CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:22

Luật hóa nghề Công tác xã hội để “lấp đầy” các khoảng trống hiện nay

Sự hiểu biết về nghề CTXH còn hạn chế

Sáng nay 12/10, Hội thảo “Xây dựng đề cương chi tiết Luật thực hành CTXH” khai mạc tại Huế, với sự tham gia của đại diện Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện một số cơ sở đào tạo và tổ chức quốc tế, trường đại học South Carolina (Hoa Kỳ), USAID, UNICEF… cùng đại diện một số Bộ, ngành, Tổ nghiên cứu, xây dựng luật Công tác xã hội, các sở LĐ-TB&XH.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (bên phải) và Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng khi xây dựng Luật thực hành CTXH cần quan tâm đến 6 vấn đề chính: Các định nghĩa cơ bản về nghề CTXH và chức danh trong CTXH; Quy định cơ quan quản lý việc cấp phép; Quy định về xử phạt nhân viên CTXH; Quy định về cơ sở CTXH; Quy định về việc cấp phép hành nghề; Quy định về chứng nhận chuyên môn…

Trên thế giới, CTXH phát triển như một nghề nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Do đã được chuyên nghiệp hóa, nên nghề CTXH cũng như các ngành nghề khác phụ thuộc vào quy định trong các luật khung.

Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức phức tạp do hàng loạt vấn đề xã hội ngày càng gia tăng như: lạm dụng trẻ em, người già neo đơn, nạn nghiện hút, mại dâm, bạo lực gia đình, thất nghiệp, di cư… Trong bối cảnh đó, phát triển một hệ thống CTXH hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội là hết sức cần thiết. 

GS. TS. Sarah Gehlert, Hiệu trưởng trường CTXH, Đại học tổng hợp South Carolina (Hoa Kỳ) đem đến cái nhìn tổng quan về nghề này ở Mỹ và một số nước châu Á

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay các văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm Luật do Quốc hội thông qua để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động CTXH, viên chức CTXH và quản lý nhà nước đối với nghề CTXH… nên khó khăn cho việc lồng ghép, đưa các quy định cụ thể về CTXH vào các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng như tổ chức thực hiện triển khai.

Theo bà Nguyễn Lệ Thanh, chuyên viên của Tổ chức quốc tế UNICEF Việt Nam, sự hiểu biết của các cấp các ngành về nghề CTXH còn rất hạn chế; việc hỗ trợ nhân viên CTXH thực hành trên thực tế còn yếu.

“Khi chưa được luật hóa, họ khó khăn trong việc hỗ trợ người dân. Vị trí việc làm của nhân viên xã hội cũng rất khiêm tốn, hạn chế. Ví như ngành giáo dục, rất hiểu, rất cần, nhưng để bố trí việc làm cho nhân viên CTXH trong nhà trường thì không được, vì chưa có khung pháp lý quy định”, bà Thanh nói.

 

Cần luật khung để bao phủ các vấn đề then chốt của nghề CTXH

Còn GS.TS Sarah Gehlert, Hiệu trưởng trường CTXH, Đại học tổng hợp South Carolina (Hoa Kỳ) đem đến cái nhìn tổng quan về nghề này ở Mỹ và một số nước châu Á. Bà Sarh Gehlert cho biết, ở Trung Quốc, hiện có khoảng 300 nghìn nhân viên CTXH chuyên biệt. Ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 1,45 triệu người có bằng CTXH. Và ở Trung Quốc, xu hướng chuyển ngành CTXH từ các trường nghề sang các trường đại học.

Các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo

 

Còn ở Hàn Quốc, theo bà Sarah Gehlert, có điểm rất thú vị là nhân viên CTXH muốn hành nghề về sức khỏe tâm thần, sẽ phải có chứng chỉ do Nhà nước cấp. Còn nhân viên CTXH Y tế phải được Hiệp hội CTXH Y tế Hàn Quốc cấp. Đây là một tổ chức tư nhân.

“Ở Mỹ, năm nay kỷ niệm 100 năm ngày CTXH. Hiện Mỹ có khoảng 650 nghìn người hành nghề CTXH, và dự kiến sẽ tăng 12%. Mỹ không có luật chung để điều chỉnh nghề này, nhưng phân bổ ở các bang, và ít nhất phải có bằng cử nhân CTXH. Ở Việt Nam, tôi nghĩ các bạn chỉ cần một luật khung về hành nghề mà thôi”, bà Sarah khuyến nghị. 

Bày tỏ sự đồng thuận, TS Nguyễn Ngọc Hường, Trường CTXH, Giám đốc hợp tác tại Việt Nam và ĐNA, Đại học Tổng hợp South Carolina, Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một luật khung cấp quốc gia để bao phủ các vấn đề then chốt của nghề CTXH.

Cùng với đó, bà Hường kiến nghị, do Hiệp hội CTXH Việt Nam sẽ là một tổ chức công nên Việt Nam có thể xem xét đưa vào Luật hoặc vào Quy định đạo đức một số vấn đề có tính đặc thù và là phạm vi giao thoa giữa trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề CTXH. “Các vấn đề này bao gồm bảo mật thông tin; xử lý các quan hệ giữa nhân viên CTXH với thân chủ”, bà Hường nói.

Trước các ý kiến tham vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, hiện nay tại Việt Nam, vẫn chưa có luật về công tác xã hội, do đó còn rất nhiều khoảng trống.

“Nghề CTXH ở các nước đều quy định bằng luật pháp. Phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Thứ nữa, người có bằng cử nhân CTXH ra trường chưa chắc đã được làm một số lĩnh vực: bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần; người cao tuổi... Như một số nước yêu cầu nhân viên CTXH phải có bằng thạc sĩ chuyên ngành về lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe tâm thần phải có chuẩn đào tạo tương ứng… mới được hành nghề”, ông Hồi phân tích.

Vì thế, theo ông Hồi “cần phải “lấp đầy” các khoảng trống đó bằng việc cần thiết xây dựng Luật về nghề CTXH, để riêng về đạo đức nghề nghiệp thôi, yêu cầu người CTXH phải học nữa học mãi. Nếu có chứng chỉ rồi coi thường khách hàng, coi thường thân chủ là không được”.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trao đổi với các chuyên gia

Chiều nay, hội thảo tiếp tục trao đổi, thảo luận về vai trò, tầm quan trọng của công tác xã hội cũng như đề xuất những định hướng xây dựng đề cương chi tiết Luật về công tác xã hội. Sáng 13/10, các đại biểu tham gia hội thảo sẽ đi thực tế đến các trung tâm, các cơ sở trợ giúp xã hội…

 

Dự thảo đề cương chi tiết Luật thực hành Công tác xã hội gồm 7 chương 84 điều.

Luật này quy định về người hành nghề CTXH; quy định về chuẩn thực hành CTXH, đạo đức nghề CTXH; việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề CTXH; việc thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quy trình và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ CTXH; hiệp hội nghề CTXH và hiệp hội đào tạo CTXH; quản lý nhà nước lĩnh vực thực hành CTXH.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia có làm CTXH trong các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các lĩnh vực liên quan khác.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh