng hộ quỹ cứu trợ nhân đạo

Để công tác giảm nghèo có hiệu quả, huyện Hà Trung đã huy động tổng thể các nguồn lực trong việc thực hiện các chính sách giúp người dân thoát nghèo như thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động theo quy định của nhà nước, trong năm huyện đã hỗ trợ 140 người nghèo đi xuất khẩu lao động với kinh phí hỗ trợ 420 triệu đồng. UBND huyện đã phối hợp với công ty IIG tổ chức tuyên truyền, tư vấn đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, huyện Hà Trung cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo các xã trên địa bàn thực hiện việc thẩm định, tiếp nhận, hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ và chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong năm, trên địa bàn huyện đã có 350 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và giới thiệu 41 công ty đến tuyên truyền, tư vấn đưa người đi lao động ở nước ngoài. Chỉ đạo ngân hàng chính sách thực hiện việc tổ chức cho vay Quỹ giải quyết việc làm đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn kịp thời, đảm bảo quy định, không để trường hợp người lao động đi xuất khẩu lao động không vay được khi có nhu cầu; thực hiện việc thu hồi vốn theo quy định. Hội chữ Thập đỏ huyện đã mua 10 con bò hỗ trợ cho 10 hộ nghèo từ nguồn kinh phí thùng quyên góp tại các di tích. Hội người khuyết tật và trẻ mồ côi đã vận động và hỗ trợ học nghề cho 6 người khuyết tật với tổng kinh phí là 42 triệu đồng.

Thực hiện Quyết định số 1990/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Hà Trung đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với mô hình Chăn nuôi Bò sinh sản tại xã Hà Vinh với tổng số vốn là 699,5 triệu đồng. Trong đó, vốn từ  Ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 288 triệu đồng, vốn từ cá nhân đối tượng thụ hưởng 411,5 triệu đồng. Đến nay, các hộ dân tham gia dự án đã nhận bò và nuôi dưỡng chăm sóc dưới sự hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được huyện đẩy mạnh thực hiện, giúp các hộ gia đình nghèo, lao động nông thôn. Từ nguồn  kinh phí thực hiện dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã mở 4 lớp dạy nghề cho 140 lao động nông thôn với kinh phí hơn 280 triệu đồng; ngành nghề đào tạo: may công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, kỹ thuật xây dựng, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm cho người nghèo tại địa phương, nâng mức thu nhập cho người nghèo giảm bớt khó khăn. Điển hình trong công tác đào tạo nghề là các xã: Hà Yên, Hà Bình, Hà Lĩnh. Trong năm hơn 3.500 người được giải quyết việc làm mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 61% năm 2016 lên 67% năm 2018.

Mô hình trồng dứa tại xã Hà Long

Từ việc đẩy mạnh hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm giúp đỡ các gia đình nghèo từng bước ổn đinh, vươn lên phát triển kinh tế, huyện Hà Trung còn đẩy mạnh việc hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2018, Số lượng học sinh, sinh viên nghèo, cận nghèo, DTTS được hỗ trợ miễn giảm học phí là 2.210 học sinh, với kinh phí miễn giảm là 423 triệu đồng; Số lượng học sinh được trợ cấp xã hội là  2.908, kinh phí thực hiện là 790 triệu đồng. Số người nghèo, người cận nghèo, người DTTS được hỗ trợ mua thẻ BHYT là 6.466 người; Số lượt người nghèo, người cận nghèo, người DTTS được khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở xuống (trạm y tế xã, trung tâm y tế, bệnh viện huyện…) là 30.961 lượt người. Số hộ được hỗ trợ về nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng nước hợp vệ sinh: trong năm huyện tích cực chỉ đạo nghiệm thu các gia đình làm nhà tiêu hợp vệ sinh, trong năm 2018 huyện đã hỗ trợ được 83 hộ với kinh phí 83 triệu đồng. Đã thực hiện cho các hộ nghèo vay làm nhà 08 hộ với kinh phí cho vay là 200 triệu đồng. Hội phụ nữ huyện vận động các hội viên hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương cho 4 hộ nghèo trên địa bàn huyện và 2 hộ nghèo ở huyện Thường Xuân theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy Thanh Hóa với kinh phí 80 triệu đồng. Mặt trận Tổ quốc huyện đã trích từ “Quỹ vì người nghèo” 200 triệu đồng để hỗ trợ sửa chữa, xây nhà cho 10 hộ nghèo. Hội chữ thập đỏ hỗ trợ 26 hộ nghèo, hộ chính sách làm nhà với kinh phí hỗ trợ là 682 triệu đồng.

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đa dạng hóa các hình thức tín dụng, củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo thôn, đoàn thể. Trong năm, có 239 hộ nghèo và 300 hộ cận nghèo được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, với tổng số tiền cho vay là 23.700 triệu đồng. Chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở là 8 hộ, tổng số tiền cho vay là 100 triệu đồng; chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn là 630 hộ, tổng số tiền 24.010 triệu đồng; chương trình tín dụng giải quyết việc làm là 95 hộ, tổng số tiền cho vay là  3.600 triệu đồng; chương trình cho vay tín dụng học sinh sinh viên là 120 hộ, tổng số tiền cho vay 1.250 triệu đồng; chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo là 475 hộ, số tiền cho vay 22.287 triệu đồng... 

Giảm nghèo nhanh và bền vững 

Là một trong những xã nổi bật trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, ông Tống Duy Tân - Chủ tịch UBND xã Hà Tiến cho biết: Hà Tiến là xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên công tác giảm nghèo đã được các cấp chính quyền địa phương tập trung và nỗ lực thực hiện. Việc rà soát các hộ nghèo, cận nghèo được UBND xã triển khai tới tận các thôn, các hộ gia đình. Xã cũng thành lập các đoàn phúc tra để đi thẩm định các hộ nghèo sau rà soát. Hộ nào đủ điều kiện nghèo, mới cho vào hộ nghèo; hộ nào đủ điều kiện thoát nghèo thì phải thoát nghèo. Năm 2017, Hà Tiến có 347 hộ nghèo, chiếm 16,5%, đến năm 2018 toàn xã đã giảm xuống còn 122 hộ, chiếm 7,7%. Để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, chính quyền địa phương cùng toàn thể các tổ chức, đoàn thể và nhân dân được huy động tham gia, ngoài ra xã đã đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân... giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức hội trong việc giúp đỡ các hội viên thoát nghèo, vận động, hỗ trợ giúp thoát nghèo, tránh tình trạng tái nghèo..” – ông Tân nói.

Tuy nhiên, ông Tân cũng không khỏi băn khoăn: “Theo kế hoạch được huyện giao, năm 2019, xã Hà Tiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo xuống còn 6,23%, đây cũng là một con số khó bởi trên thực tế Hà Tiến có tới 54 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ, đây là những đối tượng “nghèo bền vững”. Do vậy, địa phương cũng rất mong muốn đề nghị lên các cấp có thẩm quyền kiến nghị cấp trên nên có những chính sách tách riêng để có chế độ phù hợp đối với những đối tượng này” - ông Tân chia sẻ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Duy Bình, Bí thư Huyện ủy huyện Hà Trung cho biết: “Trong năm 2019, huyện Hà Trung tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện giải pháp phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo… Chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo, chính sách hỗ trợ về y tế, chính sách hỗ trợ về nhà ở, chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường, chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin. Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý, hỗ trợ người nghèo thụ hưởng văn hóa, thông tin, chính sách ưu đãi về tín dụng, vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huy động và thực hiện có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Kế hoạch giảm nghèo bền vững như: Kinh phí từ nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, ngân sách huyện, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, khai thác sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh từ các nguồn lực tự nhiên và nguồn lực kinh tế xã hội của địa phương. Trong quá trình xây dựng, thực hiện các dự án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội cần đánh giá, dự kiến mức độ tác động tiêu cực, tích cực, hiệu quả đối với người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số và đối với các mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn; thực hiện lồng ghép các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững”.

TƯỜNG LÂM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh