CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:09

Cải tiến chữ Quốc ngữ: Hàng chục triệu người phải học lại từ đầu

 

 GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 

Dư luận đang xôn xao về đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội về bài viết “Chữ Quốc ngữ và hội nhập quốc tế”, trong đó đề xuất giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31.

Cụ thể, tác giả này đề xuất sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt và thêm một số chữ cái tiếng Latin cho dễ sử dụng như: F, J, W, Z. Cùng với đó, sẽ tiến hành thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên. Ví như: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R.

PV Báo Dân sinh đã có cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam về vấn đề này.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay, thực ra, chữ Quốc ngữ mới được xây dựng gần 400 năm nay và khá hợp lý so với nhiều thứ chữ khác như chữ Anh hay chữ Pháp. Vì vậy, những đề xuất về cải tiến chữ Quốc ngữ là không cần thiết, nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.

Đặc biệt, nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì các học giả sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả, phải đi học lại từ đầu; tất cả các tài liệu khoa học sẽ thành văn bản cổ, chỉ các nhà nghiên cứu về chữ cổ mới có thể đọc được”.

 

Một ví dụ về văn bản dùng chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS.TS. Bùi Hiền.

 

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, việc chữ viết sau một vài trăm năm thực hiện có độ vênh với ngữ âm là chuyện bình thường, vì ngữ âm như cơ thể luôn phát triển, còn chữ viết như cái áo không thể phát triển theo cơ thể, do đó sẽ trở nên chật chội, bất hợp lý ở chỗ này chỗ kia.

Chữ nào cũng sẽ có những điểm vô lý, cho nên muốn xây dựng một thứ chữ hoàn hảo thì rất khó. Bởi lẽ, trước sau gì, cùng với thời gian nó cũng sẽ trở nên bất hợp lý.

Nếu nói về những điểm bất hợp lý thì chữ Anh còn nhiều nhược điểm hơn chữ Quốc ngữ của ta. Thế nhưng người Anh vẫn không sửa. Chúng ta thử hình dung, nếu người Anh hay người Mỹ loay hoay sửa chữ Anh cho hợp lý hơn thì chắc chắn là hàng tỷ người sẽ phải đi học lại.

Trong đề xuất của mình, PGS.TS Bùi Hiền lý giải: “Nếu cho học sinh chưa biết chữ, chúng ta thử chia 2 lớp học. Một lớp cho học chữ hiện hành, còn một lớp học chữ theo đề xuất của tôi thì tôi tin lớp học chữ hiện hành sẽ học chậm hơn. Tôi đã làm phép tính, nếu viết chữ theo đề xuất của tôi sẽ có thể tiết kiệm thời gian, sức lực cũng như vật tư khoảng 8%. Cũng theo phép tính đó, nếu một đơn vị phát hành sách 1 năm tiêu tốn hết 100 tấn giấy thì với cách viết chữ cải tiến này, một năm có thể tiết kiệm được 8 tấn giấy, thời gian và công sức đánh máy cũng theo đó mà giảm được 8%".

Về nội dung này, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không biết PGS.TS Bùi Hiền đã thực nghiệm dạy đối chứng 2 thứ chữ ở đâu để rút ra những kết luận này. Nhưng ở đây cả người dạy học, người viết sách, người đánh máy, người biên tập, người đọc sách đều sẽ phải loay hoay, mất thời gian hơn với thứ chữ cải tiến này.

"Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nếu được chấp nhận sẽ làm cho hàng chục triệu người lao động phải học lại từ đầu, hàng chục triệu tài liệu phải in lại, như vậy thì sẽ tốn giấy mực và thời gian hơn nhiều", GS. Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.

HÒA CÙ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh