THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:21

Bức xúc vụ án “dân kiện quan” ở Thái Nguyên

Bài 2: tòa án nhân dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật tố tụng hành chính 

Những bất thường trong phiên tòa?

 Được biết, TANDTP Thái Nguyên là cơ quan thụ lý xử lí đơn khởi kiện của ông Vũ Đức Bình ngày 24/7/2013, vụ án hành chính số 05/2013/TLST-HCST. Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa vụ việc này là bà Nguyễn Thị Thủy.

Luật sư Dương Văn Đích (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - người được gia đình nguyên đơn ủy quyền hợp pháp cho biết: Theo Điều 117 Luật Tố tụng Hành chính năm 2010, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải (và chỉ có thể) được ban hành “trong thời hạn chuẩn bị xét xử” quy định tại khoản 1 Điều 117? Cũng chiếu theo Điều 117 thì quyết định đưa vụ án ra xét xử vụ án hành chính số 05/2013/TLST-HCST của TANDTP.Thái Nguyên phải (và chỉ có thể) được ban hành trong thời hạn tối đa là 6 tháng kể từ ngày thụ lý (24/7/2013).

Thực tế, “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” số 04/2015/QĐST-HC nêu trên được ban hành ngày 27/4/2015 (sau hơn 20 tháng kể từ ngày 24/7/2013 - ngày thụ lý vụ án hành chính số 05/2013/TLST-HCST nêu trên). Vậy “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” nêu trên trái với quy định tại Điều 117 Luật Tố tụng Hành chính năm 2010.

Theo chứng lí mà luật sư khẳng định, từ việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng “Thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ dẫn đến có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thời hạn giải quyết vụ án?” Trong phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND TP Thái Nguyên cũng cho rằng, vụ án có sự vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử tại Điều 117 Luật Tố tụng Hành chính.

Phần tranh tụng trong phiên tòa diễn ra hết sức căng thẳng, ông Vũ Đức Bình hai lần phải nhập viện vì cao huyết áp, khó thở. Khi phiên tòa được mở ngày 19/6/2015, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 04/2015/QĐST-HC ngày 27/4/2015 nêu trên, luật sư theo ủy quyền hợp pháp của nguyên đơn, ông Dương Văn Đích tại phiên tranh tụng có đặt ra câu hỏi cho Hội đồng xét xử, phiên tòa có hợp pháp hay không? Tuy nhiên, phiên tòa liên tiếp trì hoãn vì căng thẳng, đặc biệt do sức khỏe ông Vũ Đức Bình phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 19/6, người bị kiện là UBND TP Thái Nguyên, đại diện ủy quyền là ông Nguyễn Văn Tuệ, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường TP Thái Nguyên. Trong phần xét hỏi, trước những câu hỏi của luật sư nguyên đơn, câu hỏi liên quan đến pháp lí nào để thu hồi, hủy sổ đỏ, ông Tuệ tỏ ra lúng túng và trả lời lan man, lảng tránh không đúng trọng tâm của câu hỏi. Thậm chí vị này còn cậy quyền lớn tiếng hỏi ngược lại luật sư, khiến người tham dự phiên tòa hết sức bức xúc.

Phiên tòa diễn ra trong không khí căng thẳng, trước sự tham gia chứng kiến của đông đảo người liên quan và người dân quan tâm đến vụ việc. Đặc biệt, điều khó hiểu khi phiên tòa diễn ra, trước những câu hỏi ông Tuệ khó trả lời thì Chủ tọa phiên tòa lại không ít lần xin tòa “nghỉ ít phút” để hội ý ??? Một điều lạ, khi một phiên tòa hành chính xét xử công khai, nhưng thẩm phán, Chủ tọa phiên toà là bà Nguyễn Thị Thủy lại có dấu hiệu “lạm quyền”;  “Chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định mọi vấn đề”. Trong đó có việc bất chấp quyết định, ngăn cấm người dự tòa ghi âm, kể cả nhà báo tác nghiệp... Sáng 22/6, ông Vũ Đức Bình do quá căng thẳng và bức xúc nên đã tăng huyết áp đột ngột, đau đầu, không nói được bình thường và tăng nhịp tim đột ngột, gia đình phải khẩn cấp đưa ông Bình đến bệnh viện điều trị.

Cơ quan bảo vệ pháp luật có vi phạm luật?

 Theo trình bày của bà Vũ Thị Liên: Ông Vũ Đức Bình không nhận được Giấy triệu tập tham gia phiên tòa ngày 20/5/2015. Phải chăng TAND TP Thái Nguyên không triệu tập (Người khởi kiện-Vũ Đức Bình) tham gia phiên tòa ngày 20/5/2015? Việc này có lý do, mục đích gì không?

Bà Liên bức xúc: “Việc anh trai tôi (Vũ Đức Bình) khiếu nại Quyết định (“Quyết định đưa vụ án ra xét xử” Số 04/2015/QĐST-HC) đưa vụ án ra xét xử là cần thiết và là quyền hợp pháp của chúng tôi trên cơ sở tôi biết về Quyết định này. Quyết định đưa vụ án ra xét xử là khác với Giấy triệu tập tham gia phiên tòa. Thực tế là tôi không nhận được Giấy triệu tập tham gia phiên tòa ngày 20/5/2015. Vậy Tòa án có triệu tập tôi tham gia phiên tòa ngày 20/5/2015 hay không? Có bằng chứng nào chứng minh việc triệu tập này?

Tại phần tranh luận trong buổi xét xử chiều 24/6/2015, ngay sau ý kiến tranh luận của luật sư Dương Văn Đích, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, đã yêu cầu Hội đồng xét xử cho trực tiếp tranh luận (tôi không ủy quyền cho người khác). Tuy nhiên, do sức khỏe ngay tại thời điểm đó không ổn định và tôi phải vào bệnh viện để tiêm theo lịch của bác sỹ nên tôi đã đề nghị, yêu cầu, xin phép Hội đồng xét xử cho tôi tạm nghỉ 15 phút để vào bệnh viện tiêm và sau đó sẽ tiếp tục thực hiện quyền tranh luận hợp pháp của tôi tại phiên tòa. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử đã không chấp nhận đề nghị, yêu cầu tạm nghỉ 15 phút đó của ông Bình. Có dấu hiệu Chủ tọa phiên tòa cố tình hạn chế quyền tranh luận hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa?

Ảnh: Phiên tòa xét xử có nhiều dấu hiệu bất thường?.

Ngay sau đó, Chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Đây là việc làm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hành chính xâm phạm và gây thiệt hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án hành chính số 05/2013/TLST-HCST tại TAND TP Thái Nguyên? Việc Chủ tọa phiên tòa hạn chế quyền tranh luận của bên nguyên đơn là có dấu hiệu trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên nguyên đơn. Tại phiên tòa và trong vụ án hành chính số 05/2013/TLST-HCST. “Tôi không đồng ý với Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử về việc hạn chế quyền tranh luận này, vì quyền tranh luận của đương sự là một trong những quyền tố tụng quan trọng nhất”, luật sư Đích cho biết thêm.

Đặc biệt, sự việc khiến nguyên đơn và người dân tham dự phiên tòa bức xúc chính là phần tuyên án có phần  “khuất tất” của TAND TP Thái Nguyên. Luật Tố tụng Hành chính tại Điều 140 về Biên bản phiên toà quy định: Ngay sau phần tuyên án của TAND TP vào buổi sáng  30/6/2015, nguyên đơn đã yêu cầu Chủ tọa, Hội đồng xét xử cho xem biên bản phiên tòa ngay lúc đó vì biên bản phiên tòa là một trong những tài liệu rất quan trọng trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa đã không chấp nhận ngay khi tuyên án xong mà phải đến khi gia đình và luật sư yêu cầu Chánh án can thiệp thì chúng tôi mới được xem “biên bản phiên tòa” (bản chưa có chữ ký của Chủ tọa và Thư ký)?

“Thời gian chúng tôi được xem biên bản phiên tòa bị ngắt quãng như sau: Một phần buổi sáng và một phần buổi chiều ngày 30/6/2015, một phần ít buổi chiều ngày 1/7/2015 (sau 16 giờ). Chúng tôi không biết vì sao TAND TP Thái Nguyên lại sắp xếp việc xem biên bản phiên tòa của chúng tôi như vậy? Có gì bất thường trong việc này hay không?”, bà Vũ Thị Liên bức xúc.

Theo trình bày của bên nguyên đơn, đến nay quyền xem biên bản phiên tòa và yêu cầu ghi sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa của chúng tôi chưa được TAND TP Thái Nguyên giải quyết và đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Nội dung bản “dự thảo” “biên bản phiên tòa” mà chúng tôi được đọc còn thiếu nhiều nội dung quan trọng, không đúng, không được phản ánh rõ ràng? Có dấu hiệu biên bản phiên tòa không phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung, diễn biến phiên tòa? Vậy ở đây có gì bất thường hay không? Chúng tôi đã yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà và ký xác nhận nhưng không được Tòa án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, có dấu hiệu quyền xem biên bản phiên tòa và yêu cầu ghi nội dung sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa của bên nguyên đơn đã bị cản trở và đã bị xâm phạm trái pháp luật?

“Chúng tôi chỉ muốn và chỉ yêu cầu phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan mọi diễn biến phiên tòa vào biên bản phiên tòa nhưng có dấu hiệu Chủ tọa, Hội đồng xét xử đã không giải quyết theo đúng quy định của pháp luật? Vậy diễn biến phiên tòa có gì bất thường hay không, rất mong các cơ quan chức năng xử lí thấu tình đạt lí?”, ông Vũ Đức Bình bày tỏ.

Theo luật sư Dương Văn Đích (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Quyết định đưa vụ án ra xét xử là cơ sở pháp lý quan trọng của phiên tòa và từ đó là cơ sở pháp lý quan trọng của bản án, quyết định của Tòa án trong vụ án? Nếu quyết định đưa vụ án ra xét xử không hợp pháp thì “phiên tòa” dựa trên cơ sở đó không hợp pháp và “bản án”, “quyết định” của Tòa án được đưa ra tại phiên tòa đó cũng là không hợp pháp? Hơn nữa, bản án, quyết định hợp pháp của Tòa án là nhân danh Nhà nước. Do đó, tính hợp pháp của bản án, quyết định của Tòa án là vấn đề pháp lý quan trọng cần được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật...

Nhóm PVPL

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh