THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:38

Buồn, vui... chuyện tác nghiệp

Tôi về đầu quân tại Văn phòng miền Nam, Báo Lao động và Xã hội đúng vào dịp báo đang chuẩn bị kỷ miệm 1 năm ngày ra số báo đầu tiên.

Mới chân ướt chân ráo về nhận việc, tôi đã được lãnh đạo tòa soạn giao viết mảng phóng sự xã hội, cũng là một trong những mảng khá sôi động và thu hút bạn đọc của Báo Lao động và Xã hội thời ấy.

Trong các thể loại báo viết mảng phóng sự xã hội đòi hỏi người phóng viên ngoài đầu tư thời gian lăn lộn với thực tế đời sống xã hội, còn phải đầu tư cả về tiền nong cho những chuyến tác nghiệp.

Muốn có phóng sự xã hội, nhất là phóng sự về những vấn đề nhạy cảm nóng hổi, tất nhiên phải la cà thâm nhập vào những tụ điểm dễ phát sinh những tệ nạn xã hội như: Quán bia ôm, cà phê đèn mờ, karaoke ôm, tắm hơi massage, Spa, bar, vũ trường. Nói chung đều là những nơi chốn dành cho dân sành điệu, ham vui, mê của lạ và nhiều tiền.

Chính vì thế, đối với những nhà báo của những tờ báo sinh sau đẻ muộn lại không mạnh về tiền, với nhuận bút cho một phóng sự chỉ vài trăm ngàn đồng mà lao đầu vào những chốn tiêu tiền không chút lăn tăn ấy tác nghiệp thì dè dặt rón rén lắm.

Trong suốt hơn 20 năm tác nghiệp để viết phóng sự xã hội cho báo nhà cũng như một vài tờ báo khác, tôi đã trải qua cái tâm trạng này đến mất cả sự tự tin ấy rất nhiều lần.

Nhớ lại một lần đi tác nghiệp với một đồng nghiệp ở một điểm tắm hơi massage khá nổi tiếng, bởi có dàn nữ kỹ thuật viên trẻ, đẹp, chịu chơi ở quận 10 (TP. HCM), tôi vẫn còn thấy quê quê, ngượng ngượng.

Chuyện là như thế này, ngoài tiền vé ra dù tôi đã “boa” cho em 200.000 đồng cho một giờ xoa bóp, nhưng vẫn bị em nói móc: “Thôi anh cầm về để mai tụi nhỏ ăn sáng”. Đành ngậm bồ hòn làm ngọt, xòe thêm trăm ngàn đồng nữa em mới nở một nụ cười thân thiện hơn chút, rồi tiễn chân vị khách bất đắc dĩ này.

Nhuận bút bài phóng sự ấy, tất nhiên là không đủ bù chi cho cuộc nhậu, cộng thêm công đoạn tắm hơi massage, thế là chịu “lõm” và chuyện đi tác nghiệp bị “lõm” kiểu này dần dà cũng thành chuyện “thường ngày” với tôi. 

 Chuyện tác nghiệp trong sự cạnh tranh thông tin hiện nay đối với mỗi nhà báo đều có những niềm vui và nỗi buồn lẫn lộn (ảnh minh họa)

 Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mô hình karaoke ôm mới lác đác xuất hiện ở Sài Gòn, để thâm nhập vào được những điểm nhạy cảm ấy, kể cả nhiều tiền, nhưng không được dẫn dắt bởi một ai đó có uy tín với chủ quán thì cũng không phải chuyện dễ.

Năm 1995, để thực hiện được phóng sự “Một giờ ở karaoke Kim Bình” ở trên lầu chợ Xóm Củi, quận 8, tôi và nhà báo Chí Thảo đã phải nhờ cậy giám đốc của một doanh nghiệp ở quận Tân Bình (khách VIP của quán) mới vào được để tác nghiệp.

Nhưng đó cũng là một lần tác nghiệp mà tôi phải trả giá, không dễ gì quên bởi cái máu “Hoạn Thư” của bà xã, vì can tội gần 2 giờ sáng mới lướt khướt dẫn xác về nhà, với nồng nặc mùi rượu mạnh, lẫn mùi nước hoa của phụ nữ.

Tất nhiên, khi bài báo được đăng trên Báo Lao động và Xã hội, Sài Gòn Giải Phóng thứ 7 thì “cuộc chiến tranh lạnh” giữa tôi và bà xã cũng chấm dứt.

Nhưng bù lại, nhờ lần tác nghiệp ấy, tôi lại có hứng viết thêm được bài thơ “Lục bát đêm bói Kiều”, nói về thận phận của những cô gái hành nghề tiếp viên (ca ve) trong những quán karaoke ôm, cũng tủi cực không khác gì thân phận nàng Kiều của Nguyễn Du xưa.    

“Chong đèn nhang khói bói Kiều/ Lạnh người linh quẻ ứng điều tài hoa/ “Rằng trong cái cõi người ta”/ Em xuân sắc mấy cũng hoa lạc loài/ Cánh buồm trắng rách bươm rồi/ Em từ lầm lũi quê người giử thân/ Ta từ trời bắt phong trần/ Chung câu dâu bể trầm luân vận vào”…

Bài thơ sau đó được đăng trên số báo xuân 1995 của Báo Người Lao Động (TP. HCM), với một người làm thơ đó là niềm an ủi, khích lệ thêm tinh thần dấn thân trong mỗi chuyến tác nghiệp về sau vậy.

Trong rất nhiều câu chuyện buồn, vui tương tự thế, có một chuyện khiến tôi dở khóc, dở cười là lần thâm nhập vào “chợ tình pê đê” ở những quán cà phê đèn mờ khu vực Hồ Con Rùa.

Tối ấy, trong vai một gã “pê” săn tình, sau một lượt chạy xe tà tà quanh hồ, tôi tắp vào một quán cà phê đèn mờ, gọi một chai ken lạnh nhâm nhi một mình, vẻ rất cô đơn.

 Để “thả thính” lôi cuốn, hấp dẫn và cũng là để các chàng “pê” dò sóng, bắt tín hiệu tôi đã tẩm vào bộ cánh của mình loại nước hoa Bleu de Chanel của Pháp với hương thơm đầy quyến rũ.

Đúng như tôi dự đoán, chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút kể từ lúc tôi xuất hiện đã có một “em” đến ngồi bàn bên cạnh và cũng gọi một chai ken độc ẩm. Thấy tôi uống đã lâu, nhưng vẫn chưa có người đối ẩm, “em” đoán chắc tôi cũng đang tìm bạn tâm tình, nên “em” chủ động cầm ly qua bàn cụng, chào xã giao.

Tôi vờ cởi mở hưởng ứng và hỏi: “Em đang chờ bạn, hay cũng đi một mình?”. Dường như câu nói hỏi của tôi đã khiến “em” như thể bắt được sóng, nên đưa mắt thật tình tứ nhìn tôi, giọng ỏn ẻn “Thấy là bít rùi còn hỏi”.

Rồi “em”ngồi xuống ghế cạnh tôi cụng ly tiếp và bắt đầu ỡm ờ những lời nói rất chi là thân thiện, như thể đã quen tôi từ lâu lắm. Miệng nói, tay rờ “em” bảo: “Anh có bộ râu đã quá à, em kết bộ râu rồi đó nghe. Zô zô cạn lắc kêu nha, chầu này em lo”.

Biết đã gặp đúng đối tượng “pê” thuộc hạng nặng, nếu cứ tiếp tục đối ẩm sẽ rất khó dứt ra được, tôi đành vào trong toilet nhắn tin hẹn ông bạn đồng nghiệp khoảng 10 phút nữa điện thoại tới để “giải cứu”.

Căn đúng 10 phút, ông bạn đồng nghiệp điện thoại tới, tôi có cớ để xin lỗi “em” phải đi gấp có công chuyện, hẹn khi khác đối ẩm sau. Rồi tôi kêu nhân viên phục vụ tính tiền mấy chai ken. “Em” có vẻ cụt hứng, tỏ ra khó chịu, miễn cưỡng chia tay tôi.

Sau đó phóng sự “Tôi đi chợ tình pê đê” được đăng hẳn một trang trên Báo Lao động và Xã hội và một vài tờ bán nguyệt san khác.

Đó cũng là một lần thâm nhập thực tế tác nghiệp đáng nhớ, trong suốt hơn 20 năm tôi tham gia viết phóng sự xã hội ở Báo Lao động và Xã hội.  

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh