THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:06

Cách mạng năng suất - yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế

Sự cần thiết của cách mạng năng suất.

Ngày nay, các doanh nghiệp nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, vì thế tất yếu phải tạo ra được một cuộc cách mạng năng suất trong nội bộ. Các hoạt động sản xuất kinh doanh phải được hoạch định sao cho tối đa hóa lợi nhuận. Muốn vậy, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, tạo ra nhiều sản phẩm chính xác và chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Nếu như vào những năm 80 của thế kỷ trước, 80% chi phí của một nhà máy là phần cứng (nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, xe cộ,…) và 20% là chi phí là phần mềm (R&D, sáng chế, chuyển giao công nghệ,…) thì tỷ lệ chi phí này đảo ngược lại chỉ sau đó 10 năm. Điều đó cho thấy rằng vai trò của tri thức đã tăng lên nhanh chóng từ thực tiễn của quá trình sản xuất kinh doanh, nó diễn ra theo đòi hỏi của thực tế sản xuất chứ không phải là do ý muốn chủ quan của một ai. Ngày nay, chiến lược của các tập đoàn trên thế giới không chỉ tập trung vào các sản phẩm hữu hình mà có xu hướng chuyển sang tung ra thị trường những tri thức được chuyên môn hóa thành sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng đến đó chính là tăng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm. Vốn con người và khả năng liên tục đổi mới là chìa khóa để tạo ra năng suất cao cũng như tạo ra sự tăng trưởng cho doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Nền kinh tế mà thế giới đang bước vào hiện nay thì tri thức được đánh giá là nguồn lực kinh tế chủ yếu. Các nhân tố sản xuất truyền thống trước đây như: đất đai, sức lao động, tài nguyên thiên nhiên, máy móc,… tuy vẫn còn quan trọng nhưng chúng không còn là yếu tố quyết định nữa. Cùng với những yếu tố sản xuất truyền thống đã kể trên, chúng ta cần có những biện pháp, cách thức để ứng dụng tri thức vào hoạt động sản xuất, tức là phải biết tổ chức sử dụng vốn tri thức của con người một cách tối ưu nhất nhằm tạo ra kết quả sản xuất cao nhất có thể. Việc ứng dụng vốn tri thức vào trong hoạt động sản xuất đã làm cho năng suất lao động (NSLĐ) tăng lên một cách mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Cuộc cách mạng năng suất đã bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ XIX. Nhà quản trị F.Taylor (1856-1915) lần đầu tiên đã áp dụng vốn tri thức vào công việc để có NSLĐ cao nhất trong “thuyết quản lý khoa học” của ông. Phương pháp quản trị của F.Taylor đã được nước Mỹ sớm vận dụng một cách có hệ thống. Điều này đã lý giải vì sao Mỹ có thể vượt qua cả Nhật Bản và Đức chỉ trong một thời gian ngắn. Cuộc cách mạng năng suất đã phải mất 70 năm (từ 1880 đến sau khi kết thúc thế chiến II) để mở rộng ra toàn cầu.

Năng suất lao động của người Việt so với các nước.

Nước ta đang gần cuối của giai đoạn cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu của nền kinh tế, đồng thời gấp rút tiến hành một cuộc cách mạng năng suất để tăng NSLĐ do bởi hiện tại NSLĐ của nước ta đang rất thấp, chi phí lại cao, hệ thống quản lý trong doanh nghiệp còn cồng kềnh, …

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy từ năm 2005, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam có xu hướng đi xuống đến mức thấp nhất là 2,57% vào năm 2009. Thế nhưng, cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế năm 2012 thì tốc độ tăng NSLĐ đã có sự bứt phá mạnh mẽ và lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 6%/năm vào năm 2015. Như vậy, tính chung giai đoạn 1992-2014, NSLĐ tính theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4.64%/năm, là mức tăng cao nhất trong số các nước ASEAN nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc trong cùng kỳ (9.07%). Đáng chú ý, nếu so với các nước Đông Á và Đông Nam Á, mặc dù tốc độ tăng NSLĐ hàng năm của người Việt khá ổn định nhưng không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á. Theo lý giải của CIEM, do xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp nên đến năm 2014, NSLĐ của Việt Nam đạt 9138.6 theo giá USD ngang giá sức mua (PPP) của năm 2011, tương đương 40,36% của Trung Quốc; 6,41% của Singapore; 13,56% của Hàn Quốc và 55,58% của Philippines. Điều này đồng nghĩa, nếu so sánh với nhiều nước thì có sự chênh lệch khá lớn về NSLĐ. Minh chứng là gần 16 người Việt mới làm bằng một người Singapore và 7 người Việt mới có NSLĐ bằng 1 người Hàn Quốc. Thực tế này cũng phù hợp với nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra trong năm 2014 cho thấy, NSLĐ của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương. Thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn 11 lần so với Nhật Bản và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. Cũng từng đấy lao động, đất đai, tài chính, nguồn tài nguyên nhưng nếu biết đào tạo một đội ngũ quản lý giỏi, có năng lực điều hành và vận dụng tri thức tốt nhất thì sẽ có khả năng phát huy vai trò của từng doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội một cách hiệu quả hơn. Bài toán bức xúc đang đặt ra cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế là cần gấp rút thay đổi phương pháp quản trị, cải tiến điều hành tác nghiệp để sử dụng hiệu quả hơn các thao tác trong sản xuất, sử dụng hiệu quả quỹ thời gian cũng như cải cách thủ tục hành chánh,…

Giải pháp.

Giảm quy mô lao động phổ thông đồng thời gia tăng tỷ lệ tự động hóa đã trở thành một chỉ số của hiệu quả kinh tế cũng như lợi ích năng suất. Điều quan trọng là cần có chiến lược nhằm thúc đẩy việc giảm quy mô của các doanh nghiệp và tái phân bổ nguồn lực sản xuất (con người, tài nguyên, máy móc,…) sao cho hiệu quả cao nhất. Cuộc cách mạng năng suất phải được tiến hành đồng bộ từ các doanh nghiệp, ban ngành cho đến bộ máy điều hành vĩ mô của Chính phủ. Đứng trước những thách thức về gia tăng năng suất, cải cách phương pháp quản lý đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có những thay đổi tích cực, cụ thể: (1) giảm chi phí; (2) đổi mới phương pháp quản trị và điều hành cho phù với hợp xu hướng mới; (3) tái cấu trúc bộ máy của những bộ phận, đơn vị trực thuộc hoạt động kém hiệu quả; (4) liên tục cải tiến sản phẩm; (6) thường xuyên đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo và người lao động; (7) cải tiến phương pháp sản xuất, tự động hóa, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất; (8) thường xuyên phát động thi đua sáng kiến kinh nghiệm năng cao năng suất; (9) áp dụng triệt để mô hình quản lý chất lượng toàn diện (TQM) và ISO 9000,…                                                                                             

ThS. LÊ HOÀNG TRỌNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh