Cả nước có 3000 Đội Công tác xã hội tình nguyện
- Pháp luật
- 19:09 - 18/05/2017
Để tiếp tục nâng cao năng lực của Đội Công tác xã hội tình nguyện, trong 3 ngày (18-20/5), tại Hòa Bình, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng hỗ trợ người nghiện ma túy.
Tham dự lớp tập huấn có cán bộ Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội, tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện của 7 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hưng Yên Ninh Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cùng các phóng viên báo chí theo dõi lĩnh vực này ở Trung ương và địa phương.
Lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác cai nghiện
Tại lớp tập huấn, các học viên được cung cấp những thông tin về các kiến thức cơ bản về ma túy, dự phòng và điều trị, cai nghiện ma túy, chống tái nghiện; các quy định cơ bản về chính sách, pháp luật về điều trị, cai nghiện ma túy; nội dung, kỹ năng truyền thông với dự phòng và điều trị cai nghiện ma túy…
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, một trong những nội dung quan trọng của Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, trọng tâm là Đội công tác xã hội tình nguyện.
Đến cuối năm 2016, ở 40 tỉnh, thành phố đã thành lập 3 nghìn Đội Công tác xã hội tình nguyện với tổng số gần 20 nghìn tình nguyện viên. Một số tỉnh thành phố có 100% xã, phường thị trấn đã thành lập Đội tình nguyện là Hà Nội, TP. HCM, Cà Mau, Bắc Ninh, Lào Cai…
Các tình nguyện viên đã lăn lộn, tiếp cận tới từng gia đình, từng khách hàng là những người sử dụng ma túy, người sống chung với HIV, người bán dâm, nạn nhân bị buôn bán trở về để cảm hoá, giúp đỡ, hỗ trợ họ.
Với lòng nhiệt tình và tình tương thân tương ái, trong những năm qua, Đội công tác xã hội tình nguyện đã và đang tham gia vào các phong trào xã hội tại các địa phương đồng thời là cầu nối giữa các tổ chức xã hội, cộng đồng và chính quyền.
Tuy nhiên hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện ở một số tỉnh còn tính hình thức, nặng về hành chính hay phối hợp với các cơ quan khác đi tuần tra, kiểm soát, chưa đi vào hoạt động tuyên truyền tư vấn có chiều sâu, hiệu quả còn hạn chế. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi số người nghiện ma túy tổng hợp gia tăng, để tiếp tục nâng cao năng lực của Đội tình nguyện cần tiếp tục tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức và kỹ năng cho tình nguyện viên để giúp người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh Đội công tác xã hội tình nguyện, công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy trên các phương tiện truyền thông cũng rất quan trọng. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin, kiến thức cho các phóng viên báo chí là vô cùng cần thiết để hiểu chính xác hơn những thuật ngữ, vấn đề liên quan đến ma túy khi đưa tin, bài.
Với năng lực được trang bị và những điều kiện hỗ trợ của các cơ quan quản lý nguồn lực con người to lớn này, hy vọng sẽ có những đóng góp đáng kể vào phòng chống tệ nạn xã hội, giúp đỡ được nhiều đối tượng dễ bị tổn thương, ổn định xã hội.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc