Cần Thơ: Triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019-2020
- Huyệt vị
- 13:43 - 09/11/2019
Theo đó, kế hoạch Thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ được UBND thành phố ban hành vào ngày 31/5/2019, với mục tiêu đến năm 2020.
Chương trình OCOP sẽ tiêu chuẩn hóa 20 sản phẩm, dịch vụ hiện có; phát triển và củng cố 20 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, bao gồm các doanh nghiệp và hợp tác xã; đào tạo 100% cán bộ quản lý nhà nước cấp thành phố và huyện; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh; triển khai phát triển 3 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương.
Đến năm 2030, phát triển thêm 20 sản phẩm, dịch vụ; công nhận, chứng nhận ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia; phát triển 1 làng văn hóa du lịch; 5 làng du lịch kết hợp các sản phẩm của địa phương. Như vậy, đến năm 2030, tổng số sản phẩm OCOP là 40, thuộc 4 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2019-2020 khoảng 400 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 100 tỷ đồng và vốn huy động khoảng 300 tỷ đồng.
Trên cơ sở Kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa thành các chức năng, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình; đồng thời, cần tập trung tuyên truyền thường xuyên, liên tục đến các cấp ủy đảng, chính quyền và địa phương; đảm bảo cho người dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh nắm được tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình; nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và cán bộ tham gia Chương trình, đào tạo chuyên môn về quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh, tập huấn về công tác đánh giá chất lượng sản phẩm cho các cán bộ quản lý các cấp,…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.