Cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng và NCC Long Đất: Những người lặng lẽ cống hiến tuổi xuân
- Người có công
- 15:13 - 27/07/2020
Thành lập vào tháng 7/1977, Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng và NCC Long Đất thuộc Bộ LĐ-TB&XHhiệnđang quản lý, chăm sóc sức khỏe cho 56 thương bệnh binh. Đây là nơi chăm sóc thương binh nặng 1/4 tỷ lệ thương tật trên 81%, có vết thương đặc biệt như vết thương cột sống gây liệt hoàn toàn 2 chi dưới, có 16 thương binh có vết thương sọ não gây rối loạn tâm thần, một số thương binh có vết thương cắt cụt chi thể, vết thương bụng, vết thương ngực, vết thương hòa khí gây hỏng hoàn toàn 2 mắt…
Những người hùng thầm lặng của thương, bệnh binh và người có công
Hàng ngày, với tình thương và tấm lòng của mình, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên nơi đây luôn làm tròn trách nhiệm, chăm sóc các thương, bệnh binh như người thân của mình, lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho các thương, bệnh binh. Bác sĩ Trần Trọng Phong (16 năm gắn bó với Trung tâm) chia sẻ, anh đến công tác tại trung tâm cũng nhờ cơ duyên định mệnh. "Những cô, chú ở đây đều là thương bệnh binh nặng (81% trở lên) nên họ bị di chứng của chiến tranh để lại nặng nề. Có cô, chú thường xuyên sống trong thế giới tưởng tượng của mình, luôn nghĩ mình đang trong trận chiến căng thẳng, nhiều lúc các hộ lý đang chăm sóc thì bị các cô, chú dùng chén, phích nước ném vào người vì tưởng đó là đối thủ. Với những người mới vào tiếp xúc cứ nghĩ các cô, chú khó tính nhưng khi mình kiên trì theo dõi để biết được thói quen của mỗi người và có cách tiếp xúc phù hợp thì các cô, chú rất quý mến và dành nhiều tình cảm với mình".
Nụ cười, sự ngây ngô và cả tình yêu thương bao la giữa các thương, bệnh binh và cán bộ, nhân viên là những gì mà chúng tôi cảm nhận được khi đặt chân vào trung tâm vào những ngày tháng 7 nắng cháy. Cứ đều đặn mỗi sáng, đội ngũ nhân viên, cán bộ lại tạm gác những công việc gia đình để đến đây, kề cận lo lắng và chăm sóc cho các thương, bệnh binh ở trung tâm.
Từ sự tận tụy và luôn biết dành cho các cô chú thương, bệnh binh một trái tim nhân ái, sau một thời gian, các cán bộ, nhân viên trực tiếp chăm sóc thương bệnh binh và người có công nói riêng và Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng và NCC Long Đất nói chung đã đẩy lùi cho các cô chú thương bệnh binh một phần những thiệt thòi mà tạo hóa đã "lỡ bỏ quên".
Chăm sóc những người lớn tuổi đã khó, chăm sóc những thương bệnh binh với những khuyếm khuyết về cơ thể lẫn tinh thần càng khó hơn. Thế nhưng, bao nhiêu năm trôi qua, đội nhân viên cùng các cán bộ y tế tại đây vẫn âm thầm lặng lẽ công hiến tuổi xuân của mình cho Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng và NCC Long Đất.
Không chỉ là những người tận tụy hằng ngày chăm sóc sức khỏe của thương, bệnh binh, những người hùng thầm lặng tại trung tâm còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, thấu cảm và là nơi chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của các cô, chú đang lâm vào tình cảnh khó khăn do bệnh tật. Sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành là ngọn lửa gắn kết các cán bộ nhân viên tại trung tâm và các thương bệnh binh, xóa tan mọi khoảng cách, rào cản giữa họ.
Đa số các cán bộ, nhân viên ở đây đều bén duyên với trung tâm ngay từ khi còn khá trẻ, suốt bao nhiêu năm qua, họ vẫn lặng lẽ cống hiến, gắn bó từng ngày với những con người mang trên mình những khiếm khuyết. Thanh xuân của họ chính là những phút giây cống hiến và tiếp thêm sức mạnh cho thương, bệnh binh và những NCC tại trung tâm.
Khó khăn, thử thách vô vàn không khiến những "người hùng" chùn bước
Vượt lên mọi khó khăn ban đầu, tập thể những con người đang đi chung trên chuyến hành trình nhân ái ở đây vẫn quyết tâm bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất giúp các thương, bệnh binh có một môi trường sinh hoạt, an dưỡng tốt nhất.
Hằng ngày, các cán bộ, nhân viên, đặc biệt nhất là đội ngũ nhân viên y tế, điều dưỡng, hộ lý cùng vui, cùng buồn và chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cũng như mọi sinh hoạt cho các thương, bệnh binh. Để tiếp cận và chăm sóc các thương, bệnh binh có những rối loạn về tâm thần là việc làm hết sức khó khăn, bởi các họ đôi lúc vẫn không thể làm chủ được hành vi của mình.
Tâm sự với chúng tôi, anh Đinh Lê Thanh Nghĩa, nhân viên chăm sóc thương, bệnh binh tại đây chia sẻ: "Lúc bình thường thì các cô chú rất vui vẻ, nhưng đôi lúc họ không điều khiển được hành vi của mình, la mắng và thậm chí đánh mình. Lúc đó mình chỉ biết chịu đựng, nghĩ cho cùng họ là những người quá thiệt thòi, gắn bó quá lâu nên tình thương mình dành cho họ đã quá sâu nặng".
Đặc biệt, ngoài công việc chăm sóc thương bệnh binh hằng ngày tại trung tâm, những lúc họ ốm đau, trái gió trở trời phải chuyển lên thành phố chữa trị, chính những nhân viên tại đây là những người phải sát sao cận kề. Mỗi thương bệnh binh đi chữa trị xa đều có một nhân viên đi theo để chăm sóc. Những lúc như vậy, họ phải gác lại những công việc gia đình, gác lại những thứ còn dang dở để đồng hành cùng thương bệnh binh ngày này qua ngày khác. Khó khăn như thế, vất vả như thế, nhưng chính tình thương là động lực để họ cùng nhau bước tiếp.
Với các cô, chú thương bệnh binh ở đây, việc sinh hoạt đôi lúc có những bất tiện do ảnh hưởng của bệnh tật, việc cảm hóa và chăm sóc họ đòi hỏi phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả sự kiên nhẫn. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, các cán bộ, nhân viên trung tâm vẫn luôn bên cạnh, trở thành những đứa con có hiếu giúp các thương, bệnh binh có thể hòa nhập, phần nào xóa đi những kí ức, nỗi đau về thể xác và tinh thần.
Chị Trần Thị Nguyệt - Hộ lý trực tiếp chăm sóc thương, bệnh binh tại trung tâm chia sẻ: "Lúc mới vào làm ở đây, đôi lúc mình cũng nản lắm, chịu không nổi, nhưng dần dần rồi cũng quen, thấy mấy cô chú này quá nhiều thiệt thòi, nên mình cũng cố gắng. Nói thật để làm ở đây thì chỉ có cái tâm, sự bao dung là quan trọng nhất".
Mặc dù đồng lương hằng tháng mà các cán bộ, nhân viên ở trung tâm nhận được không nhiều, nhưng chính tình yêu thương, sự đồng cảm trước nỗi đau của các thương, bệnh binh và người có công chính là động lực to lớn thôi thúc chị Nguyệt và nhiều cán bộ, nhân viên khác cố gắng nhiều hơn nữa để bù đắp cho các các cô chú.
Không dễ dàng để có thể trò chuyện với các cô chú mang trên mình những mặc cảm về thể xác và những rối loạn về tinh thần ngay từ lần đầu gặp mặt, nhưng với sự ân cần, kiên nhẫn của cán bộ, nhân viên đã giúp chúng tôi hòa nhập vào không khí nơi đây, để có thể chia sẻ nhiều hơn và thấu hiểu phần nào nỗi lòng của họ.
Khi chúng tôi hỏi về cảm xúc của họ đối với các cán bộ, nhân viên tại trung tâm, cô nói trong nghẹn ngào: "Với tôi, họ là gia đình, là con cháu. Mọi sinh hoạt của chúng tôi đều có sự lo lắng tận tụy của các cán bộ, nhân viên, các cháu lúc nào cũng hết lòng với chúng tôi. Ở đây chẳng có gì ngoài tình thương, mình ở đây lâu rồi, các cháu lúc nào cũng chăm sóc, trò chuyện với mình hằng ngày, riết rồi chẳng muốn rời xa".
Đồng hành cùng những cô chú thương bệnh binh trên con đường tái tạo sức khỏe và tinh thần, biết là sẽ chật vật, khó khăn và nhiều khi mỏi mệt nhưng những cán bộ, nhân viên Trung tâm điều dưỡng NCC Long Đất vẫn quyết tâm đi đoạn đường dài vì hơn ai hết, họ biết rằng các cô chú nơi đây cần lắm sự sẻ chia.