CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:56

Cái kết nhân văn trong phiên xử người cựu binh đạp xích lô

Những người cựu binh, đồng đội của ông Thạch động viên ông trong giờ chờ tòa nghị án - Ảnh: Thân Hoàng

Chiều 27-3, TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh Ngọc Thạch (tên thường gọi là Bình “còng”, quê tại Hà Nam) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông.

Ông Thạch là người điều khiển chiếc xích lô chở tôn làm cháu bé Trần Minh H., 9 tuổi, đi xe đạp tông vào và bị tôn cứa cổ dẫn đến tử vong ngày 23-9-2016.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt ông Thạch 6 tháng cải tạo không giam giữ và giao địa phương quản lý.

Sự bao dung 
của gia đình bị hại

Mặc dù 2h chiều phiên tòa mới diễn ra nhưng vợ chồng ông Thạch đã đón xe ở quê lên Hà Nội từ sáng sớm và ngồi chờ cả buổi trưa tại tòa. Cả hai vợ chồng đều bồn chồn, lo lắng.

Từ đầu giờ chiều, rất đông những người lính là đồng đội của ông Thạch tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Vị Xuyên, Hà Giang năm xưa đã đến dự tòa để trông ngóng một kết quả tốt đẹp khép lại vụ việc đau lòng không ai mong muốn.

Người ở Hòa Bình, người ở Hải Dương, có người cựu binh ở tận huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) bị cụt một tay, mù một mắt nhưng vẫn lặn lội đón xe khách lên Hà Nội dự phiên tòa.

Trước đó, nhiều cựu binh là đồng đội của ông đã đóng góp để gia đình ông có tiền bồi thường cho người nhà nạn nhân 130 triệu đồng.

Vợ ông Thạch cho biết sau khi được cơ quan công an cho tại ngoại lúc sự việc xảy ra, ông Thạch đã sang nhà xin lỗi và bồi thường cho bố mẹ cháu H.. Nửa năm trôi qua kể từ ngày gây tai nạn, bà nói ông Thạch chưa một ngày nào thôi đau đáu hối hận và ám ảnh.

Hồi đó vợ chồng người cựu binh thuê trọ cách nhà cháu H. năm nhà. Hằng ngày ông vẫn nhìn thấy cháu bé chơi đùa trong con ngõ chung. Ông nói tai nạn ập đến làm ông cũng đau lòng như mất đi một người thân và còn day dứt hơn vì chính ông là chủ của chiếc xích lô chở tôn đỗ bên đường.

Phiên tòa diễn ra, cha mẹ cháu H. ủy quyền cho luật sư đại diện tham dự. Gia đình bị hại có đơn gửi đến tòa trình bày quan điểm và nguyện vọng của mình. Tại tòa, chủ tọa công bố đơn của gia đình bị hại.

Theo nội dung đơn, cha mẹ cháu H. cho biết không yêu cầu ông Thạch phải bồi thường thiệt hại gì thêm. Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình ông Thạch đã đến xin lỗi, hai bên đã có những thỏa thuận chi phí lo hậu sự cho cháu H..

Cha mẹ cháu H. đề nghị cơ quan tố tụng giảm nhẹ hình phạt cho ông Thạch.

“Vụ tai nạn xảy ra, cháu H. mất đi khi còn quá nhỏ là nỗi đau, là mất mát rất lớn đối với người thân.

Thế nhưng vì đây là tai nạn ngoài mong muốn, người gây tai nạn không cố ý làm hại cháu bé nên bố mẹ cháu nén nỗi đau, xin giảm nhẹ hình phạt cho ông thì họ là những người có lòng bao dung rất lớn, đằng sau vụ việc là cả câu chuyện về tình người” - một thẩm phán tham gia xét xử phiên tòa nhận định.

Ông Thạch tại phiên toà - Ảnh: Thân Hoàng

Chuyện đau lòng 
không ai muốn

Theo các đồng đội của ông Thạch, do những năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên, điều kiện sống và chiến đấu khắc nghiệt và ác liệt, ông Thạch sau này mắc di chứng nên lưng bị còng, đồng đội thường gọi ông là Bình “còng”.

Ông còn bị một mảnh pháo cối găm vào bắp chân, đầu bị chấn động do sức ép của bom mìn. Ông Thạch không thể đứng lâu vì đau lưng và tê chân nên tòa cho phép ông được ngồi trả lời thẩm vấn.

Tại tòa, ông Thạch cho biết do không có nghề nghiệp gì ổn định, nhiều năm nay ông cùng với vợ lên Hà Nội mưu sinh. Ông Thạch làm bốc vác tại khu vực quanh quận Hoàng Mai. Ngoài ra ông có một chiếc xích lô để chở hàng thuê.

Ngày 23-9-2016, ông Thạch được thuê chở tôn từ phố Trương Định sang phố Tân Mai. Tiền công trả cho chuyến hàng này là 20.000 đồng. Khi chở tôn đến nhà số 60 phố Tân Mai, ông Thạch dừng xe cách vỉa hè khoảng 70cm để gọi điện cho chủ hàng ra nhận.

Khai tại tòa, ông Thạch cho biết tấm tôn đã được bịt chăn bông một đầu phía trước, phía sau ông đẩy nên không bịt, không che chắn gì.

Trong lúc chờ chủ hàng, ông Thạch nhìn thấy ba cháu bé đi xe đạp trên đường.

“Các cháu đi nhanh, vừa đi vừa đùa nhau. Một cháu đi trước ngoái lại phía sau đùa với bạn. Mấy phút sau tôi nghe thấy người dân hô cháu bé đâm vào tôn, lúc đấy tôi không biết, không kịp phản ứng gì” - ông Thạch khai tại tòa.

Tại tòa, chủ tọa đặt ra nhiều câu hỏi về quy định pháp luật đảm bảo an toàn giao thông, rất nhiều quy định người cựu binh này không nắm được. Tuy nhiên, ông Thạch cũng cho biết cảm thấy rất “ăn năn, hối hận” vì để xảy ra vụ việc.

Sau khi cân nhắc tính chất nguy hiểm của hành vi, xét thấy bị cáo không có hành vi cố ý làm chết người, là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, đã có thái độ ăn năn hối cải... HĐXX cho rằng không cần thiết phạt hình phạt tù nên phạt ông Thạch 6 tháng cải tạo không giam giữ.

Phiên tòa kết thúc, những đồng đội của ông Thạch ôm nhau. Mặc dù ngồi chăm chú từ đầu đến cuối nhưng người thương binh Trịnh Văn Chiện (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vẫn không hiểu rõ mức phạt dành cho đồng đội của mình là nặng hay nhẹ.

Sau khi hỏi lại mới biết “cải tạo không giam giữ” nghĩa là “không phải ngồi tù”, ông Chiện bật khóc, lao lên dùng cánh tay đã bị cụt một nửa ôm chặt cổ ông Thạch.

Góp tiền đưa ông Thạch về quê 
sinh sống

Ông Nguyễn Đình Thắng, đồng đội chiến đấu cùng sư đoàn 356 với ông Thạch, cho biết thêm ngoài số tiền đã đền bù cho gia đình cháu H., những người cựu binh tại chiến trường Vị Xuyên đã đóng góp ủng hộ để vợ chồng ông Thạch về hẳn quê sinh sống.

“Không phải chúng tôi ủng hộ cho người gây tai nạn mà là ủng hộ cho một người lính có công việc mưu sinh khác để không còn phải bám víu nơi thành phố.

Chúng tôi động viên ông Thạch về quê đào ao thả cá, trồng rau, nuôi gà và chữa bệnh. Tai nạn là không ai mong muốn, mọi việc như thế là được khép lại với cái kết nhân văn rồi” - ông Thắng nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh