Cần Thơ: 92% lao động nông thôn có việc làm ổn định sau học nghề
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:29 - 08/12/2019
Đào tạo gắn với giải quyết việc làm hiệu quả
Dạy nghề, giải quyết việc làm nâng cao đời sống cho lao động nông thôn là một trong những công việc quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động còn là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần vào hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.
Lũy kế đến năm 2019, toàn thành phố có tổng số 45 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả. Điển hình như mô hình Đan lục bình, Mô hình sản xuất lúa giống, mô hình may giỏ xách, mô hình đan đát, mô hình tổ hợp tác may, mô hình liên kết với công ty sản xuất giày Taekwang tại khu công nghiệp Hưng Phú, mô hình liên kết với công ty TNHH Bình Tiên (Đồng Nai) - chi nhánh Bitis’ Cần Thơ, mô hình thành lập các hợp tác xã hoa kiểng, cây ăn trái, Hợp tác xã Chanh không hạt tại ấp trường Hòa xã Trường Long; Câu lạc bộ làm vườn (trồng vú sữa) ấp trường khương xã Trường Long; mô hình đan sọt trồng hoa kiểng…
Bà Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở Lao động TB&XH thành phố Cần Thơ cho biết:
Trong năm 2019 đã thực hiện tổ chức dạy nghề cho LĐNT được 118/119 lớp đạt tỷ lệ 99,2% với 3.821 người. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 92%, vượt 10% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Công tác đào tạo nghề đã được các ban, ngành, đoàn thể và người lao động quan tâm, nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và vai trò của công tác đào tạo nghề cho LĐNT đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo góp phần phát triển nguồn nhân lực, và chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ xây dựng nông thôn mới và cũng là một trong những giải pháp nâng cao tỷ lệ giảm nghèo, giảm nghèo bền vững của thành phố.
Qua sơ kết, các quận, huyện, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện đảm bảo kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT của thành phố đề ra, luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác dạy nghề, huy động xã hội hóa để thực hiện công tác dạy nghề cho người lao động. Mặt khác đã chủ động hợp tác, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực về chuyên môn, có khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo, giải quyết đầu ra sản phẩm cho người lao động để tham gia đào tạo.
Trước khi tổ chức lớp học nghề các địa phương đã xác định được việc làm sau đào tạo nghề cho LĐNT và dự báo được nơi làm việc, mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề. Bà Mai cho hay.
Năm 2020, tổ chức đào tạo nghề cho 4.500 người
Ông Đào Minh Lợi, Trưởng phòng Lao động TP. Cần Thơ cho biết: Năm 2020, thành phố Cần Thơ tổ chức đào tạo nghề cho 4.500 người. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 85%.
Để việc triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 đạt hiệu quả cần tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu như:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng nhiều hình thức thích hợp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân về chính sách đào tạo nghề, học nghề, vai trò của đào tạo nghề gắn với việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vị trí, vai trò của công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động về học nghề vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của người lao động từ đó chủ động và tích cực tham gia học nghề để giải quyết việc làm. Giới thiệu, tư vấn việc làm miễn phí cho người lao động; ưu tiên xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, khuyến khích LĐNT tự tạo việc làm mới sau khi học nghề.
Tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT và nhu cầu lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ để xây dựng kế hoạch thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT sát với thực tế
Tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng lao động, chú trọng tới công tác tuyển sinh đào tạo. Từng bước chuyển đào tạo từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động, đảm bảo đáp ứng lao động sau khi đào tạo biết vận dụng kiến thức đã được học vận dụng vào sản xuất.
Tập trung thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT ở xã điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc giảm nghèo tại địa phương
Lựa chọn các mô hình dạy nghề có hiệu quả để nhân rộng, đồng thời kết hợp các mô hình khuyến nông lồng ghép vào các lớp dạy nghề tạo điều kiện cho các học viên vừa học vừa làm mô hình thực tế có hiệu quả. Định hướng mô hình, nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đến vấn đề ưu tiên vay vốn, giải quyết việc làm cho LĐNT sau học nghề.
Huy động và phát triển mạng lưới cơ sở tham gia dạy nghề; Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo cũng như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đổi mới chương trình đào tạo và tăng cường gắn kết với doanh nghiệp.