THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:10

Người xứ Nghệ và dân ca ví, giặm được tôn vinh

1. Xứ Nghệ là xứ của ông đồ, cũng có nghĩa là xứ học. Đấy cũng là xứ địa linh nhân kiệt. Không có học thì không thể có nhân kiệt được.

Những người tài giỏi dù là của hiếm, của trời cho, nhưng không học thì không trở thành nhân kiệt được. Học là cả một quá trình tích lũy, học thầy, học bạn, học trong sách vở, học ở cuộc đời.

Cái đức cần kiệm, cần cù của người Nghệ nổi tiếng đến thành giai thoại “Cá gỗ” thì cũng đáng tự hào lắm chứ? Chính nhờ cần cù, cần kiệm mà người Nghệ thành đạt nhiều.

Thành đạt nhờ học mà biết. Biết rộng biết sâu thì rút được bài học cho riêng mình để mà làm, mà sống giữa thiên hạ thế nào cho hay cho phải.

Phẩm chất người Nghệ có lẽ cũng là phẩm chất của người Việt - Mường. Có thật thà và có ma lanh. Có khôn ngoan và có khờ dại. Có dũng cảm và có cơ hội. Có thẳng thắn và có ngang ngạnh, thậm chí cũng lắm chất gàn.

Nhưng nhìn chung, người Nghệ dám làm, dám xả thân, dám sống và dám chết. Tôi yêu cái tính quyết liệt vì nghĩa lớn của người Nghệ. Những cái gàn thì nghĩ lại, đôi khi thấy rùng mình, thấy dại. Gàn là chủ quan, tưởng mình biết hết; gàn là bất chấp các quy luật khách quan; gàn là duy ý chí...Người xứ Nghệ và dân ca ví, giặm được tôn vinh

Nếu văn hóa Âu - Mỹ đề cao quyền tự do cá nhân thì ngược lại, văn hóa Việt Nam lại đề cao quan hệ gia đìnhcộng đồng mà xứ Nghệ là một điển hình. Tôi cho rằng hai từ “đồng hương” là bắt nguồn từ dân Nghệ trong chiến tranh.

Hai từ ấy nó gắn người ta lại với nhau, thương nhau, giúp nhau trong hoạn nạn, sống chết có nhau... Đặc điểm nổi bật đó có cái hay và cái dở. Nhưng dầu sao thì cái hay vẫn là chủ đạo, nó tạo nên một văn hóa Nghĩa Tình. Nếu người ta sống với nhau “trọn Nghĩa vẹn Tình” thì còn gì bằng.

Thời nhạc sĩ Hồ Hữu Thới làm Giám đốc Sở Văn hóa, Âm nhạc Nghệ An khá rôm rả. Nhiều tác phẩm nổi tiếng và chưa nổi tiếng đều được xuất bản thành sách, thành băng, đĩa, hay phát sóng phát thanh, truyền hình cho cả nước biết.

Nhờ vậy mà âm nhạc Nghệ An được ghi nhận như một vùng âm nhạc có bản sắc riêng đậm đà chất dân ca xứ Nghệ. Phải nói là dân ca Nghệ Tĩnh là một nguồn sữa ngọt luôn nuôi nấng nghĩa tình đối với con người xứ Nghệ cho đến tận hôm nay...

2. Tôi bỗng nhớ những câu dân ca thuở nhỏ từ giọng ru của mẹ, hay của bà hàng xóm vốn hay hát, sống bên cạnh nhà mình. Những đêm trăng thanh gió mát, trai gái ngồi dọc hai bờ nông giang (mương nước được đắp bờ cao) cán bông xe sợi, hát giao duyên đối đáp chọc ghẹo nhau tới khuya chưa dứt.

Những câu hát dân ca Nghệ Tĩnh quê tôi vừa mộc mạc, ngộ nghĩnh, lại vừa da diết trữ tình. Những câu dân ca ấy dù đi xa, tôi không bao giờ quên được, nó cứ văng vẳng bên tai mỗi lần nhớ tới quê hương.

Vậy mà giờ đây, những câu ví câu giặm quê tôi đã trở thành di sản của nhân loại, sánh vai với các di sản phi vật thể đã được tôn vinh trước đây như Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên; Ca trù; Dân ca quan họ; Hát xoan; Đờn ca tài tử Nam bộ...Người xứ Nghệ và dân ca ví, giặm được tôn vinh

Tôi không có gì phải bi quan về sự bảo tồn hay phát triển di sản ví, giặm Nghệ Tĩnh, bởi nó được sinh ra trong không gian sinh hoạt cộng đồng từ xa xưa và càng ngày nó càng được lan truyền, ưa chuộng đến mức nó được chuyển đổi dần thành nghệ thuật diễn xướng phục vụ cộng đồng.

Với một ngữ nhạc độc đáo có khả năng giãn nở linh hoạt, ví, giặm Nghệ Tĩnh là nguồn cung cấp “dữ liệu” đa chiều không chỉ cho những nhà thực hành sáng tạo dân gian mà còn cho cả những nhà sáng tạo bác học tha hồ tung phá, tạo nên những tác phẩm hiện đại quanh cái trục chính ngữ nhạc của nó.

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua, tôi thấy khá rõ, dù xã hội thay đổi, các tổ chức sinh hoạt cộng đồng thay đổi nhưng ví, giặm không mất đi mà còn phát triển cao hơn trong nghệ thuật thực hành.

Từ những câu ví, giặm cổ đơn độc nó đã được kết hợp lại thành những hoạt cảnh, ca cảnh dân ca Nghệ Tĩnh biểu đạt nhiều sắc thái tình cảm của con người trong cộng đồng mới với nhiều cung bậc tiết tấu khác nhau.

Dù là một bản trình tấu độc diễn hay một hoạt cảnh nhiều nhân vật có kịch tính thì ngữ nhạc ví, giặm vẫn có đủ khả năng diễn đạt làm thỏa mãn tính giải trí của đám đông, tùy theo khả năng sáng tạo của các nghệ nhân sử dụng và biến đổi nó.

Điều này được minh chứng rất hiệu quả bởi nhóm nghệ nhân Diễn Bình (Diễn Châu) cuối những năm 60 của thế kỷ trước với những vở diễn sân khấu “Không phải tôi”, “Khi ban đội đi vắng”... mà trong đó đã nảy sinh ra những là điệu ví, giặm mới như “Giận thương”, “Con cóc”... từ sân khấu đi ra với cuộc đời.

 Nếu đem ví, giặm so chiếu với nhiều ca khúc mới, ta cũng thấy rõ, có một dòng ca khúc mang âm hưởng ví, giặm rất được công chúng ưa thích, thậm chí chiếm lĩnh một mảng lớn thị hiếu công chúng đương thời.

Vậy là ví, giặm đã đi vào âm nhạc bác học như một chất liệu độc đáo riêng. Và không chỉ với ca khúc mới, ví, giặm còn là chất liệu của những vở kịch hát dài hơi có hơi hướng opera trên sân khấu chuyên nghiệp như vở “Mai Thúc Loan” đã từng đoạt huy chương vàng trong một liên hoan sân khấu toàn quốc.Người xứ Nghệ và dân ca ví, giặm được tôn vinh

Đối với Nghệ Tĩnh nói riêng thì ví, giặm không chỉ là tài sản tâm hồn của ông cha để lại từ thế hệ này đến thế hệ khác, mà còn là niềm tự hào về óc sáng tạo của những con người mang tính cách Nghệ đầy thông minh, bộc trực, gàn rở mà nghĩa tình.

Đó là một xứ Nghệ muôn đời quý trọng lao động và nghệ thuật. Ví, giặm tồn tại và phát triển được là nhờ ở cốt lõi bản chất của người Nghệ. Có cung thì có cầu, có cầu thì có cung.

Giữa thời đại bùng nổ công nghệ truyền thông lạm phát về nghệ thuật, nhưng người Nghệ vẫn yêu những câu hát dân ca của chính mình, và vì thế mà phong trào hát dân ca Nghệ Tĩnh cứ luôn luôn lan tỏa.

Con số hơn 100 câu lạc bộ đàn và hát dân ca ví, giặm với hàng nghìn thành viên tại Nghệ Tĩnh, trong đó có cả chục người đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian đã minh chứng cho tình yêu đó.

Nhưng đâu chỉ tại xứ Nghệ mới có các câu lạc bộ đàn và hát dân ca ví, giặm, mà ngay giữa Hà Nội kinh kỳ, Sài Gòn hoa lệ và nhiều tỉnh, thành khác, thậm chí cả ở tận trời tây cũng có những câu lạc bộ đàn và hát dân ca Nghệ Tĩnh.

Khi ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, thì việc bảo tồn và phát triển di sản này càng phải được quan tâm tích cực hơn nữa.

Phải phân loại và gìn giữ ổn định những điệu ví, giặm cổ - nguồn gốc của dân ca Nghệ Tĩnh, nhằm phân biệt với những làn điệu dân ca đã được phát triển qua các thời kỳ khác nhau, và đặc biệt là tái hiện những không gian diễn xướng cổ xưa. Có thế mới biết quý cái gốc vững bền và biết trọng cái ngọn non tơ.

Việc Nghệ An và Hà Tĩnh đã từng có các đoàn nghệ thuật dân ca Nghệ Tĩnh, và đang có các nhà hát dân ca, là một tầm nhìn có tính chiến lược nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của quê hương xứ sở.

Đó là tầm nhìn xuyên suốt quá khứ tới tương lai, để ví, giặm Nghệ Tĩnh ngày càng có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng người Nghệ nói riêng và nhân loại nói chung.

3. Trong niềm vui xen lẫn tự hào, tôi bỗng nhớ xứ Nghệ, nhớ những nghệ nhân nơi đồng đất quê tôi, trên sông nước quê tôi đêm ngày vất vả đã làm ra những làn điệu dân ca óng ả mượt mà, làm lay động lòng người.

Kẻ mất, người còn... đều không ai nghĩ rằng, có một ngày những di sản tinh thần của họ lại được tôn vinh sánh vai cùng nhân loại...        

Nhà thơ, nhạc sĩ NGUYỄN TRỌNG TẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh