THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:19

Cá lồng bè sốc nước, dân “bán tháo bán đổ”

Mực nước sông Tam Kỳ vẫn còn chảy siết, sau những bất lực trong việc giữ chặt lồng bè, giữ nguồn cá. Đến thời điểm này, chưa kể lượng cá lồng bè được nuôi trên sông bị thất thoát, thì người nuôi đa phần phải bán tháo để cứu vốn ban đầu.

Sông Tam Kỳ đoạn qua thành phố Tam Kỳ có 5 hộ nuôi với hơn 100 lồng bè, ở phía đoạn nối với huyện Núi Thành (Quảng Nam) rải rác vài hộ thả nuôi. Ông Trần Minh Đức-Trưởng Tổ Hợp tác nuôi cá lồng bè Tam Kỳ, cho biết: “Nước sông đục ngầu với hàng trăm chất độc hại trôi nổi, nước dâng lên đột ngột nên cá ba sa và cá điêu hồng bị sốc nặng, cá bị va vào lưới, tróc vẩy, nhiều loại cá bị trơ thịt”, sau đợt mưa lũ, tỷ lệ cá thất thoát hơn 60%.

Cá chết hàng loạt sau mưa lũ.ảnh:H.T

Ông Đức thả nuôi 10 bè cá ba sa và cá điêu hồng, với tình trạng khó cứu vãn, ông phải bán 2,5 tấn cá ba sa với giá 20 triệu đồng, rẻ hơn so với giá thị trường, còn lại số lượng cá chết, bỏ đi vì không ai mua. Ngoài ra, hơn 4 tấn cá điêu hồng không thể bán được vì bị tróc vẩy do va đập và chết… Hiện tại, ông Đức chỉ còn 4 lồng bè với khoảng 5 tấn cá điêu hồng còn “cứu vãn”. Ông nói: “Số cá còn lại, chỉ có thể cho ăn và chăm sóc để phục hồi. Khó nhất là nhiều hộ không có người và phương tiện vận chuyển phải xúc cá chết bỏ ra khỏi lồng để tránh ảnh hưởng lượng cá còn lại”.

Tại khúc sông huyện Núi Thành, anh Nguyễn Tường Vi (xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, Quảng Nam), cho biết, anh mang cá bán ngoài chợ nhưng không ai mua vì cá chết, tróc vẩy,…. Giá thị trường cá điêu hồng khoảng 45.000 đồng/kg, cá ba sa khoảng 35.000 đồng/kg, thế nhưng anh Vi buộc phải bán cá điêu hồng cho tư thương với giá 25.000 đồng/kg, cá ba sa bán với giá 20.000 đồng/kg khi người mua còn “kén cá”.

Anh Vi thả nuôi 4 lồng, trong đó 1 lồng cá ba sa với 350.000 con cá, còn lại cá điêu hồng với 12.000 con/lồng. Anh vừa xuất bán 1,3 tấn cá, còn lại chết trôi hơn 2 tấn, tróc vẩy 2 tấn. Anh thuê xe mang ra chợ Đà Nẵng, chợ Tam Kỳ bán thu hồi vốn nhưng cá tróc vẩy không ai mua, lại đổ bỏ đi. Anh cho biết: “Phải đến ngày 20-12, cá mới đạt trọng lượng xuất bán, nhưng nước lũ lớn đã khiến cá sốc chết. Nhiều cá bán không được, phải để hôi thối ngoài lồng bè”.

Toàn huyện Núi Thành có hơn 62 ha mặt nước nuôi tôm, cua, cá bị ngập sau mưa, nhiều lồng bị nước cuốn trôi, tại thành phố Tam Kỳ có hơn 7ha tôm, cá bị ảnh hưởng. Người nuôi lồng bè lao đao thả giống và nguồn vốn cho vụ nuôi tới.

HUYỀN TRANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh