THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:45

Cà Mau: Đổi mới phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn

 

Hiện tại ở Cà Mau đang còn trên 10.500 hộ hội viên nông dân nghèo và cận nghèo, sống tập trung chủ yếu ở các lâm phần. Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh đã giải ngân 17 dự án, trên 4,7 tỷ đồng cho 266 hộ dân vay phát triển sản xuất. Trong đó, có 330 hộ nông dân nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích gần 350 ha. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến không ngừng tăng, đạt trên 95.767 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 152.000 tấn, trong đó có 71.300 tấn tôm. 

         Thu hoạch tôm từ mô hình nuôi tôm sinh thái ở Cà Mau

Theo kế hoạch năm 2017, Cà Mau sẽ đào tạo và bồi dưỡng nghề cho 35.000 lao động. Kết quả đến nay đã đào tạo, bồi dưỡng nghề cho trên 11.569 lao động, Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.514 lao động và đào tạo nghề ngoài Quyết định 1956/QĐ-TTg là 8.055 lao động.

          Để nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, tỉnh tập trung dạy các nghề phù hợp với người dân địa phương, đảm bảo học xong có thể tìm hoặc tạo được việc làm ngay với thu nhập ổn định.

          Các nghề đào tạo cho lao động nông thôn từ đầu năm đến nay gồm 16 nghề: May dân dụng, nuôi tôm quản canh cải tiến, kỹ thuật trồng hoa kiểng, nữ công gia chánh, kỹ thuật nuôi cá chẽm, kỹ thuật chăn nuôi - thú y, đan đát, thêu tay, kỹ thuật trồng hoa màu, sửa xe gắn máy;, điện tử dân dụng, kỹ thuật nuôi cua, kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp;, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật sản xuất giống thủy sản.

         Mô hình trồng chuối năng suất cao

Sau các lớp học nghề đa số học viên đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm chi phí sản xuất tăng năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài ra, đối với các nghề đào tạo phi nông nghiệp, trong những năm qua Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp các huyện, thành phố đã đào tạo theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp một số nghề như: May dân dụng, đan đát, chế biến thủy sản... Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Cái Nước đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm Thủy sản Xuất khẩu Cà Mau (FFC) thực hiện đào tạo 03 lớp, với 105 học viên, sau khi học nghề đã được nhận vào làm công nhân tại Công ty.

          Từ nay đến cuối năm, Cà Mau sẽ huy động, phân bổ nguồn kinh phí, tăng cường đội ngũ giáo viên để đảm bảo điều kiện cho công tác dạy nghề. Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc phối hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

LÊ HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh