THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:42

Căn nhà chung nhân lên tình yêu thương

Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy Ninh Bình đang quản lý 260 học viên (trong đó có 240 học viên bắt buộc theo Nghị định 221/NĐ-CP; 20 học viên tự nguyện). Những năm qua, Cơ sở đã thực hiện tốt chức năng của mình trong việc tiếp nhận, phân loại, tổ chức chữa bệnh, cai nghiện, phục hồi sức khỏe, chăm sóc, tư vấn cho đối tượng nghiện ma túy theo quy trình quy định; tích cực tuyên truyền thu hút các đối tượng nghiện ma túy trong và ngoài địa phương vào Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; đơn vị cũng là nơi tổ chức điểm "điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone"… tìm lại trang đời mới cho hàng trăm học viên lầm đường, lạc lối trở lại hòa nhập cộng đồng.

Căn nhà chung nhân lên tình yêu thương - Ảnh 1.

Học viên lao động, trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình

Về công tác quản lý học viên tại đây, sau tiếp nhận, phân loại là giai đoạn cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho học viên với quy trình, phác đồ theo quy định.

Thăm khu nhà dạy nghề, lao động trị liệu, vừa đảo tay đan lát thoăn thoắt, học viên Nguyễn Mạnh Tuấn, 28 tuổi nhà ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình vừa cho biết: Em thuộc diện cai nghiện bắt buộc, vào đây mới được 1 năm. Trước khi vào Cơ sở, tương lai của em dường như đã khép lại trong mịt mù tăm tối, đó là hệ quả do những tháng ngày chơi bời, buông thả.

Thế rồi tâm trạng suy sụp ấy của Tuấn thực sự đã cải thiện khi em được hòa mình trong ngôi nhà chung nơi đây và cảm nhận được một luồng sinh khí mới. Những ngày đầu em được các cán bộ y bác sĩ chăm sóc sức khỏe ân cần, rồi có những lần cán bộ y tế phải thức trắng đêm như cha mẹ, hỗ trợ cùng em vượt qua những lúc vật vã, cắt cơn. Qua được giai đoạn thử thách ấy, Tuấn bắt đầu thấy tinh thần, thể chất khá hơn, em muốn lao động, bắt đầu nuôi mầm ước mơ, và trước mắt em giờ là một cuộc sống tươi đẹp đang rộng cửa chờ đợi ở một ngày không xa, ấy là ngày trở về.

Về chế độ học nghề, từ năm 2016 đến nay, Cơ sở đã tổ chức dạy nghề cho gần 300 học viên. Đây sẽ là hành trang quan trọng khi các học viên tái hòa nhập cộng đồng, nghề học được sẽ là kế sinh nhai nuôi bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội.

Có mặt ở Khu nhà đa năng lúc cuối chiều, chúng tôi cũng cảm thấy hứng khởi khi không khí chơi thể thao ở đây cũng sôi động không thua kém các nơi tập luyện chuyên nghiệp. Cán bộ Cơ sở làm trọng tài, hai đội học viên hô hào, cổ vũ những đường bóng chuyền xiên điêu luyện. Mỗi khi có tỷ số, tiếng hò reo lại vang lên trong niềm hân hoan.

Căn nhà chung nhân lên tình yêu thương - Ảnh 2.

"Ăn ngủ, lao động và được thể thao điều độ em cảm thấy sức khỏe của mình được hồi phục nhanh chóng, vào đây được 6 tháng em đã tăng 3kg. Từ những tình cảm đặc biệt mà các cán bộ dành cho anh chị em học viên, em cảm thấy cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp chờ đón mình. Em sẽ cố gắng rèn luyện bản thân, vượt qua sa ngã để sớm hòa mình trở lại cùng cộng đồng, làm một người có ích cho gia đình, xã hội…", học viên Trần Văn Hòa, 25 tuổi, nhà ở xã Phú Long, huyện Nho Quan cho biết. Những lúc như thế này, chúng tôi thực sự hiểu và cảm nhận được sâu sắc ý những dòng khẩu hiện in trên tường - "thể thao đẩy lùi ma túy".

Ngoài kinh phí hỗ trợ cho ăn uống, học viên còn được hỗ trợ tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt. Công tác tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, đạo đức, phục hồi nhân cách nâng cao trình độ học vấn cũng được Cơ sợ chú trọng gắn với việc tổ chức các lớp tư vấn, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, tư vấn pháp luật. Tổ chức dạy xóa mù chữ cho 100% học viên, từ đó công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, HIV/AIDS cũng được đẩy mạnh và đạt hiệu quả.

Anh Phạm Đăng Nhân, nhân viên y tế đã công tác 12 năm tại Cơ sở cho biết: Khu chúng tôi thường tiếp nhận, chăm sóc y tế cho khoảng 20 học viên. Xác định học viên với cán bộ như những người thân trong gia đình, anh em đều tận tụy công việc, nhiệt tình chăm sóc, làm tốt chức năng phụ trách. Có lẽ sự vất vả nhất với anh em là đa số học viên vào cai nghiện đều sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá, thường mất kiểm soát hành vi do bị ảo giác mạnh  (ngáo đá). Cá biệt có trường hợp học viên "ngáo đá" tới 2 tháng trời, khiến anh em như thể đánh vật với công việc khi bệnh nhân liên tục không kiểm soát được hành vi của mình.

"Với những hội viên bị nhiễm H, quá trình điều trị bệnh càng phức tạp hơn, bởi họ thường bất cần, thiếu hợp tác… Tuy nhiên với phương châm dùng tình thương cảm hóa cùng tinh thần cầu thị, lắng nghe, anh em y tế đều thuyết phục thành công và nhận được thái độ hợp tác cần thiết từ các học viên", chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên điều dưỡng tại Khu y tế cho biết.

Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Đạt, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Ninh Bình cho biết: Với mục tiêu đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy để giảm số người điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị tại cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ người tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới, chung tay giúp đỡ người nghiện, anh em Cơ sở luôn nhận thức rõ về vai trò quan trọng của mình trong việc trực tiếp hỗ trợ, giúp học viên cai nghiện thành công và có thể tự tin hòa nhập cộng đồng.

"Chúng tôi luôn xác định Cơ sở là ngôi nhà chung chan đầy tình yêu thương ấm áp tình người, nhân lên tình yêu thương giữa người với người, để cảm hóa phần lầm lỗi trong mỗi học viên đưa họ trở về với gia đình xã hội… cán bộ nhân viên cơ sở và những anh chị em hội viên phải thực sự như anh em một nhà mới có thể lắng nghe, thấu hiểu để đùm bọc, nâng đỡ nhau cùng vượt qua những khoảng thời gian khó khăn của một đời người", ông Đạt cho biết.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh