Xây dựng cơ chế giám sát độc lập về quyền trẻ em
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:30 - 14/12/2015
Đây là ý kiến của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo “Cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em hiệu quả - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) và UNICEF tổ chức.
Cơ quan chuyên trách trẻ em giúp tăng nhận thức về quyền trẻ em
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Hiến pháp mới và nhiều đạo luật quan trọng, xác định Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của trẻ em. Cùng với đó, quyền trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em được quan tâm lồng ghép trong quá trình xây dựng pháp luật. Công tác giám sát của Quốc hội, của các cơ quan dân cử ở địa phương trong việc thực hiện pháp luật về quyền trẻ em ngày càng được quan tâm, chú trọng. Là quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam nhận thức rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để trẻ em Việt Nam có được thêm cơ hội thụ hưởng các quyền chính đáng và vốn có của mình một cách bình đẳng; được chăm sóc, bảo vệ toàn diện về thể chất và tinh thần.
Trẻ em nêu ý kiến của mình tại Diễn đàn trẻ em 2015.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil nhận định, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện pháp luật phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Nguyên tắc về quyền trẻ em đã được đưa vào Hiến pháp 2013 và theo đó rất nhiều chính sách và chương trình được thực hiện. Điều này đã tạo động lực cho Việt Nam cải cách luật phù hợp với các quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc tế và hơn hết là tái khẳng định cam kết trong việc thực hiện quyền trẻ em.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập, đây là cam kết mà các quốc gia phê chuẩn công ước quyền trẻ em cần thực hiện nhằm bảo đảm việc thực hiện và công nhận quyền trẻ em rộng khắp. Do đặc điểm dễ tổn thương của trẻ nhỏ hơn so với người lớn và cần bảo vệ các em khỏi bạo lực, bóc lột, phân biệt đối xử và xao nhãng, một cơ quan chuyên trách về trẻ em sẽ giúp tăng nhận thức về quyền trẻ em và tăng cường ưu tiên xã hội chính trị. “UNICEF ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng một cơ quan độc lập được nhà nước phân bổ nguồn lực và chịu trách nhiệm giải trình về cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập. Dựa vào bối cảnh đặc biệt của mình và thông qua quá trình tham vấn, Việt Nam có thể tự quyết định xây dựng một mô hình phù hợp và đảm bảo tính chất độc lập của cơ quan giám sát. UNICEF cam kết hỗ trợ Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ này trong khuôn khổ Công ước quốc tế về Quyền trẻ em”, ông Youssouf Abdel-Jelil xho biết.
Lồng ghép cơ chế giám sát độc lập
Các chuyên gia quốc tế đến từ Na Uy, Ấn Độ, Malaysia, Mông Cổ và UNICEF chia sẻ kinh nghiệm trong thiết lập và vận hành cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em. Theo đó, tại Na Uy hay Ấn Độ đều có cơ quan nhân quyền độc lập là Ủy ban nhân quyền quốc gia trong đó có cơ quan đại diện cho trẻ em hay Ủy ban về quyền trẻ em. Các cơ quan này thực hiện nhiệm vụ giám sát, thúc đẩy và bảo vệ các quyền của trẻ em; là người phát ngôn của trẻ em. Tại Ấn Độ, Ủy ban bảo vệ quyền trẻ em Quốc gia có nhiệm vụ bảo đảm tất cả luật pháp, chính sách, chương trình, cơ quan và các cơ chế hành chính của Ấn Độ phải phù hợp với các quyền của trẻ em được quy định trong Hiến pháp Ấn Độ và theo Công ước quyền trẻ em. Theo đó, cơ quan này xem xét và rà soát luật pháp, các chương trình và chính sách và đưa ra những khuyến nghị phù hợp để bảo đảm bảo vệ các quyền của trẻ em; tiến hành điều tra các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; tiếp nhận những vụ việc vi phạm về quyền trẻ em và thúc đẩy nghiên cứu, nâng cao, năng lực và nhận thức về quyền trẻ em...
Trẻ em có quyền tham gia những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Dự thảo Luật Trẻ em (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 vừa qua xác định Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là cơ quan đại diện cho tiếng nói trẻ em. Ngoài ra, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp thẩm tra việc tuân thủ các quy định về quyền trẻ em và bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Luật; thực hiện tiếp xúc với trẻ em hoặc trẻ em đại diện, chuyển các kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan, tổ chức và giám sát việc giải quyết các kiến nghị đó. Những vấn đề này sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, hiện tại chưa thể thành lập ngay hệ thống hoặc cơ quan giám sát độc lập thì cần bổ sung vào dự thảo Luật nội dung lồng ghép cơ chế giám sát độc lập vào cấu trúc vận hành hệ thống giám sát hiện tại của của các cơ quan đang được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện pháp luật về trẻ em tại Việt Nam, chẳng hạn như đặt trong cấu trúc của cơ quan Quốc hội. Dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi) đưa ra cơ chế giám sát về quyền trẻ em. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, đa số các đại biểu tán thành cần có cơ chế điều phối liên ngành về công tác trẻ em.