THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:38

Cách chăm sóc trẻ khi bị ngộc độc thực phẩm

 

Theo lời khuyên của các bác sĩ, khi trẻ đã bị ngộ độc thực phẩm thường sẽ nôn và tiêu chảy nên cơ thể bị mất nhiều nước, dẫn tới mất cân bằng điện giải. Chính vì vậy, sau khi bị ngộ độc thức ăn, các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên cho bé uống thêm nhiều nước để bù lại lượng nước cơ thể đã mất. Nước lọc là lựa chọn hoàn hảo nhất trong trường hợp này. Tuy nhiên, cũng có thể cho bé uống thêm các loại nước ép để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất.

Chế độ ăn khi trẻ bị nôn ói, tiêu chảy sẽ giúp làm dịu triệu chứng và thúc đẩy sự hồi phục của trẻ. Nếu trẻ còn bú mẹ, cho bú ít hơn nhưng nhiều lần hơn, mỗi 30 phút đến một giờ. Sau tám giờ khi trẻ không ói nữa cho bú lại bình thường. Trẻ lớn cho uống nước biển khô, ăn thức ăn lỏng như nước cháo. Bắt đầu từng muỗng mỗi năm phút, hoặc 3-4 muỗng mỗi 15 phút đến khi hết khát thì cho ăn từng muỗng. Không dùng nước ngọt, nước thường.

Phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm kèm sốt cao kéo dài, nôn trớ

 

Nếu trẻ vẫn nôn ói trong quá trình này, tạm ngưng ăn một giờ, sau đó cho ăn lại với lượng thức ăn ít hơn. Sau bốn giờ mà trẻ không nôn ói nên cho ăn nhiều hơn bằng cách tăng gấp đôi lượng thức ăn. Thức ăn tiếp theo là thức ăn nhẹ, dễ tiêu như cháo, cơm, bánh mì, bánh tây lạt, xúp nghiền và cho trẻ ăn lại bình thường trong vòng 24 giờ.

Ngoài ra, Viện Y tế Quốc gia Mỹ còn khuyên các bé đang trong quá trình hồi phục sau ngộ độc thức ăn nên ăn bánh quy, các loại ngũ cốc nấu chín như cháo bột yến mạch, các loại nước ép trái cây, trái cây mềm. Khoai tây nghiền nấu chín cũng là một sự lựa chọn phù hợp dành cho hệ tiêu hóa đang trong giai đoạn hồi phục. Nếu bé đã hồi phục hoàn toàn, mẹ có thể cho bé ăn các loại thực phẩm thông thường như trứng, thịt gà, rau nấu chín, trái cây…

Bé ăn sữa chua sẽ giúp phục hồi lượng lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa. Trung tâm Y tế đại học Maryland khuyến cáo rằng các loại lợi khuẩn như khuẩn sữa lactobacillus acidophilus và lactobacillus bulgaricus giúp hồi phục lại trạng thái cân bằng của hệ vi sinh trong hệ tiêu hóa.

Bên cạnh những thực phẩm trẻ nên ăn, khi chăm sóc trẻ bị ngộ độc thức ăn cũng nên lưu ý đến một số thực phẩm cần tránh để không làm ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi của trẻ như: Các loại thực phẩm khó tiêu hóa như đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, các loại rau củ quả chưa được nấu chín, … Bơ, sữa cũng là thực phẩm cần tránh trong giai đoạn này, bởi cơ thể đang duy trì trạng thái chống lại các độc tố nên sẽ khó dung nạp được lactose, dẫn đến chứng đầy bụng, khó tiêu. Những thức uống lợi tiểu như nước ngọt có ga không tốt cho quá trình phục hồi của trẻ. Vì những loại thức uống này kích thích sự bài tiết nước tiểu, từ đó dẫn đến tình trạng mất nước càng nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, các loại nước ngọt có ga cũng chứa một lượng đường đáng kể, không tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ.

Đồng thời, nên để bé nghỉ ngơi thật nhiều, bởi cơ thể trẻ còn rất yếu. Những hoạt động mạnh có thể sẽ làm bé thêm mệt mỏi. Hơn nữa, nguy cơ gặp phải những chấn thương không mong muốn cũng rất cao.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh