THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:45

Cần thêm chính sách ưu đãi cho giáo viên mầm non

 

 Tiết học của cô trò trường mầm non.

 

“Dã tràng xe cát biển đông”

Hơn 15 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, cô Trịnh Kim Trinh, giáo viên trường mầm non xã Hóa An, Biên Hòa (Đồng Nai) tâm sự: “GVMN vất vả vô cùng, nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ thì khó tồn tại. Bản thân tôi, nhà ở gần trường cũng thuận lợi hơn các giáo viên ở xa vì buổi sáng, 6 giờ 15 phút đã phải có mặt ở trường để đón trẻ, sau đó cho trẻ ăn sáng và tham gia các hoạt động trong ngày. Buổi chiều cũng với vòng quay như thế, hết giờ trả trẻ thường đã 5 - 6 giờ chiều. Sau đó, các cô phải ở lại quét dọn, vệ sinh lớp và chuẩn bị cho hoạt động ngày hôm sau, chưa kể những buổi tối ngồi soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ các hoạt động dạy học đến tận khuya”.

"Về đồ dùng đồ chơi tự tạo cho trẻ mầm non, sau những chiến dịch cho trẻ uống sữa học đường, khi trẻ dùng xong, các cô gom lại mang rửa sạch để làm thành những bờ cỏ cho trẻ học bộ môn thể chất, hoặc làm thành con đường, vòng tròn, ngôi nhà… Tuy nhiên, những đồ dùng đó không có độ bền, các cô làm thì lâu nhưng trẻ chơi thì hỏng rất nhanh, thành ra các cô cứ như “dã tràng xe cát biển đông” vậy", cô Trinh chia sẻ thêm.

 

Đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ được giáo viên mầm non làm từ vỏ hộp sữa học đường.

 

Theo cô Trinh, GVMN chịu rất nhiều áp lực, thời gian lại ít nên không nghiên cứu được tài liệu và bồi dưỡng chuyên môn, việc chăm sóc con nhỏ cũng bị hạn chế rất nhiều.Cô giáo Trần Kim Hải, GVMN xã Hương Xạ, Hạ Hòa (Phú Thọ) chia sẻ, công việc của GVMN từ trong nhà ra đến ngoài vườn, nhiều vô kể. Áp lực nhiều với GVMN thì nhiều nhưng lại không nhận được sự thông cảm từ phụ huynh khi chẳng may trẻ đùa nghịch bị xây xát chân tay. “Nhiều khi nghĩ tội lắm, bọn trẻ nơi đây thiệt thòi nhiều quá vì dụng cụ dạy học thiếu nhiều, không phong phú. Các cô phải tự tìm tòi, sáng tạo để mỗi tiết học trẻ dễ tiếp thu và hào hứng học tập”, cô Hải tâm sự.

Theo cô Hải, với thu nhập thấp, giờ làm việc một ngày lại quá dài, GVMN ở vùng nông thôn cực lắm. Ngoài lương ra không có khoản phụ cấp gì thêm, thời gian một ngày ở trường lại quá dài, muốn tìm việc làm để tăng thêm thu nhập cũng khó. Cô Hải cũng như các giáo viên khác mong muốn có thêm chế độ ưu đãi cho GVMN như: Giảm giờ làm vệc, giảm tải bớt việc soạn hồ sơ, sổ sách để GVMN có thời gian dành cho gia đình và học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Cô Nguyễn Hải Yến, GVMN hợp đồng ngắn hạn (3 tháng) tại trường mầm non xã Thạch Đà, Mê Linh (Vĩnh Phúc) cho hay, với mức lương hiện tại đối với giáo viên hợp đồng thì quá vất vả và chịu nhiều thiệt thòi. Đặc biệt, việc soạn giáo án, giáo viên hợp đồng phải soạn bằng tay, không được soạn bằng máy tính; cùng với đó GVMN hợp đồng không được đóng BHXH. Để ổn định và không phải lo lắng, thấp thỏm về công việc đang làm, cô Yến mong được ký hợp đồng dài hạn và đóng BHXH.

 

Giờ ăn trưa của cô và trò trường mầm non.

 

 GVMN như thợ hồ

Hiệu trưởng một trường mầm non ở phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết, GVMN hàng ngày phải gồng mình lên mới làm hết được công việc hàng ngày vì điều kiện thực tế không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi, mà chương trình thì bắt buộc phải thực hiện trong khi cơ sở vật chất không đầy đủ nên càng vất vả và nhiều áp lực. Đặc biệt, giáo cụ trực quan của mầm non rất phức tạp, phong phú, không như cấp học khác, kinh phí cấp về cho các nhà trường còn rất eo hẹp nên không có đủ để giáo viên mua thêm vật liệu làm giáo cụ. Vì vậy, muốn tiết học có sự sáng tạo, hấp dẫn thì các cô phải tự làm hoặc tự bỏ tiền cá nhân ra mua.

Không nhiều người biết rằng, phần lớn thời gian GVMN phải dành cho việc dọn dẹp, ăn uống, giặt khăn, lau chùi… lớp học. Họ là diễn viên với nhiều vai: Vừa là mẹ, vừa là cô, là nghệ sĩ, bác sĩ trong lớp học, vai nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối.

“Nhiều người ví von rằng, công việc của GVMN như một người thợ hồ cũng không sai. Vì trong một ngày, riêng việc kê bàn, xếp ghế, kê sạp cho các cháu ăn và ngủ cũng trên 10 lần. Có chứng kiến bữa ăn của các cháu mới thấy sự vất vả của GVMN khi mấy chục cháu mà chỉ có hai cô xúc cho ăn, cháu này đang ăn thì cháu kia khóc, cháu khác lại đòi đi vệ sinh khiến các cô xoay như chong chóng. Bữa ăn trưa của các cô cũng phải ăn tranh thủ, giờ nghỉ trưa lại càng không vì vừa ăn vừa trông trẻ, vừa làm đồ dùng học tập, vừa cho cháu ngủ, dỗ khóc nhè…”, hiệu trưởng chia sẻ.

Điều bất cập hiện nay với GVMN là nơi thì thiếu rất nhiều nhưng nơi lại thừa, các GVMN mới tốt nghiệp không xin được việc làm, phải đi làm trái ngành nghề. Như ở Hà Tĩnh, GVMN hiện đang rất thiếu, theo qui định 2 cô phụ trách một lớp 40 - 45 cháu nhưng do thiếu giáo viên nên một số lớp vẫn chỉ có 1 cô. Nếu thuê giáo viên hợp đồng thì nhà trường không có lương để trả.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh