Thể chế cạnh tranh ngăn chặn lạm dụng, không làm thị trường méo mó
- Huyệt vị
- 16:48 - 04/06/2015
.
Chiều 1/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo “Thể chế quản lý và thực thi các quy định thúc đẩy cạnh tranh công bằng: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế - nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam do Chính phủ Australia tài trợ.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Warren Mundy (Ủy viên Hội đồng, Ủy ban Năng suất Australia) đã cho rằng: “Cạnh tranh bình đẳng là chìa khóa để đảm bảo phát triển thị trường, kể cả các hình thức xử phạt, phải được áp dụng đầy đủ đối với các doanh nghiêp nhà nước, bao gồm cả các hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương.". Để xây dựng chế tài cạnh tranh bình đẳng và hiệu quả, ông Warren Mundy nhấn mạnh: "Luật cũng cần quy định việc áp dụng các miễn trừ đối với bất kỳ công ty nào hoặc nhóm công ty nào trong một thời gian nhất định nếu việc miễn trừ này phục vụ lợi ích công”.
Thị trường viễn thông cạnh tranh không còn độc quyền, đã giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn dịch vụ, với giá cả hợp lý
Theo đó, ông W. Mundy phân tích, mục tiêu của khuôn khổ cạnh tranh cần hướng đến việc hỗ trợ phúc lợi cho người dân nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường, ngăn chặn việc lạm dụng sức mạnh thị trường của các công ty độc quyền và tập trung vào lợi ích lâu dài của người tiêu dùng.
Đặc biệt, theo ông Warren Mundy, thiết kế chỉ định cho một nền kinh tế đang phát triển cần có các cơ quan: Ủy ban Cạnh tranh, Ủy ban Quản lý kinh tế, Tòa án Cạnh tranh, Ủy ban Rà soát chính sách, Tòa án tối cao. Các cơ quan không những phải tách biệt với nhau mà còn cần tách biệt với các cơ quan hoạch định chính sách và quyền sở hữu doanh nghiệp nhà nước; các cơ quan cần có đội ngũ riêng và ngân sách riêng; ủy viên hội đồng và các thành viên tòa án phải được bổ nhiệm bởi Chính phủ với nhiệm kỳ có thời hạn,…Trong đó, hoạt động của các cơ quan cần xem sự tin cậy và tính độc lập là các yếu tố then chốt.
Còn TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra những đặc điểm còn hạn chế trong công tác tạo điều kiện cho thị trường cạnh tranh bình đẳng tại Việt Nam. “Thị trường phải biến động, còn thi trường ổn định không phải là thị trường. Chính sự can thiệp ổn định thị trường làm thị trường méo mó hơn là thị trường ổn định"- TS Nguyễn Đình Cung nhận định
Phân tích ở góc độ chuyên gia,TS Nguyễn Đình Cung nói:"Chúng ta có khoảng cách khá lớn về tư duy trong hoạch định chính sách cũng như điều hành cạnh tranh với các nước khác. Khác biệt thể hiện trên thực tế là độc quyền doanh nghiệp nhà nước. Vị thế của cơ quan quản lý cạnh tranh rất yếu. Về mặt chính trị, kinh tế, chuyên môn, nguồn lực... cục quản lý cạnh tranh phải thay đổi”.
Bên cạnh đó, theo TS Lê Đăng Doanh, hội nhập thế giới thì kinh tế hộ gia đình khó có thể cạnh tranh được. Yêu cầu cấp bách cần nâng cấp cơ quan quản lý giám sát cạnh tranh, bổ sung luật cạnh tranh chống độc quyền, vì nếu không làm nhanh, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sẽ thống lĩnh thị trường. Lúc này người Việt Nam sẽ mua hàng của nước khác, trả tiền cho người nước ngoài. Hội nhập là tốt nhưng nếu trong nước chưa theo kịp thì giá phải trả rất đắt". Đặc biệt, theo TS Lê Đăng Doanh thì điều quan trọng trong công tác cải cách không chỉ hướng đến mục tiêu do hóa thị trường mà còn cần hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của quản trị công.