Cần quan tâm hơn nữa tới trẻ tự kỷ
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:43 - 05/10/2023
Thông tin được đưa ra tại toạ đàm tham vấn, xin ý kiến Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đặc biệt quốc gia, tính đến năm 2023, cả nước có 14 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 25 trường giáo dục chuyên biệt cấp tỉnh, 23 trường chuyên biệt cấp huyện. Trong đó, chỉ 2,9% trường có thiết kế với trẻ khuyết tật; 9,9% trường có công trình vệ sinh thiết kế phù hợp với người khuyết tật; 1/6 số trường tiểu học và 1/10 số trường trung học cơ sở có giáo viên được đào tạo phù hợp để dạy học hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; 1/7 giáo viên mầm non được đào tạo để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cam kết quốc tế, trong thời gian qua, mạng lưới các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập ngày càng mở rộng. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục người khuyết tật ngoài công lập ngày càng đa dạng, tập trung ở các đô thị, góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Cùng với đó, cơ sở pháp lý đối với hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập dần được hoàn thiện, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các trung tâm và công tác hỗ trợ giáo dục hoà nhập ở các cấp học.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hệ thống các trung tâm vừa thiếu về số lượng, vừa phân bố không đồng đều theo các vùng, miền. Nhiều tỉnh, thành phố còn chưa có các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật nhưng khó thành lập do thiếu chiến lược, quy hoạch hệ thống dẫn đến chưa huy động được nguồn lực của cộng đồng và các tổ chức cá nhân.
Để người khuyết tật có cơ hội tốt hơn trong giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, mục tiêu tổng quát đưa ra là phải phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân đảm bảo về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng của người khuyết tật ở tất cả địa phương trong phạm vi cả nước.
Mục tiêu đưa ra, đến năm 2025, ít nhất 50% số tỉnh, thành trong cả nước có ít nhất một Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập. Đến năm 2030, 100% các tỉnh, thành trong cả nước có tối thiểu 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập.
Các ý kiến tại toạ đàm tán thành với việc phải xây dựng Quy hoạch Hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà. Đồng thời, đóng góp ý kiến vào phạm vi nêu ra trong dự thảo quy hoạch, đối tượng trong quy hoạch, mục tiêu tổng quát của quy hoạch và các giải pháp được nêu ra để quy hoạch thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và phát huy hiệu quả trong thực tế.
Đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, cùng với các giải pháp tổng thể thì phải đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật.
Đại diện Hội Người mù Việt Nam đề nghị nên có giải pháp để chính người khuyết tật có cơ hội làm việc tại các Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Đại diện Hội Người điếc Việt Nam kiến nghị, trong bảng quy hoạch cần quan tâm đến các cấp học để người khuyết tật nói chung và người điếc nói riêng có cơ hội được học lên cao hơn.
Một số ý kiến cho rằng cần quan tâm hơn nữa tới đối tượng trẻ tự kỷ, vì hiện nay gần như không có các trung tâm chăm sóc, hỗ trợ trẻ tự kỷ. Đồng thời, cần có chính sách để những người khuyết tật có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, quy hoạch phải có tính khả thi và thuyết phục mới có thể triển khai trong thực tiễn. Việc lựa chọn minh chứng phải rõ ràng, có tiêu chí để xây dựng cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật.
Việc quy hoạch các Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cần phải được hiểu một cách đúng và đủ nhất. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập phải thật rõ ràng. Trong đó, phải có quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên hỗ trợ tại các trung tâm; đồng thời sớm trình xin ý kiến cơ quan thẩm quyền phê duyệt quy hoạch…