CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Bước đường cùng của người đàn ông từng hiến thận cứu người

 

Giấu gia đình, người đàn ông hiến thận cứu người

Một ngày đầu tháng 7, tôi về thôn An Thư, xã Trịnh Xá (TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) để tìm đến gia đình anh Mai Hiển Tuấn (SN 1981). Với mỗi người dân thôn An Thư, mỗi khi nhắc đến gia đình anh Tuấn, nhiều người ắt hẳn không giấu được sự cảm phục, xen lẫn vào đó là sự thương cảm, xót xa về câu chuyện anh Tuấn đã tình nguyện hiến tặng một bên thận của mình để cứu sống một người bệnh nhân mà anh chưa từng quen biết.

Ở thôn này, nhiều người ví nghĩa cử cao đẹp của người đàn ông nghèo khó ấy như là việc làm của Bụt, nhân vật chỉ có trong truyện cổ tích xa xưa.

Từ trạm bơm xã Đinh Xá, đi qua con đường bê tông chạy xuyên qua cánh đồng là đến làng An Thư, căn nhà mái ngói của gia đình anh Tuấn nằm thọt lỏm ở vị trí giữa làng với 4 bên là trùng trùng lớp lớp những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát.

Khi tôi tìm đến, anh Tuấn đang ở nhà cùng với 2 người con. Bệnh tật, di chứng sau lần hiến thận khiến cho anh Tuấn nhìn rất nhỏ bé, gầy guộc.

Đưa đôi mắt xa xăm nhìn người khách lạ, anh Tuấn trầm ngâm lật giở từng trang kí ức đau buồn nhưng đầy tự hào của mình. Anh Tuấn sinh ra trong một gia đình thuần nông có 4 anh chị em (2 trai, 2 gái) ở vùng đất quê chiêm trũng An Thư.

 

Căn nhà của gia đình anh Mai Hiển Tuấn. Ảnh: Duẩn.

 

Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lại đông miệng ăn từ nhỏ anh đã không được học hành gì nhiều. Năm 2008, anh Tuấn lập gia đình chị Nguyễn Thị Diệp là một người thôn nữ hiền lành.

Những ngày đầu lấy nhau, mặc dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng do chịu thương, chịu khó nên gia đình anh Tuấn cũng được ấm êm mọi ngả. Cuộc sống bình lặng cứ êm đềm trôi qua trong ngôi nhà nhỏ. Hạnh phúc đong đầy khi liên tiếp vào những năm 2010 và 2012, lần lượt chị Diệp sinh hạ cho anh 2 cháu bé kháu khỉnh (1 trai, 1 gái) là cháu Mai Hiển Nam và cháu Mai Huyền Trang.

Có con nhỏ, kinh tế gia đình vốn chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng chiêm trũng đã khó khăn nay càng bội phần vất vả. Thương vợ con, anh Tuấn lang bạt khắp mọi nơi, làm đủ mọi nghề miễn là có tiền gửi về cho vợ nuôi con.

Kinh tế gia đình chẳng khá giả gì nhưng với bản tính thương người, thỉnh thoảng anh Tuấn vẫn hay đi làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hơn mình.

Tháng 2 năm 2016, con trai anh Tuấn là cháu Mai Hiển Nam mắc bệnh viêm phổi phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội). “Trong thời gian chăm cháu, tôi có được biết đến một người phụ nữ là cô Nguyễn Thị Hạnh (phường Đồng Mai, Hà Đông) bị mắc căn bệnh suy thận mãn tính cấp độ 5 đã hỏng hoàn toàn 2 bên thận.

 

Bản tóm tắt bệnh án điều trị nội trú của anh Tuấn tại Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Duẩn.

 

Qua các bác sĩ, tôi được biết, cách duy nhất để cứu lấy tính mạng của cô Hạnh là phải có thận để ghép. Tuy nhiên, việc tìm người tình nguyện hiến thận vào thời điểm đó là bất khả thi”, anh Tuấn nhớ lại.

Cảm thông trước số phận của người phụ nữ bệnh tật, sau nhiều ngày suy nghĩ, anh Tuấn đã giấu gia đình, quyết định hiến một bên thận trái của mình để cứu lấy tính mạng cô Hạnh.

“Lúc đầu, khi biết tình hình bệnh tật của cô Hạnh, tôi đã gặp trực tiếp gia đình cô và đề nghị được hiến tặng một bên thận. Tuy nhiên, sau đó nghĩ lại, tôi bắt đầu cảm thấy rợn người.

Tôi suy nghĩ nhiều đêm liền, các bác sĩ cũng tư vấn về những ảnh hưởng tới sức khỏe sau khi tôi hiến thận. Mặc dù vậy, tôi tự nghĩ, mình đã cho bệnh nhân một hy vọng sống giờ lại đột ngột lấy đi thì không đành nên tôi đã quyết định hiến một bên thận cho cô Hạnh”, anh Tuấn chia sẻ.

Quyết định hiến một bên quả thận của anh Tuấn vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người thân. Không một ai trong gia đình anh đồng ý cho anh hiến một phần thân thể của mình cho người khác.

 

Giấy ra viện của anh Tuấn sau khi hiến thận tại Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Duẩn.

 

“Mẹ tôi bảo sẽ từ mặt tôi, vợ cũng bảo sẽ bỏ tôi nếu như tôi hiến một bên thận cho cô Hạnh. Mặc dù rất sợ nhưng tôi vẫn quyết tâm làm điều đó để mang lại sự sống cho một người”, anh Tuấn nhớ lại.

Không ngăn cản được quyết định của anh, người thân đành phải kí vào tờ giấy xác nhận hiến tạng để anh có thể hiến một bên thận trái của mình.

Ngày 29/2/2016, sau khi đã hoàn tất toàn bộ thủ tục hiến thận, anh Tuấn nhập viện bắt đầu hành trình mang lại sự sống cho một người phụ nữ mà anh chưa từng quen biết trước đó.

“Trước lúc gây mê, bác sĩ phụ trách ca mổ có hỏi tôi một lần cuối rằng tôi có chắc chắn với việc cho thận không? Họ bảo nếu bây giờ tôi không muốn hiện thận nữa thì vẫn còn kịp vì họ lo sợ những di chứng về sau khi tôi chỉ còn một bên thận. Đến tận lúc cuối cùng đó, tôi vẫn bảo họ rằng tôi không thay đổi quyết định”, anh Tuấn kể lại.

Tâm nguyện cuối của người đàn ông khốn khổ

Kể từ khi mất đi một bên thận, sức khỏe của anh Tuấn giảm sút đi rõ rệt. Từ một người thanh niên khỏe mạnh, “bao thóc 60kg bế một phát lên” bây giờ anh Tuấn chỉ có thể quanh quẩn làm được những việc vặt trong nhà như nấu cơm, quét dọn nhà cửa.

Công việc nặng nhất mà anh có thể làm được từ khi đi hiến thận về cũng chỉ là dọn cỏ ở ruộng lúa. Sức khỏe của anh cũng tụt dốc không phanh, anh không thể đi làm thuê được như trước, các con lại thường xuyên đau ốm liên miên, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ.

“Khi ra viện, vợ chồng cô Hạnh có đưa cho tôi 20 triệu và nói rằng để bồi dưỡng nhưng tôi nhất định không nhận. Ở đó được một thời gian, tiếp xúc với gia đình cô ấy nhiều nên tôi biết cô ấy cũng chẳng khá giả gì. Mỗi tháng đều phải mất mười mấy triệu để nuôi thận.

 

Anh Mai Hiển Tuấn tâm sự với PV. Ảnh: Duẩn.

 

Sau khi cho thận xong, bản thân tôi cũng phải dùng thêm đạm sữa thường xuyên để bổ sung chất. Thời gian đầu, gia đình cô ấy còn bao tiêu sản phẩm để tôi dùng nhưng rồi được hơn 1 năm, chắc do kinh tế khó khăn quá nên cô ấy cũng không gửi về nữa.

Giá thành đạm sữa lại quá cao nên kể từ đó đến nay tôi hầu như không dùng. Sức khỏe cũng theo đó mà giảm xuống rõ rệt”, anh Tuấn chia sẻ.

Cuộc sống nghèo khó, bệnh tật liên miên, không có sức khỏe để làm việc, kể từ đó vợ chồng anh Tuấn lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Từ một người vợ hiền lành, chị Diệp bỗng dưng đổi tính, chị hay buông những lời cay nghiệt với việc làm của chồng. Đã rất nhiều lần, chị Nguyễn Thị Diệp, vợ anh Tuấn đã bỏ lại chồng con khăn gói ra đi.

 

Vết mổ còn lại sau khi hiến quả thận bên trái trên cơ thể anh Tuấn. Ảnh: Duẩn.

 

Lần gần nhất chị Diệp bỏ các con đi vào Nam hơn 3 tháng. Thương các con ở nhà vất vả, bản thân không làm lụng gì được nên anh Tuấn đã vay mượn khắp nơi được 2 triệu, lê thân thể tàn tạ bắt xe vào Nam thuyết phục vợ trở về nhà để chăm sóc cho các con.

“Khi vào đến đó là đúng 2h sáng, tôi chờ cô ấy thì bọn nghiện đến xin tiền rồi lấy đi chiếc điện thoại. Mất đồ liên lạc, tôi phải vất vả lắm mới gặp được vợ. Cũng may, sau khi nghe tôi giãi bày, cô ấy cũng đồng ý theo tôi về”, anh Tuấn nhớ lại.

Có lẽ, nỗi đau về mặt thể xác với những trận đau thắt bụng dữ dội, cũng chẳng thể nào sánh bằng những tổn thương về mặt tinh thần từ miệng lưỡi nhân gian.

“Được một thời gian thì dân làng biết việc con tôi mất một bên thận. Tuy nhiên, họ bảo rằng nó đã bán thận để lấy tiền ăn chơi. Suốt một thời gian dài sau đó, gia đình tôi phải hứng chịu những lời lẽ cay độc từ miệng lưỡi nhân gian”, bà Mai Thị Yến, mẹ anh Tuấn nghẹn ngào tâm sự.

 

Bà Mai Thị Yến chia sẻ về hoàn cảnh của người con trai. Ảnh: Duẩn.

 

Nỗi bất hạnh chưa dừng lại ở đó khi thời gian vừa qua, khi đi khám bệnh, anh Tuấn được các bác sĩ thông báo mình bị mắc ung thư thượng đòn. Căn bệnh quái ác đến bất ngờ khiến cả gia đình anh như chết lặng.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, những giọt nước mắt thỉnh thoảng của người đàn ông 36 tuổi khốn khổ thỉnh thoảng lại rơi xuống lã chã. Lại một lần nữa, anh tự giận bản thân mình khi trở thành gánh nặng cho gia đình.

Chia tay anh Tuấn, trong lòng tôi không khỏi dâng lên những xúc cảm. Tôi vẫn còn nhớ như in tâm nguyện sau cùng của người đàn ông khốn khổ. Anh bảo, bây giờ, điều anh mong muốn duy nhất là cho hai đứa con thơ dại được học hành đến nơi đến chốn.

“Có khi tôi phải bán căn nhà này đi để lấy tiền trả nợ và lo cho hai cháu ăn học tử tế. Thời gian tới, tôi sẽ lên Hà Nội để hoàn thiện thủ tục hiến tạng khi tôi qua đời. Tôi muốn khi mình chết đi rồi, những bộ phận trên cơ thể mình sẽ có thể cứu sống được cho những người khác”, người đàn ông khốn khổ tâm sự trong nước mắt.

 

Cháu Mai Hiển Nam, con trai anh Tuấn. Ảnh: Duẩn.

 

Trao đổi với PV, đại diện UBND xã Trịnh Xá xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Mai Hiển Tuấn.

“Gia đình anh Tuấn thuộc hộ đặc biệt khó khăn tại xã, bố mất vì căn bệnh hiểm nghèo, người chị gái cũng bị ung thư máu, các con lại còn quá nhỏ, kinh tế gia đình trông chờ vào 2 sào ruộng.

Tại địa phương, anh Tuấn là người hiền lành, chịu khó và tốt bụng. Hiện tại, anh Tuấn do cứu người nên sức khỏe giảm sút, UBND xã cũng rất mong các cơ quan đoàn thể có thể giúp đỡ để gia đình anh vơi đi phần nào gánh nặng”, vị này cho hay.

 

Đơn trình bày việc mình hiến thận để cứu người chứ không phải bán thận để lấy tiền ăn chơi của anh Tuấn. Ảnh: Duẩn.

 

Cùng ngày, PV cũng có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội), người đã được anh Tuấn hiến tặng một bên thận. Nói về người ân nhân, bà Hạnh không giấu được sự xúc động.

“Cậu Tuấn là ân nhân của gia đình tôi, nếu không có cậu ấy, không biết tôi có còn được sống đến bây giờ nữa không. Từ khi cậu ấy hiến thận cứu tôi, gia đình chúng tôi cũng thỉnh thoảng đến hỏi thăm, giúp đỡ cậu ấy.

Tuy nhiên, biết gia đình tôi cũng khó khăn nên hầu như mọi sự giúp đỡ cậu ấy đều từ chối hết. Tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói khi cậu ấy hiến tặng quả thận cho tôi. Cậu ấy bảo: “Giờ một phần thân thể cháu đã nằm trong cô, cháu không hối hận bất cứ điều gì mình đã làm. Chỉ mong cô hãy sống thật tốt để xứng đáng với những gì cháu đã làm””, bà Hạnh nghẹn ngào chia sẻ.

Hiện tại, gia đình anh Tuấn rất khó khăn và cần sự giúp đỡ của các cá nhân, tập thể. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ; Mai Hiểu Tuấn thôn An Thư, xã Trịnh Xá (TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) hoặc liên hệ theo số điện thoại: 02439068686.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh