Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Sau vinh danh là bảo tồn
- Văn hóa - Giải trí
- 21:35 - 27/12/2014
Theo bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: Hát lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, đi củi, trèo non.
Vì vậy các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như: Ví phường vải, ví đò đưa, ví phường cấy, ví trèo non... Dân ca ví, giặm không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh, mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.
Nhiều thế hệ ở Nghệ Tĩnh say sưa hát ví, giặm.
Việc Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Unesco ghi danh cho thấy, thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc biệt này, đồng thời sẽ giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.
Theo bà Thanh, ngoài lễ đón nhận bằng vinh danh của Unesco còn có nhiều hoạt động tôn vinh, đó là cuộc gặp mặt, tôn vinh các nghệ nhân, tổ chức công tác tuyên truyền để người dân vào cuộc cùng tổ chức các sinh hoạt, toạ đàm về dân ca ví, giặm.
Ngay sau khi UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của thế giới, Bộ VH-TT&DL cũng như lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có những kế hoạch hành động cụ thể nhằm phát huy, lan tỏa giá trị của di sản này.
Theo đó, trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm kê, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dân ca ví, giặm; tổ chức truyền dạy rộng rãi trong cộng đồng; quảng bá và phố biến loại hình dân ca ví, giặm và có kế hoạch, chính sách đãi ngộ nghệ nhân phù hợp... Việc trao truyền, bảo tồn đã được Hà Tĩnh và Nghệ An thực hiện ngay khi di sản chưa được công nhận. Các nhà nghiên cứu cũng bỏ công sưu tầm các làn điệu cổ, biên soạn những công trình về hát ví, giặm.
NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nghệ An cho rằng, người xứ Nghệ tự hào về ví, giặm nhưng không phải ai cũng hiểu được đâu là ví, đâu là giặm. Mặt khác, thế hệ chuyển giao nắm giữ di sản chính là lớp trẻ, họ đang phải đối mặt với xu thế âm nhạc mới nên việc trao truyền cần có giáo trình.
Cụ thể, Nghệ Anh đã soạn giáo trình phù hợp từng cấp, đưa việc học dân ca ví, giặm vào chương trình ngoại khóa. Ông Bùi Đức Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh ghi nhận: Thách thức hiện nay là sự biến đổi không ngừng của không gian diễn xướng, việc bảo tồn phải tuyệt đối trung thành với tiêu chí người dân là chủ thể, hưởng thụ và sáng tạo.
Theo Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa Việt Nam Nông Quốc Thành, trong nhiều năm qua, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bảo tồn dưới nhiều hình thức. Có thể kể đến chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình từ năm 1996; phong trào hát dân ca và phát triển các CLB đàn và hát dân ca ở cơ sở; các liên hoan, hội thi, hội diễn; sưu tầm, lưu giữ các làn điệu cổ cùng các hội thảo và quá trình sân khấu hóa, đưa dân ca vào các vở ca kịch, chương trình ca múa...
Hiện nay, dân ca ví, giặm đang được lưu truyền trong 26 huyện, thành phố, thị xã thuộc hai tỉnh với gần 100 CLB và 803 nghệ nhân. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (Nghệ An) và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn, phát huy di sản này...
* Với việc truyền dạy trong cộng đồng, hai tỉnh phấn đấu năm 2015 sẽ có 30-4-% số xã có CLB dân ca Nghệ Tĩnh; tổ chức truyền dạy trực tiếp, cung cấp băng hình, băng nhạc cho các CLB; thi đàn và hát dân ca ở cơ sở 2 năm/lần, ở tỉnh 5 năm/lần. Song song với đó là các lớp truyền dạy của nghệ nhân cho thế hệ trẻ; mở rộng giảng dạy về di sản trên truyền hình, trong trường phổ thông; xuất bản sách, băng đĩa hình, đĩa nhạc… về di sản cung cấp cho cộng đồng. * Lễ đón nhận Bằng công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức vào tối 31/01/2015 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV4, NTV, HTV gồm 2 phần, phần lễ và chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Về miền Ví Giặm”. |