CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:50

Cần Thơ: Nỗ lực bình đẳng giới trong công tác chính trị

 

Theo báo cáo tại “Hội thảo truyền thông về đình đẳng giới trong chính trị” được UBN TP.Cần Thơ và Ban vì tiến bộ phụ nữ thành phố tổ chức mới đây, một trong những thành tựu nổi bật trong công tác bình đẳng giới ở Cần Thơ đó là tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào diện quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đều tăng và vượt so với quy định. Cụ thể,  tỷ lệ nữ được quy hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2020 cấp thành phố đạt 19,51%, cấp quận, huyện đạt 30.95% và cấp xã, phường đạt 30,62%, quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ngành thành phố chiếm 32,61%.

Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt con số khá ấn tượng: Cấp thành phố: Có đồng chí nữ được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, trên tổng số 53, đạt tỷ lệ 15,09% tăng 4,19% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015, cấp quận, huyện: Có 97 đồng chí nữ được bầu vào BCH trên tổng số 517, đạt tỷ lệ 18,76%, tăng 4,48% so với nhiệm 2010 - 2015. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng cấp cơ sở: 844/3.716, chiếm 22,71%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV: 2/7 đạt tỷ lệ 28,57%.

 

 

Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua thành phố đã thực hiện nhiều  giải pháp tập trung như tăng cường và đa dạng các hình thức truyền thông tuyên truyền về công tác Bình đẳng giới; các sở, ngành, đoàn thể chính quyền đã chú trọng thực hiện tốt công tác tham mưu, tạo nguồn đào tạo và quy hoạch cán bộ nữ theo từng lĩnh vực cơ quan, địa phương…

Tuy nhiên, so với chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia Bình đẳng giới đề ra thì tỷ lệ cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo thành phố vẫn còn thấp. Công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ nữ một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số cán bộ nữ còn thiếu tự tin. Từ thực tế này, tại Hội thảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đại diện một số sở ngành thành phố cũng đã chia sẽ kinh nghiệm về việc triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới, cũng như đề xuất kiến nghị cho về công tác đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ, và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Thực tế cho thấy, hiện nay tỷ lệ nữ trong hệ thống chính trị cấp quận, huyện còn hạn chế, cơ cấu cán bộ nữ chưa đồng đều giữa cơ quan, đơn vị, địa phương cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý tuổi đời bình quân còn khá cao. Ngoài ra, một số cán bộ nữ do điều kiện, hoàn cảnh khó khăn còn ngại tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nhất là đối với cán bộ nữ thuộc các huyện xa thành phố nên công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ ở một số địa phương bị thiếu hụt.

 

 

Chia sẻ về những biện pháp khả thi nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, bà Đặng Thị Thúy Lâm, Trưởng phòng Bình đẳng giới sở LĐ TB&XH TP. Cần Thơ, cho biết:  Có thể nói, quá trình tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, để nâng cao tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử, góp phần bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị thì không chỉ các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận cần phải thể hiện vai trò của mình mà yếu tố quan trọng là Hội LHPN, nữ công các cấp và lãnh đạo các ngành, đoàn thể phải đề cao trách nhiệm, bảo đảm công bằng trong giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử, thông suốt quan điểm, định hướng của Đảng, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới và bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử.

Bên cạnh đó, các đơn vị khác như mặt trận, Hội LHPN, các cấp các ngành cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử và về bình đẳng giới trong bầu cử, để mỗi cử tri khi viết phiếu bầu phải nhận thức sâu sắc rằng: quan tâm tới phụ nữ, ủng hộ phụ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc của gia đình và sự phát triển của xã hội.

NGỌC THIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh