CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:02

Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác cai nghiện ma túy

Theo chia sẻ của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), hiện nay SCDI đang hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình “tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện ma túy. Mục tiêu nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ phù hợp với người sử dụng ma túy tại cộng đồng, nhằm đạt được hiệu quả điều trị cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện, vi phạm pháp luật do tác động của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy.

Hiện nay, mô hình đang được triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội (tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm), và TP. Hồ Chí Minh (tại quận 4, Bình Thạnh và quận 1). Đối tượng chuyển gửi bao gồm tất cả người sử dụng ma túy mà cà công an phát hiện được trên địa bàn, người đang trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc tại trung tâm, người nghiện ma túy sau cai, sau ra tù.

Đến nay, tại TP. HCM, mô hình đã tiếp nhận và sàng lọc được 13 người, chuyển gửi và hỗ trợ tuân thủ điều trị và hồi phục 66 người sử dụng ma túy. Còn tại Hà Nội, mô hình đã hỗ trợ được 12 người nghiện ma túy chuyển gửi cai nghiện tự nguyện và bệnh viện tâm thần, 8 người được xét nghiệm HIV, 35 lượt người được tư vấn.

Tại Hội thảo báo chí và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phòng chống tệ nạn xã hội và định hướng công tác điều trị, cai nghiện trong tình hình mới diễn ra ngày 31/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, thời gian qua, các vụ buôn bán ma túy với hình thức tinh vi diễn biến phức tạp và với số lượng lớn nhất từ trước tới nay. Giai đoạn 2010-2017, những chất ma túy buôn bán vào Việt Nam chủ yếu là nhóm Opiat (có nguồn gốc từ thuốc phiện). Trước đây nhóm này chiếm 90%, đặc biệt là khu vực phía Bắc thì giờ các nhóm đối tượng đã chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp lên tới 70-75%.

 

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội phát biểu tại hội thảo

Việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây nên biểu hiện rối loạn tâm thần, mất kiểm soát. Ở các tỉnh phía Nam và Tây Nam Bộ, tỷ lệ này lên đến 90-95%. Đáng chú ý, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, một số quy định của Luật phòng, chống ma túy chưa thích ứng với Luật xử lý vi phạm hành chính. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở cai nghiện ở các tỉnh, thành phố phía Tây Nam bộ có nguy cơ quá tải. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí và cơ sở vật chất cho cai nghiện…

Trước tình hình đó, Cục PCTNXH đã chủ động tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án về: các quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quy định về điều kiện, thủ tục cấp phép và quản lý hoạt động cơ sở cai nghiện ma túy tổng hợp; Xây dựng chính sách sửa đổi Luật phòng, chống ma túy, chính sách tín dụng đối với người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy, kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống TNXH tại một số địa phương.

Một điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi người tham gia cai nghiện ma tuý tại quận Nam Từ Liêm (ảnh Thảo Vân)

Theo Cục phòng chống tệ nạn xã hội, hiện cả nước có 105 cơ sở cai nghiện công lập, công suất theo thiết kế cho hơn 54 ngàn người cai nghiện. Tính đến tháng 4/2019, các cơ sở đang điều trị, cai nghiện cho 38.441 người nghiện. Trong đó có 26.494 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án, 3923 học viên cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở công lập, 4.563 người nghiện tại cơ sở xã hội và 3.461 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ngoài công lập.

Ngành LĐ-TB&XH đang điều trị Methandone cho 4200 người. Tuy nhiên, việc điều trị thay thế bằng methadone gắn với trạm y tế cấp xã như là điểm cấp phát thuốc chưa được thực hiện rộng rãi tại các địa phương. Việc kiểm tra đánh giá về tuân thủ điều trị, sử dụng kép với ma túy khác, tình trạng bỏ liều diễn ra phổ biến, công tác hỗ trợ xã hội cần được tăng cường.

Hiện có 28 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; có 6 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho 4.320 người nghiện, quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cho 23.600 người sau cai.

Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập, trong thời gian tới, Cục PCTNXH sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình cai nghiện ma túy tại địa phương như: thí điểm điều trị, cai nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất như Cedemex, Bông Sen, Heantos… Nghiên cứu thí điểm tòa ma túy; thực hiện mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lí và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy; Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; mô hình dự phòng nghiện ma túy cho nhóm nguy cơ cao.

Đối với công tác cai nghiện, phục hồi, Cục sẽ chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện đạt 90% số người nghiện ma túy được thi hành kịp thời biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có quyết định của Tòa án; 40% số người nghiện ma túy tham gia các chương trình cai nghiện ma túy được tư vấn và dạy nghề.

Để đạt được những mục tiêu đó, bên cạnh việc nghiên cứu các chính sách về dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực để thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, triển khai cập cập dữ liệu về phòng chống tệ nạn xã hội vào phần mềm và bàn giao lại cho địa phương để cập nhật…

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh