Bộ Y tế thông tin chính thức về việc điều trị Methadone
- Sức khỏe
- 21:06 - 23/10/2017
Chương trình Methadone ở Việt Nam được đánh giá là hiệu quả.
Trước thông tin cho rằng, không nên mở rộng điều trị Methadone tại Việt Nam, vì hiện nay chủ yếu là nghiện ma túy tổng hợp, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định thông tin này không chính xác khi xét trên góc độ tổng thể quốc gia.
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đưa ra 3 quan điểm để chứng minh thông tin trên không chính xác.
Thứ nhất: Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến hết năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện ma túy, trong đó, nghiện ma túy tổng hợp là 20.778 người, chỉ chiếm 9,8%. Trong khi đó số người nghiện các chất dạng thuốc phiện là 159.844 người, chiếm tới 75,8% (nghiện heroin là 154.102 người, thuốc phiện là 5.742, cần sa là 3.418 người, cocaine là 238 người, sử dụng nhiều loại ma tuý là 4.219 người).
“Tất nhiên, không loại trừ tình huống ở một nơi nào đó, trong một nhóm, ở một thời điểm thì số người nghiện ma túy tổng hợp là chủ yếu. Do vậy, các phát ngôn về tình hình nghiện ma túy tổng hợp rất cần bổ sung thông tin cụ thể về địa bàn, số lượng nhóm đối tượng và nguồn truy xuất số liệu để tránh hiểu nhầm”, TS. Hoàng Đình Cảnh chia sẻ.
Thứ hai, vì nhiều lý do nên người nghiện ma túy thường lẩn trốn, che giấu, phần lớn không tự khai báo tình trạng nghiện cho đến khi họ bị bắt quả tang là có sử dụng ma túy. Do vậy, con số thực tế người nghiện ma túy còn lớn hơn nhiều và trong đó số nghiện heroin, thuốc phiện cũng lớn hơn so với số liệu được báo cáo.
Các nghiên cứu và khảo sát cho thấy có hiện tượng người nghiện thay đổi loại ma túy họ sử dụng trong từng giai đoạn. Người nghiện có thể chuyển từ nhóm ma túy tổng hợp sang dùng heroin, thuốc phiện và ngược lại, hoặc song song dùng nhiều loại ma túy; cũng có một số người chỉ dùng một loại ma túy. Như vậy, con số báo cáo người nghiện các chất dạng thuốc phiện chiếm tới 75,8% có thể thay đổi. Nhưng, cho dù có sự thay đổi thì số người nghiện heroin, chất thuốc phiện vẫn chiếm con số rất lớn.
Trước thực trạng này, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khảo sát, điều tra bài bản, khoa học, định kỳ để có con số chính xác về số người nghiện và nghiện loại ma túy nào để có phương án điều trị đúng; tránh những nhận định chủ quan, phiến diện, không phản ánh đúng thực trạng nghiện tại địa phương.
Thứ ba, trên bình diện quốc gia, nước ta đang rất cần mở rộng điều trị thay thế bằng Methadone, bởi vì tính đến tháng 6/2017 cả nước mới chỉ điều trị thay thế bằng Methdone cho gần 52.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Như vậy, còn hơn 100.000 người chưa được điều trị, tức là nhu cầu còn rất lớn. Do vậy, các tỉnh, thành phố phải rà soát số người nghiện các chất dạng thuốc phiện thực tế tại địa phương để thiết lập các cơ sở để điều trị Methadone cho phù hợp.
5 thay đổi tích cực khi tham gia chương trình Methadone
Trên thế giới, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được triển khai đầu tiên tại Canada từ năm 1959 và đến nay đã được mở rộng ra gần 80 quốc gia. Trong đó có một số nước triển khai chương trình điều trị bằng Methadone rất hiệu quả như Mỹ, Australia, Trung Quốc...
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm 2008, đến nay cũng đã chứng minh được tính hiệu quả tương đương với hiệu quả của chương trình tại nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể: Làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,87%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.
Bệnh nhân giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV. Nếu trước điều trị có tới trên 86,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, thì sau 6 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng. Phân tích tình trạng sử dụng chung bơm kim tiêm cho thấy tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm rõ rệt chỉ còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy đang tham gia điều trị trên 24 tháng so với 21% trước điều trị.
Những thay đổi tích cực này đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ nhóm những người tiêm chích ma túy sang bạn tình của họ và cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị như viêm gan B, C, giang mai. Sau 24 tháng tham gia điều trị, chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số 1.000 bệnh nhân.
Bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống). Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao.
Chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán và cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng từ 90,3% trước điều trị xuống 2,27% sau 24 tháng điều trị.
Chương trình Methadone đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4% đã tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị.
Nếu không tham gia điều trị nghiện bằng Methadone, trung bình một người bệnh tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (tức khoảng 84 triệu đồng/năm), trong khi đó, chi phí điều trị trung bình bằng Methadone cho 1 bệnh nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/năm. Hiện nay đang điều trị cho 52.231 bệnh nhân thì đã tiết kiệm được khoảng 4.387 tỷ đồng/năm.