THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:50

Cải tiến cơ chế, tiếp thu ý kiến đóng góp đổi mới giáo dục

 

Làm tốt hơn công tác lấy ý kiến 

Tại cuộc họp, Bộ GD&ĐT cho biết, các bước thực hiện Đề án đổi mới Chương trình SGK theo Nghị quyết của Quốc hội đang được thực hiện khẩn trương. Mặc dù tới nay kinh phí cho đề án còn chưa được cấp, nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ đã chủ động các hoạt động chuẩn bị. Trên tinh thần chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý và toàn xã hội ngay trong quá trình xây dựng chương trình mới nên Bộ đã sớm đưa dự thảo chương trình tổng thể ra xin ý kiến rộng rãi. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết Trung ương được chuẩn bị và thực hiện theo một lộ trình rất rõ ràng, chặt chẽ. Hiện nay Bộ đã xây dựng, lấy ý kiến và đưa ra báo cáo Hội đồng Giáo dục quốc gia (GDQG) về Cơ cấu hệ thống GDQG, Khung trình độ GDQG và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng quyết định ban hành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Đa số các ý kiến tại cuộc họp đều góp ý với Bộ GD&ĐT cần làm tốt hơn công tác tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, chuyên gia thông qua các cơ chế có tính chính thức, ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo điều kiện thực hiện chứ không chỉ lấy ý kiến rộng rãi trên mạng. Chú ý phản hồi, phân tích các ý kiến không được tiếp thu, tránh để người góp ý hiểu sai rằng Bộ chưa thực sự trân trọng, cầu thị các ý kiến.  Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng. Vì vậy, việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK mới cần phải tuân thủ theo đúng  quy trình trước, sau một cách bài bản, có thứ tự ưu tiên và cần được tuyên truyền giải thích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh thực hiện theo “tư duy nhiệm kỳ”. Các nhà khoa học khuyến nghị, Bộ GD&ĐT cần thể hiện dân chủ, cầu thị hơn nữa trong tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện từ các nhà khoa học, chuyên gia và đề xuất có nhiều dịp được trực tiếp trao đổi, tranh luận để đi tới sự đồng thuận.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước đây mỗi môn học xây dựng chương trình riêng, nên không tận dụng được kiến thức liên môn, thì nay với việc xây dựng chương trình mới cần tận dụng được ưu thế này. Trong quá trình giảng dạy tổ hợp, từng môn vẫn do từng giáo viên giảng dạy, còn phần chuyên đề chung, sẽ sử dụng kiến thức liên môn, được phân công cụ thể cho mỗi giáo viên.

Sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu được sử dụng từ năm học 2018-2019.


Thống nhất giải pháp đúng đắn, có lợi nhất

Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến giải trình của Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các nhà khoa học, chuyên gia đã luôn tâm huyết, trí tuệ tham gia đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. “Yêu cầu phải có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo... tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT”-Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý, cần cải tiến cách lấy ý kiến, chú ý huy động các hội khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu, góp ý, phản biện thông qua các cơ chế có tính gắn kết trách nhiệm với đảm bảo điều kiện thực hiện. Đặc biệt cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất giải pháp đúng đắn, có lợi nhất. Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” các liên hiệp hội góp ý, tham gia vào dự thảo Cơ cấu Hệ thống GDQG và Khung trình độ quốc gia mà Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Với Đề án đổi mới chương trình, SGK, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT bàn thống nhất với Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nội dung và các điều kiện đảm bảo cần thiết để Liên hiệp hội, các Hội Khoa học tham gia ngay từ quá trình xây dựng chương trình tổng thể bên cạnh việc huy động, mời các nhà khoa học tham gia với tư cách chuyên gia như Bộ đã dự kiến.

CÙ HOÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh