THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:32

Cải thiện môi trường làm việc cho lao động trẻ

Theo nội dung ký kết, mục tiêu của dự án toàn cầu là cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động, đặc biệt cho lao động trẻ từ độ tuổi lao động tối thiểu đến 24, đồng thời xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Dự án thực hiện trong những ngành có nguy cơ cao như xây dựng, nông nghiệp, chế tạo.

Tại Việt Nam, dự án được thực hiện tại 4 địa phương (Đà Nẵng, Phú Thọ, Bình Thuận, Hưng Yên), tập trung vào khu vực phi kết cấu với các ngành nông nghiệp, xây dựng, làng nghề. Mục tiêu tổng thể là cải thiện ATVSLĐ cho người lao động, đặc biệt cho lao động trẻ và xây dựng văn hóa phòng ngừa ở Việt Nam.

 Mục tiêu cụ thể của dự án tại Việt Nam là: Cải thiện công tác thu thập và sử dụng số tài liệu về ATVSLĐ, đặc biệt là số liệu về lao động trẻ; cải thiện các quy định và chương trình về ATVSLĐ để giải quyết những vấn đề về an toàn và sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ; nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác xã hội để thúc đẩy, thi hành tuân thủ luật và các quy định về ATVSLĐ, đặc biệt liên quan tới lao động trẻ; nâng cao hiểu biết, nhận thức cho lao động trẻ ở Việt Nam về các mối nguy hại và rủi ro đặc thù tại nơi làm việc.

Lao động trẻ và lao động khu vực phi chính thức sẽ được hưởng lợi từ dự án.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), hầu hết các cơ sở sản xuất phi chính thức không bố trí cán bộ hay bộ phận phụ trách về môi trường lao động và ATLĐ. Các cơ sở không có sổ theo dõi, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và không thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo điều tra khi xảy ra tai nạn lao động. Đặc biệt, có tình trạng che giấu tai nạn lao động, kể cả khi xảy ra tai nạn lao động chết người. Trong khi đó, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng cho lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hầu hết lao động phi chính thức không tiếp cận được. Kết quả điều tra 1.665 cơ sở sản xuất cá thể năm 2015 của Viện Khoa học lao động và xã hội, cho thấy, chỉ có 5,47% cơ sở phi chính thức quy định bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Nói về lý do dự án tập trung áp dụng cho lao động trẻ và lao động khu vực phi chính thức, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Luật ATVSLĐ mới được thông qua (có hiệu lực vào 1/7/2016) với các chính sách về ATVSLĐ không chỉ bó hẹp trong khu vực chính thức, mà đã mở rộng trong tất cả lao động khu vực phi chính thức. Trước đây, thường những lao động phi chính thức không được bảo vệ bởi các chính sách ATVSLĐ, lần này cùng với việc thông qua Luật ATVSLĐ thì lao động ở mọi khu vực đều được bảo vệ. Vì vậy, khu vực phi chính thức sẽ được quan tâm, đặc biệt là được quan tâm nhiều hơn ở dự án này”.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm: “Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động, những lao động trẻ này mới tham gia thị trường lao động nên chưa hiểu nhiều về quyền của người lao động tại nơi làm việc còn hạn chế, các kỹ năng về phòng tránh các rủi ro về ATVSLĐ bảo vệ sức khỏe của mình cũng hạn chế. Mong ước của chúng ta là xây dựng một thế hệ lao động có sức khỏe, được an toàn. Tuy nhiên, không có nghĩa lao động các nhóm khác không được quan tâm, vì mục tiêu của dự án là đảm bảo ATVSLĐ cho tất cả người lao động”...

V.LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh