THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:42

Cần Thơ: Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng nhanh

 

Mở nhiều ngành đào tạo mới theo nhu cầu

Hiện nay số lượng các ngành nghề được đào tạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ không ngừng tăng lên, đáp ứng nhu cầu lao động đặc thù của từng địa phương. Ngoài các mô hình đào tạo nghề kết hợp với giải quyết việc làm tại chỗ như may gia dụng, đan lát, làm việc tại hộ gia đình, chăn nuôi, trồng trọt; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm theo hình thức hợp đồng 3 bên (cơ sở dạy nghề - doanh nghiệp - địa phương) như: nề, hàn, sửa xe gắn máy… đã giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

Từ những mô hình này, nhiều địa phương đã có kinh nghiệm bước đầu trong việc chủ động hợp tác, lựa chọn doanh nghiệp có năng lực về chuyên môn, có khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo, giải quyết đầu ra sản phẩm của người lao động để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Có thể kể đến nhiều mô hình đào tạo mang lại hiệu quả cao, như: đào tạo cung ứng lao động cho nhà máy may Vinatex Cần Thơ tại huyện Vĩnh Thạnh, công nhân may công nghiệp cho Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai - Chi nhánh Biti’s Cần Thơ tại quận Bình Thủy... Tổng số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng trong năm 2016 là 1023 lao động. Ngoài ra, còn đào tạo nghề giải quyết việc làm theo hình thức gia công sản phẩm, bao tiêu sản phẩm đối với các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp… cho hàng trăm lao động.

 

Nhiều đơn vị tham gia tuyển dụng lao động.


Thực tế cho thấy, các trường đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề tư nhân đã huy động được nguồn lực tài chính từ nhiều nguồn khác nhau để tự đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo của đơn vị mình, mở rộng thêm nhiều ngành nghề đào tạo đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ dạy nghề. Thông qua các lớp dạy nghề, nhiều lao động nông thôn đã có điều kiện tiếp cận với một số ngành nghề mới, thêm cơ hội tìm việc làm.

Thu hút nhiều lao động tham gia học nghề

Để đạt được những kết quả trên, Ban chỉ đạo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP.Cần Thơ đã chỉ đạo việc thực hiện đào tạo nghề theo mô hình các lớp đào tạo nghề kết hợp với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Song song đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai đẩy mạnh thông qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên đề về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên Báo Cần Thơ, Báo Lao động và Xã hội, Đài Phát thanh - Truyền hình TP. Cần Thơ, các đài truyền thanh quận, huyện…

Bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ tham quan mô hình dạy nghề may công nghiệp.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Đề án còn kết hợp với Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện lồng ghép các chương trình tuyên truyền, tư vấn về dạy nghề cho hội viên, đoàn viên trong các hoạt động thường xuyên. Nhờ đó, các chương trình đào tạo nghề thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia, đồng thời thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hợp tác xã tham gia dạy nghề, hỗ trợ và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề.

Năm 2016, TP.Cần Thơ đã đào tạo cho hơn 4.700 lao động nông thôn, đạt 113.33% kế hoạch. Trong đó, đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách 58 người; hộ nghèo 158 người; dân tộc 169 người, hộ cận nghèo 71 người; tàn tật 6 người; bị thu hồi đất 19 người, các đối tượng lao động khác là 4.337 người. Tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo trên toàn thành phố trung bình đạt 75%, có cơ sở đào tạo đạt tỷ lệ có việc làm sau đào tạo gần 100%, tạo cơ hội cho nhiều lao động có việc làm ổn định, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các nhà máy, khu công nghiệp thu hút khá đông lao động.


Trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 20.899 người, đạt 50,97 % so với kế hoạch năm 2017, tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2016.

Bà Trần Thị Xuân Mai - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP.Cần Thơ thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các cơ sở dạy nghề thuộc 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố để đánh giá chất lượng công tác dạy nghề. "Với mục tiêu lao động đào tạo nghề theo chất lượng hơn là số lượng, ngành LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt được, mặt chưa được, khuyết điểm cần khắc phục trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ đó đề ra những biện pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm góp phần nâng cao tỷ lệ giảm nghèo, giảm nghèo bền vững" - bà Mai chia sẻ.

Nhiều lao động chọn hình thức đi xuất khẩu lao động.

Nói về kế hoạch đào tạo, phát triển nghề của thành phố Cần Thơ trong thời gian tới, bà Trần Thị Xuân Mai cho biết, bên cạnh việc xây dựng các mô hình đào tạo nghề mới thành phố tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình đã thực hiện có hiệu quả để giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu lao động của từng địa phương, các lớp đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn nhất định. Kiên quyết không mở các lớp dạy nghề chạy theo chỉ tiêu, thành tích, không ký hợp đồng đối với các cơ sở đào tạo nghề không bảo đảm chất lượng, dẫn đến tình trạng không giải quyết được việc làm cho lao động sau khi học nghề. 

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh