THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:45

Chuyện kết có hậu của người mẹ hiến tạng con trai mình

 

Cuộc đời cơ cực của một người mẹ

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm về xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội để gặp gỡ bà Cấn Thị Ngần – người mẹ cách đây một năm đã quyết định hiến thận, tim, gan và giác mạc của đứa con trai xấu số để cứu 5 người khác. Việc làm của bà là một điều hy hữu đối với một người phụ nữ ở vùng quê. Vì vậy bà đã phải chịu đựng bao nhiều lời bàn tán ra vào. Người thì cảm phục trước hành động nhân văn của bà Ngần, nhưng cũng không ít kẻ độc miệng cho rằng như vậy "con bà chết không toàn thây", rồi còn có người hỏi thẳng bà: “Bà có nằm mơ thấy con bà về kêu thiếu bộ phận nào trong cơ thể không?” hay có những ngường bóng gió nói rằng hiến như vậy chắc bà được nhiều tiền lắm…

Gặp được bà rồi, chúng tôi mới thấy đằng sau bóng dáng người phụ nữ nông thôn nhỏ bé là một người mẹ kiên cường, dũng cảm như thế nào. Bởi không phải người phụ nữ nào cũng dám quyết định, vượt qua định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức để đi đến quyết định như vậy, nhất là với những người dân sống ở các làng quê

Kể về cuộc đời mình đầy bi kịch của mình, bà Ngần cho biết, năm 1991, cuộc sống gia đình đang hạnh phúc, ổn định thì chồng bà đột ngột qua đời, khi ấy cậu con trai lớn nhất của bà mới tròn 10 tuổi, cô con gái thứ 2 mới 7 tuổi và còn cậu con trai út lên 5 tuổi. Vừa đảm đương trọng trách của một người cha và vai trò của một người mẹ, bao gánh nặng cuộc sống đổ hết lên đôi vai bà. Cuộc sống nông thôn, ngoài công việc đồng áng, những ngày nông nhàn bà Ngần phải tranh thủ đi làm thuê, làm mướn khắp các xã lân cận để có đủ các ăn, cái mặc cho các con. “Cũng vì thương con, sợ con tủi thân mà tôi không bao giờ có ý định đi bước nữa. Mấy mẹ con dựa vào nhau mà sống, rau cháo qua ngày. Chỉ mong các con lớn khôn nên người, lập gia đình riêng, có hạnh phúc là tôi mừng lắm rồi. Nhưng cái số tôi khổ nên những bất hạnh vẫn chưa buông tha gia đình tôi” – bà Ngần đôi mắt đỏ hoe kể.

 

Cuộc gặp gỡ giữa bà Cấn Thị Ngần và những người con mới tại Chương trình điều ước thứ 7.

 

Ba người con của bà Ngần thì 2 đã được dựng vợ gả chồng. Những tưởng chẳng còn phải lo gì cho con thì năm ngoái con rể không may qua đời, con gái bà một mình chăm sóc hai con nhỏ và bố mẹ chồng. Nói đến đây bà Ngần không cầm được nước mắt: "Còn thằng Trịnh Đình Vàng rất ngoan, hiểu mẹ và sống rất tình cảm. Để chuẩn bị cho nó cưới vợ tôi đã vay mượn để xây căn nhà mới nhưng không ngờ tai họa đã ấp đến. Hôm đó, sau bữa cơm tối, nó ngồi lên lan can trần nhà hóng mát ngủ gật rồi bị rơi xuống sân. Đưa con cấp cứu đến bệnh viện 103 với hy vọng thằng Vàng sẽ tai qua, nạn khỏi. Nhưng bác sĩ  thông báo, não của Vàng đã chết và không thể cứu chữa được nữa” .

Bà Ngần lặng người, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Nhìn đứa con rứt ruột đẻ ra, bao năm nuôi ăn học đủ đắng cay cơ cực, chưa ngày báo hiếu cha mẹ giờ đây nằm bất động, bà càng đau đớn. Sau hai tiếng đồng hồ khóc cạn nước mắt cạnh con, bà Ngần được bác sỹ mời vào một căn phòng để nói chuyện. Vị bác sỹ chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình và nói cho bà Ngần mục đích cao cả của việc hiến tạng vì rất nhiều người đang sống mòn mỏi vì bị suy gan, thận, hỏng giác mạc… cần được ghép tạng để cứu sống.

Lúc đầu, bà Ngần nghĩ cơ thể con trai bà đang nguyên vẹn, trái tim người mẹ, phong tục từ trước tới nay không cho phép ai được mổ xẻ ra. Hơn nữa, thâm tâm bà vẫn hi vọng, có một phép màu nào đó sẽ giúp con bà tỉnh lại. Ngồi lặng lẽ bên con nhưng trong tâm can bà là một sự giằng xé đấu tranh tư tưởng. Nhưng hình ảnh những ông bố, bà mẹ, người thân của những người bệnh đang từng ngày héo mòn héo mòn mong mỏi có một ngày người thân của mình được cứu sống nhờ ghép tạng cứ day dứt trong bà.

Không thể so sánh với mất mát bản thân mình đang gánh chịu nhưng dẫu sao, bà Ngần biết họ còn có hi vọng, vì chỉ cần chờ được tạng phù hợp thì phép màu sẽ đến. Và nếu, bà Ngần hiến tạng con trai theo lời thỉnh cầu của bác sỹ thì sẽ cứu giúp được nhiều người, hơn hết, từng phần cơ thể của anh Vàng vẫn sẽ sống mãi với người được hiến. Nghĩ đến điều ấy, bỏ mặc ngoài tai những lời phản đối, bà Ngần âm thầm ký vào giấy hiến đa tạng con trai mình với một tâm niệm từ trái tim “cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”; “hiến tạng có nghĩa con mình vẫn còn sống”; “ở nơi suối vàng con trai bà sẽ ủng hộ việc làm của bà”.

 

Bà Ngần kể về câu chuyện cuộc đời mình.

 

Sự sống hồi sinh ở 5 đứa con mới

Sau khi có được sự đồng ý của bà Ngần, tạng của Vàng đã được cấy ghép và cứu sống 5 người khác. Nghe tin đó, bà Ngần rất mừng, và thầm mong ước, một ngày nào đó được gặp lại những người đang mang trong mình một phần cơ thể của con trai bà xem họ sẽ sống khoẻ mạnh như thế nào. Tuy nhiên, do quy định của luật hiến ghép tạng, các y bác sĩ không thể cung cấp liên lạc và thông tin của người cho tạng và người nhận tạng.

Cuối cùng tấm lòng nhân hậu của bà Ngần đã đến đáp xứng đáng. Một tháng sau ca ghép tạng thành công đã có gia đình một bệnh nhân được ghép tạng tìm về gia đình bà Ngần để bày tỏ lòng cảm ơn làm bà vơi đi phần nào nỗi đau mất con. Đó chính là anh Nguyễn Xuân Hưng ở Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội, bị bệnh giác mạc chóp bẩm sinh ở cả hai mắt nên khả năng mù lòa rất cao nếu không tìm được giác mạc thay thế phù hợp. Nhờ phần giác mạc của con trai bà Ngần mà giờ đây một bên mắt của anh Hưng đã có thể nhìn thấy ánh sáng như người bình thường.

Rồi duyên số đã đẩy đưa, người lính biển Nguyễn An Tiến, quê Quảng Bình – người đang mang trong lồng ngực trái tim của con trai bà Ngần đã đọc những mong ước của bà Ngần để một lần nữa người mẹ mất con lại có thêm niền an ủi. Bà Ngần kể lại, câu nói trong cuộc điện thoại đầu tiên mà Tiến gọi cho bà là : “Mẹ là người thứ hai cho con sự sống”, lúc ấy bà chỉ biết khóc nức nở và đáp lại: “Con khoẻ mạnh là mừng, đừng suy nghĩ gì nhiều”. Đó chính là lúc bà Ngần cảm thấy như được gặp lại chính đứa con ruột của mình sau 3 tháng xa cách.

Và mới đây, đáp ứng ước nguyện của bà, chương trình điều ước thứ 7 đã tổ chức cuộc gặp mặt giữa bà Ngần và những người nhận hiến tạng. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy xúc động mọi người chỉ ôm nhau rồi khóc nức nở. Sau chương trình cả 5 người: Hậu, Cương, Tiến, Thuỷ, Hưng đều đã nhận bà Ngần là mẹ. Từ đó trở đi, dù ở nơi xa xôi, nhưng không lúc nào những người con mới của bà không dõi theo những bước chân bà. Bà Ngần xúc động kể: “Hôm nào cũng có đứa gọi điện hỏi thăm tình hình sức khoẻ của mẹ. Ông trời đã lấy đi của tôi đứa con trai út nhưng bây giờ ban lại cho tôi 5 người con mới. Đó là niềm an ủi lớn nhất của cuộc đời tôi, để tôi có thể vơi đi nỗi buồn”.

 

Bà Ngần trò chuyện qua điện thoại những người con mới.


Chia sẻ về cuộc sống của những người con mới, bà Ngần cho biết, mặc dù được ghép tặng, nhưng sức khỏe họ còn rất mong manh. Bao nhiêu năm chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo nên hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhất là đối với Tiến. Nhà Tiến ở huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình suốt năm chống chọi với mưa lũ, 2 con nhỏ thường xuyên ốm đau, một mẹ già đã 85 tuổi, mấy năm trời Tiến bệnh tật cuộc sống rất khó khăn. “Trong số những người con mới tôi có tình cảm nhất với Tiến. Tôi chỉ mong có một công việc ổn định để phụ giúp Tiến nuôi con nhỏ và chăm sóc mẹ già, giúp Tiến vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống” – bà Ngần chia sẻ.

Gần một năm kể từ ngày bà ký giấy đồng ý hiến tạng con, chia sẻ lại câu chuyện, bà Ngần cười bảo: “Từ khi quyết định hiến tạng con trai, chưa một phút nào tôi hối tiếc. Mỗi khi nhớ con, tôi có niềm an ủi khi nhiều mảnh đời được hồi sinh từ quyết định của mình. Nếu tôi không hiến tạng thì con tôi cũng sẽ trở thành cát bụi. Nhưng giờ đây, con tôi chỉ mất đi thể xác còn sự sống của con vẫn còn tồn tại trên cõi đời này”.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh