CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:33

Ca trù Đào Đặng ngày ấy, bây giờ

Từ những nghệ sĩ nông dân

Những ngày đầu đông, chúng tôi có dịp về thăm làng ca trù Đào Đặng. Đi theo một con đường nhựa về trung tâm xã khoảng 2km, thấy ngôi đền thờ ca nương Đào Thị Huệ. Tại sân đền, các thành viên trong câu lạc bộ đang hăng say tập luyện, tiếng đàn, tiếng phách... lúc trầm, lúc bổng. Những bậc cao niên trong làng kể lại rằng, từ ngày xửa ngày xưa vào thời triều Lê, người có công khởi xướng bộ môn ca trù là ca nương Đào Thị Huệ, một người con sinh ra và lớn lên tại làng Đào Đặng. Bởi thế người trong thôn bao đời nay vẫn luôn tự hào nơi đây là cái nôi của ca trù cả nước.

Ngày ấy, cả làng từ trẻ đến già ai cũng biết hát dăm ba điệu ca trù. Cứ chập choạng tối là lớn bé lại dắt díu nhau ra đình nghe hát ca trù. Thời ấy những ca nương, kép đàn của làng nổi tiếng khắp vùng sông Hồng. Không chỉ hát trong các tổng, trấn... mà đoàn còn lên Kinh hát cho vua nghe. Người ta vẫn rỉ tai nhau rằng, chỉ cần nghe tiếng phách, tiếng đàn gẩy, tiếng luyến láy thì biết ngay đó là đoàn ca trù Đào Đặng.

Phong trào hát ca trù của làng phát triển mạnh đến những năm 40 của thế kỷ 20. Đỉnh điểm có chục đoàn đi hát khắp các nơi. Nhưng rồi do hoàn cảnh xã hội và thời gian, những ca nương, kép đàn chuyên nghiệp đều đã khuất núi, người còn sống thì cũng ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Một tiết mục của CLB ca trù Đào Đặng đoạt giải nhất tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014.

Ca trù Đào Đặng nổi danh một thời nay chỉ còn trong ký ức của người xưa. Xót xa chứng kiến cảnh tàn lụi của ca trù ngay trên đất tổ, ca nương Đỗ Thị Nhàn, 47 tuổi, hạ quyết tâm khôi phục. Năm 2012, sau một thời gian dài chuẩn bị câu lạc bộ ca trù Đào Đặng được tái lập. Những ngày đầu, câu lạc bộ có chưa đầy chục thành viên, lại không nhạc cụ, không áo diễn, không kiến thức về ca trù... Để khắc phục chị lại phải bỏ tiền ra mua sắm đồ đạc, mời thầy trên Hà Nội về dạy. Chỉ vài tháng sau, phong trào hát ca trù của thôn đã được vực dậy. Cứ vào hai tối cuối tuần, đền Đào Nương là nơi giao lưu, gặp gỡ của những ai yêu ca trù trong và ngoài tỉnh.

Thành viên trong câu lạc bộ hầu hết đều là nông dân. Ngày họ quần quật làm việc ngoài đồng, tối đến lại hăng say bên cây đàn, cái phách, những cái tên như: Phương Anh, Mạnh Đáng, Hồng Thủy... đã quá quen thuộc với bà con trong thôn. Để khẳng định lại “thương hiệu” ca trù Đào Đặng, câu lạc bộ  không chỉ hát ở trong thôn mà phải “đem quân” đi thi tại các hội diễn văn nghệ, có như vậy người ta mới biết tới ca trù Đào Đặng. Năm 2013, câu lạc bộ lần đầu tiên thử sức tham gia Liên hoan Văn nghệ do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức. Ngay lần đầu xuất quân, câu lạc bộ đã giành giải A.

 Năm 2014, với điệu “Trúc gỗ” câu lạc bộ lại giành giải đồng trong Liên hoan Ca trù toàn quốc, ca nương Đỗ Thị Nhàn giành được giải cá nhân hát hay nhất. Cũng trong năm này, câu lạc bộ lọt top 10, tại liên hoan Dân ca Việt Nam khu vực phía Bắc. Trước những thành công liên tiếp đạt được, câu lạc bộ ca trù Đào Đặng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND huyện và tỉnh.

Trăn trở cho muôn đời sau

Số lượng thành viên trong câu lạc bộ có nhiều biến động, thời điểm đông nhất lên đến 40 người, nhưng vì nhiều lý do người thì bận làm ăn, người lại do sức khỏe nên hiện chỉ còn 28 người. Thành viên cao tuổi nhất là cụ Vũ Thị Điều, dù đã 78 tuổi, nhưng cụ vẫn hăng say tham gia tập luyện, giọng hát còn khỏe lắm.

 Năm 2013, cụ đoạt giải giành cho người cao tuổi hát hay nhất tại hội diễn văn nghệ TP Hưng Yên. Chia sẻ về tầng lớp tiếp nối, ca nương Đỗ Thị Nhàn trăn trở: “Các thành viên trong câu lạc bộ hầu hết là những người đã có tuổi, trung bình đều trên 40 rồi. Trong khi giới trẻ lại chẳng mấy nhiệt huyết với ca trù. Tôi cũng đã đi tới nhiều gia đình vận động các cháu nhưng hầu hết đều lắc đầu từ chối. Tất cả đều trả lời bộ môn này khó học và không phù hợp với sở thích nghe nhạc của giới trẻ bây giờ”.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng ca nương Vũ Thị Điều khẳng định: “Chúng tôi sẽ dốc hết sức để bảo tồn và duy trì bộ môn này. Nhưng trên diện rộng, chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước có nhiều chính sách  hỗ trợ phù hợp với những người hát ca trù không chuyên. Có như vậy, họ mới an tâm cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống này của dân tộc.

Bên cạnh đó chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, tạo đam mê cho giới trẻ với ca trù, đó là cách giữ gìn và phát triển hữu hiệu nhất loại hình nghệ thuật này”.  

THANH NGỌC-THÁI BÌNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh