THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:30

Quảng Nam: Triền miên sạt lở bờ đê, mỗi năm lại mất đất

Xã Duy Nghĩa là xã nằm dọc ven sông Trường Giang đổ ra biển Cửa Đại, chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, nhiều năm trước đây, tình trạng sạt lở bờ sông đã ăn sâu vào đất sản xuất của người dân. Con đê đắp bằng cát được kè từ năm 1994, dài hơn 5km kéo dài từ thôn Tây Thành đến thôn Thuận An bị nước đập vỡ hoàn toàn, hàng chục cây ven sông bị đánh bật gốc, tạo hố sâu xói lở.

Ông Lê Hải, Phó ban Nông nghiệp xã Duy Nghĩa, đi dọc con đê, cho biết, mỗi năm bão lũ, hàng trăm mét đất bị lôi sập xuống sông, các nhà dân nằm ở khu vực đê cũng sạt theo. Hơn 100 nhà dân ở đoạn kè 5km đã di dời vào khu tái định cư của xã, còn hơn 30 hộ vẫn nằm trên triền đê.

Sạt lở hằng năm "ăn" đất của dân.ảnh:H.T

Ông Nguyễn Liên, 39 tuổi, xã Duy Nghĩa, là một hộ dân vẫn còn nằm triền đê, cho biết, trước kia căn nhà cấp bốn không chịu nổi sức gió bão, ông cùng con cái đổ thêm đất làm cái nhà bê tông chắn chắn. “Đến mùa mưa lũ, nước dâng ngập đến hơn 1 mét, cả nhà lên trên gác ở. Ghe thuyền đều đi gửi ở thôn khác, đến khi bão qua, mới kéo ghe về lại”-ông Liên nói.

Thống kê ban Nông nghiệp có khoảng 10 ha diện tích nhiễm mặn, trong đó 2ha đất chuyển đổi mục đích sang nuôi tôm, 3ha đất phải bỏ hoang, còn lại chỉ trồng lúa 1 vụ. Cứ hằng năm mưa bão, hơn 70ha ruộng lúa của người dân gần đê sông đều bị nhấn chìm hơn 1,5m nước, ngập lụt mỗi năm thiệt hại ước tính 40 triệu/ha. Người dân phải khẩn trương thu hoạch lúa trước khi mưa bão kéo đến.

Bà Phan Thị Bé, 55 tuổi, xã Duy Nghĩa có 10 sào lúa ở gần đê, thì có 5 sào nhiễm mặn phải chuyển sang trồng đậu bắp, dưa gang,…Bà Bé nói: “Lúa làm đất nhiễm mặn cũng không đạt năng suất, làm nhiều mà hạt cứ lép, hư hết”.

Hơn 108 ghe thuyền lớn nhỏ mỗi mùa mưa bão phải di chuyển đến các thôn khác trú ẩn vì đoạn đê kè không có khu neo đậu. Đời sống người dân ngày càng khó khăn, hầu hết sống nhờ con cá, tôm sông.

Những đoạn đê cuối cùng vỡ ra.ảnh:H.T

Đoạn đê kè dài hơn 5km mỗi năm lại ăn sâu vào bờ, theo ông Hải, trong vòng 10 năm qua, đã cuốn trôi 20 mét đất, nguyên nhân chủ yếu là do sóng nước sông Trường Giang đập vào bờ, bão lũ, hơn nữa, con đê được đắp tạm bằng cát nên đã vỡ từng đoạn khi lũ về. Chính quyền xã đã thực hiện gia cố đoạn xung yếu bằng cách bỏ đá xuống, đắp đê, nhưng vẫn bị phá vỡ.

Ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, cho biết: “Từ khi xây dựng đê kè đến nay chưa được sửa chữa nâng cấp, khiến tình trạng sạt lở ngày càng nặng khiến nhiều người dân bức xúc. Hiện nay vẫn chưa có nguồn vốn đưa vào chương trình kè, xã đã gửi đề nghị đến huyện, tỉnh xem xét hỗ trợ xây đê kè”.

HUYỀN TRANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh