THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:40

Cần Thơ: Ngành LĐTB&XH đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội

 

Năm 2016, ngành LĐTB&XH thành phố Cần Thơ cùng với các cấp, các ngành địa phương và cả nước đón chào hai sự kiện quan trọng của đất nước đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2016-2020. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, ngành LĐ-TB&XH thành phố không ngừng nỗ lực phấn đấu, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế và công tác an sinh xã hội thành phố Cần Thơ.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính của ngành, chính vì vậy thành phố Cần Thơ xác định các ngành nghề đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời phải tạo ra nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 

Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ
 trò chuyện với công nhân tại một cơ sở may trên địa bàn.

 

Năm 2016, thành phố đã đào tạo nghề cho 4.375 người, trong đó nữ: 2.567 người. Số nghề đào tạo là 37 nghề, trong đó: số nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp là 21, số nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp là 16 nghề. Báo cáo từ các đơn vị cũng cho biết, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo bình quân 75%, thông qua các hình thức tự tạo việc làm và tìm kiếm việc làm mới tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đây là một kết quả cao so với mặt bằng chung của khu vực.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đề án 1956, hầu hết các mô hình thí điểm của TP.Cần Thơ đều phát huy tác dụng tốt, tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm việc làm và tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các mô hình phi nông nghiệp điển hình như mô hình đan đát (huyện Phong Điền), mô hình nghề xây dựng (huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh) đã cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp xây dựng. Đặc biệt, một số người lao động đã chủ động thành lập tổ, đội tự nhận thầu và trực tiếp xây dựng các công trình quy mô vừa và nhỏ (huyện Cờ Đỏ)...

 

 

Đối với công tác người có công, toàn thành phố hiện có 7.354 đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên. Thành phố đã phối hợp các quận, huyện tổ chức họp mặt, thăm và tặng 19.879 phần quà với tổng giá trị 6.965 triệu đồng cho người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Xây mới 30 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 10 căn nhà tình nghĩa từ nguồn vận động xã hội hóa…

Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH thành phố cũng trợ cấp thường xuyên cho trên 36.000 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng. Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và người thuộc hộ cận nghèo. Khởi công xây dựng 1.009 căn nhà Đại đoàn kết để hỗ trợ cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Qua rà soát sơ bộ, đến cuối năm 2016 toàn thành phố giảm 1,31% tỷ lệ hộ nghèo, đạt 131% kế hoạch năm (hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 3,81%); tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 0,54% so với đầu năm…

Qua việc tổng kết các mô hình giảm nghèo bền vững, thành phố đã hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ sản xuất cho nhiều hộ gia đình nghèo có mô hình thoát nghèo hiệu quả. Hiện thành phố đã và đang nhân rộng các mô hình hiệu quả đến các địa phương khác trên địa bàn thành phố.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2017, trong thời gian tới ngành LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố về công tác đào tạo nghề nghiệp. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, thích ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn.

Hai là: Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, tập trung nguồn lực trước hết vào thực hiện ở những địa phương khó khăn nhất, nghèo nhất để giảm nghèo bền vững.

Ba là: Nâng cao chất lượng công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Phòng ngừa, giảm phát sinh mới tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức. Phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục. Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện ma túy…

Bốn là: Hỗ trợ bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em các khu vực. Nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Năm là: Triển khai các chương trình nhằm tăng cường huy động xã hội hóa tham gia chăm lo cho các gia đình, người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố. Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công với cách mạng. Đảm bảo hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng nơi cư trú.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh