Cà Mau: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
- Huyệt vị
- 22:13 - 01/01/2015
Ông Phạm Thành Tươi. |
* Thưa ông, là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong hoạt động khai thác và đánh bắt thủy sản xa bờ, Cà Mau đón nhận và triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ra sao?
- Tôi phải khẳng định ngay rằng, Nghị định 67 đã quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần bảo vệ các vùng biển của nước ta.
Cụ thể, các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên.
Đặc biệt, Nghị định đã khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn vỏ thép, vật liệu mới, với thời gian vay 11 năm, lãi suất ưu đãi chỉ 1 - 3%/ năm.
Từ khi nghị định có hiệu lực 24/8/2014, Cà Mau đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi, khuyến khích ngư dân đăng ký tham gia và thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đồng thời với đó, tỉnh còn tổ chức hội nghị và các cuộc họp bàn để triển khai Nghị định cùng các quyết định, thông tư có liên quan, làm cơ sở ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện.
Ban Chỉ đạo và Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ báo cáo với Bộ Tài chính và Bộ NN & PTNT về nhu cầu kinh phí, các dự án ưu tiên cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành thủy sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tích cực tham gia, triển khai cho vay đối với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có nhu cầu.
Để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và bà con ngư dân tiếp cận được với chính sách hỗ trợ phát triển thuỷ sản, tỉnh Cà Mau đang triển khai quyết liệt, vừa thí điểm vừa rút kinh nghiệm. Với cách làm này, chúng tôi hy vọng Nghị định 67 của Chính phủ sớm phát huy tác dụng và đi vào cuộc sống.
Chế biến tôm tại Cty CP XNK Nông sản thực phẩm Cà Mau.
* Thực tế, những năm gần đây, ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản cả nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu cũng khó khăn hơn. Giải pháp nào để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và ngư dân trong tỉnh Cà Mau, thưa ông ?
- Cũng như hầu hết các đơn vị chế biến thủy sản khác trong cả nước, mấy năm qua, doanh nghiệp tại tỉnh Cà Mau gặp không ít khó khăn, như: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu do dịch bệnh trong nuôi trồng; rào cản kỹ thuật tại các nước nhập khẩu áp đặt ngày càng gay gắt, đơn cử việc áp mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ gần đây.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những khó khăn khách quan như suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng... dẫn đến một số đơn vị phá sản hoặc hoạt động cầm chừng.
Để khắc phục những khó khăn trên, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật phòng tránh dịch bệnh, bước đầu mang lại kết quả tích cực, sản lượng tôm đến nay tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2013.
Các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình, biến động của thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất cho nông dân, tránh tình trạng thừa- thiếu nguyên liệu. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành một số chính sách giúp doanh nghiệp yên tâm và ổn định sản xuất.
Nhờ vậy, sản lượng chế biến và kim ngạch xuất khẩu tăng trên 35% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt xuất khẩu cả năm 2014 ước đạt trên 1,3 tỷ USD, đứng đầu cả nước.
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản phát triển ổn định, nâng cao thu nhập cho công nhân và nông dân, năm 2015, Cà Mau sẽ triển khai một số giải pháp đồng bộ: Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng tôm với mục đích giảm dần mô hình sản xuất truyền thống nhỏ lẻ, manh mún như thời gian qua; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, tham gia bao tiêu sản phẩm cho các vùng nuôi tôm theo mô hình liên kết chuỗi; tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng nuôi tôm sinh thái, vùng nuôi tôm theo quy trình Vietgap để gia tăng giá trị sản phẩm.
* Được biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp sau, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng một số cửa biển quan trọng tại địa phương. Xin ông cho biết định hướng phát triển kinh tế biển tại Cà Mau trong thời gian tới?
- Cà Mau xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ cơ bản, coi vùng ven biển là động lực quan trọng nên đã tập trung phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển để phát triển mạnh kinh tế, xây dựng cơ cấu ngành nghề hợp lý và hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao.
Cùng với đó, xây dựng vùng biển và ven biển trở thành “vùng kinh tế mở”, hướng mạnh phát triển ra biển, từng bước xây dựng vùng ven biển và vùng biển trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh.
Phát huy mọi tiềm năng to lớn từ biển, song địa phương cũng xác định phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái biển để phát triển bền vững; đồng thời tăng cường công tác bảo vệ quốc phòng an ninh, chủ quyền vùng biển.
Tỉnh Cà Mau có gần 100 cửa biển, cửa sông thông ra biển, nơi nào cũng có vị trí và lợi thế riêng. Tuy nhiên, với khả năng tài chính có hạn, trước mắt địa phương chọn những nơi quan trọng đầu tư làm điểm đột phá, sau đó từng bước đầu tư thêm, mục đích là khai thác tối đa lợi thế tiềm năng các cửa biển để phát triển kinh tế.
3 cửa biển được ưu tiên phát triển tại Cà Mau - Cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) được tỉnh đầu tư xây dựng để trở thành thị xã Sông Đốc vào cuối năm 2015. Hiện Sông Đốc có gần 90.000 người dân với gần 2.000 phương tiện khai thác thủy sản. - Cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) có gần 1.000 tàu khai thác thủy sản, dân số trên 35.000 người. Khánh Hội được tỉnh Cà Mau quy hoạch xây dựng thành làng biển, đầu tư trên 30 tỷ đồng để nạo vét cửa biển, khơi thông luồng cho tàu cá ra vào, xây dựng cơ sở hạ tầng và khu dân cư, mục tiêu thành thị trấn biển vào năm 2020. - Cửa biển Bồ Đề (huyện Năm Căn), có mực nước sâu nhất so với các cửa biển của Cà Mau. Hiện tỉnh đang cho khảo sát thăm dò, ý tưởng xây dựng nơi đây là cửa biển có chức năng đón tàu cỡ lớn. Vùng kinh tế biển và ven biển Bao gồm vùng biển, các cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Đá Bạc và các huyện có bờ biển (U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi), diện tích đất liền hơn 400.000 ha, chiếm hơn 75% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, số dân chiếm gần 60% so với dân số toàn tỉnh. Lợi thế phát triển của vùng biển là có tài nguyên biển (dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải sông biển)... |