THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:16

Nâng cao ý thức cho học sinh- sinh viên trong các trường nghề

 

Học sinh, sinh viên Trường Cao Đẳng Cơ Điện Hà Nội trong ngày hội hiến máu.

 

Thái độ, tác phong học sinh, sinh viên còn hạn chế

Hà Nội là địa bàn tập trung nhiều loại hình kinh doanh như các khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, quán bar, lao động nhập cư, Karaoke và một số loại hình giải trí nhạy cảm làm ảnh hưởng không nhỏ đến thanh niên nói chung và HSSV nói riêng. Về giáo dục nghề nghiệp, thành phố hiện có 371 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hơn 40.000 học sinh, sinh viên đang tham gia học tập.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, quán triệt Thông tư số17/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2017 Ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên trong trường trung cấp, trường cao đẳng, hàng năm Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai công tác quản lý HSSV, xây dựng quy chế cụ thể, rõ ràng cho từng đối tượng HSSV ngoại trú, nội trú, nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ và các hành vi HSSV không được làm,... Việc thực hiện của HSSV phần lớn đã đi vào quy tắc, có ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy chế nội quy của nhà trường. Phần lớn các em đều có ý thức trong phong trào học tập và phong trào rèn luyện, tích cực tham gia tình nguyện, hiến máu nhân đạo, tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhiệt tình năng nổ, đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng HSSV nghỉ học bỏ tiết giữa giờ, một số học sinh vẫn chưa thực hiện tốt nội quy của nhà trường, cụ thể như: nghỉ học, trốn tiết đặc biệt là lười học bài cũ, gian lận trong kiểm tra vi phạm ở mức độ nhất định… Nhiều HSSV vi phạm các điều cấm như: hút thuốc, uống rượu, bia, trộm cắp, đánh bạc, đánh nhau, nói tục chửi thề thậm chí còn gây rối và bao lực học đường, vi phạm luật giao thông đường bộ. Cá biệt là thi thoảng có những học sinh vô lễ với giảng viên, giáo viên và người lớn tới mức mất đi giá trị và lòng tự trọng của một HSSV, say rượu bia khi đi học hoặc đi thi và có những lời lẽ và hành động xúc phạm đến nhà giáo coi thi trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Tăng cường chất lượng quản lý HSSV

Quản lý HSSV là hết sức quan trọng bởi các em đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước và đều vừa rời ghế nhà trường phổ thông nhất là những học sinh vào học hệ trung cấp mới tốt nghiệp THCS tuổi còn rất trẻ, nhận thức xã hội chưa đầy đủ và đại đa số ở nhà trọ hoặc ở ký túc xá vì vậy thiếu quản lý, giám sát của gia đình.Với một số tồn tại nêu trên, việc thực hiện quy định quy chế của HSSV ở trong trường, ngoài trường cũng như trong ký túc xá vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm sâu sát hơn.

Trước những thực trạng này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh các giải pháp như: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho HSSV một cách thường xuyên, tăng cường giáo dục học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong học tập và xây dựng nếp sống văn minh; Mỗi thầy cô giáo và cán bộ viên chức người lao động phải gương mẫu đi đầu là tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo, tăng cường xây dựng kỷ cương, nề nếp trong học tập, sinh hoạt của đoàn viên học sinh, sinh viên ngoại trú và nội trú. Các tổ chức Đoàn, Hội cần phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động tập sinh hoạt tập thể ngoại khóa mang nhiều ý nghĩa giáo dục như hội diễn văn nghệ, thi tìm hiểu về các chủ đề phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống tệ nạn xã hội HIV AIDS, các giải thể dục, thể thao...; Phối hợp với các doanh nghiệp quản lý học sinh thực hành thực tập hiệu quả đảm bảo thực hiện nôi quy của doanh nghiệp; Đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính sáng tạo của người học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy hướng tới cuộc cách mạng 4.0,… Thu hút học sinh  sinh viên tích cực học tập và nâng cao ý thức rèn luyện tay nghề cũng chính là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng quản lý công tác HSSV.

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo TS Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên, Tổng Cục GDNN, việc tổ chức sinh hoạt chính trị đầu khóa, đầu năm học và cuối khóa cho học sinh, sinh viên. Định kỳ hằng năm tổ chức đối thoại giữa học sinh, sinh viên và Ban Giám hiệu Nhà trường. Tư vấn cho học sinh, sinh viên xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp với mục tiêu, năng lực, sức khỏe là rất cần thiết. Cần triển khai dịch vụ công tác xã hội trong Nhà trường; tạo điều kiện giúp đỡ học sinh, sinh viên là người khuyết tật, người thuộc diện chính sách, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và học sinh, sinh viên thuộc nhóm đối tượng cần sự hỗ trợ. Giáo dục kỹ năng mềm, kiến thức khởi nghiệp; bồi dưỡng kiến thức về sức khỏe sinh sản và các kiến thức về giới, kỹ năng bổ trợ thiết yếu khác cho HSSV. Thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm cho HSSV.Tổ chức các hoạt động phối hợp giữa Nhà trường và doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng người lao động nhằm tăng cường rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên phù hợp với yêu cầu thực tiễn.Tổ chức thực hiện công tác y tế trường học theo quy định.  Điều quan trộng nhất là chúng ta phải coi “Học sinh, sinh viên là chủ thể trung tâm của quá trình đào tạo” -TS Nguyễn Chí Trường nhấn mạnh.

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh