CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:46

Hỗ trợ người nghiện ma túy chữa bệnh một cách tốt nhất

 

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà tại Hội thảo Nghiên cứu trao đổi về mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy trước khi bị tòa án xem xét, quyết định biện pháp cai nghiện bắt buộc, do Cục Phòng chống TNXH (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng SCDI tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội. Mô hình dự kiến sẽ thực hiện thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có 222.852 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 14.000 người so với năm 2016 tăng hơn. Xu hướng nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, hiện đang cai nghiện cho 114.380 người… Ma túy gây ra nhiều tác động rất xấu đến tình hình an ninh trật tự, KT-XH.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, các mô hình cai nghiện có hiệu quả trên thế giới luôn được nghiên cứu, áp dụng vào Việt Nam với mục đích hỗ trợ cho người nghiện điều trị, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng

 

Để giải quyết vấn đề này, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống ma túy, trong đó công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ma túy không ngừng được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Các mô hình cai nghiện có hiệu quả trên thế giới luôn được nghiên cứu, áp dụng vào Việt Nam với mục đích hỗ trợ cho người nghiện ma túy điều trị, cai nghiện một cách tốt nhất và giúp họ ổn định cuộc sống, hội nhập cộng đồng.
Ngày 7/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 trong đó có giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, xã hội theo mô hình “tiền xét xử”. Mô hình này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên tại Việt Nam đây là mô hình mới. Những năm gần đây, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp với Vụ Khoa giáo Văn xã (Văn phòng Chính phủ), SCDI và Cục Quản lý lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ SAMSHA nghiên cứu về mô hình, và xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng tại Việt Nam, nhằm hướng tới cung cấp các dịch vụ thuận lợi nhất, tốt nhất cho những người không may nghiện ma túy được tư vấn, điều trị, cai nghiện, bảo đảm quyền công dân, quyền con người.
Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng Mô hình tại Việt Nam là tăng cường phối hợp giữa cơ quan tư pháp y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ, tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ y tế xã hội và pháp lý phù hợp tại cộng đồng đối với người sử dụng ma túy, nhằm đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm do tác động của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy, và áp dụng đối với tất cả người sử dụng ma túy, đối tượng trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, cũng như người sau cai… và sẽ thí điểm triển khai tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.

 

Mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy sẽ giúp cho người nghiện trong quá trình cai nghiện, ổn định cuộc sống

 

Mô hình tăng cường hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người sử dụng ma túy được xây dựng trong bối cảnh tỷ lệ người sử dụng ma túy có nguy cơ lây nhiễm HIV, bệnh viêm gan C, Lao, có các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao. Theo khuyến cáo của Liên hợp quốc, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp và các dịch vụ y tế, xã hội sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị rối loạn sử dụng chất. 
Hiện nay trên thế giới, có nhiều mô hình về việc phối hợp liên ngành hỗ trợ người sử dụng ma túy ở cộng đồng, ngoài cơ sở khép kín. Mô hình chuyển gửi bởi cảnh sát đã được thực hiện ở nhiều nơi trong đó có nhiều thành phố ở Mỹ. Theo đánh giá, năm 2017, tỷ lệ người sử dụng ma túy tham gia chương trình bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật thấp hơn 60% so với những người không tham gia chương trình. Tỷ lệ có việc làm thu nhập cao hơn 33%; cải thiện hình ảnh của cảnh sát đối với cộng đồng, gần gũi, thân thiện, nhân văn hơn.
TP.HCM là thành phố đặc thù đối với tình hình người nghiện ma túy rất phức tạp, ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, số người nghiện tại TP.HCM nhiều nhất nước, với hơn 22.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Do đó vấn đề đặt ra của thành phố trong năm qua là nỗ lực tập trung quyết liệt để giảm thiểu số người nghiện. Hiện nay về mặt quan điểm nhận thức hầu như chúng ta vẫn còn nghiêng về quan điểm đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các giải pháp khác nhằm giúp người nghiện được tiếp cận các dịch vụ khác hầu như là làm chưa được tốt, trong khi các dịch vụ hỗ trợ người nghiện tại cộng đồng thiếu rất nhiều. 
Việc thí điểm mô hình mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy nếu được triển khai đồng bộ chắc chắn sẽ hiệu quả. Về mặt quan điểm, ông Du rất đồng tình về việc triển khai mô hình này. Việc kết nối các dịch vụ ở địa bàn dân cư sẽ mang thuận lợi hơn do cán bộ đã được đào tạo, chuẩn hóa, sẽ giúp chúng ta giảm bớt được tài chính, nhân lực.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh