THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:50

TT điều dưỡng thương binh nặng và NCC Long Đất nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

BS Tống Đức Binh, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng và người có công Long Đất

- Xin ông cho biết đôi nét về quá trình xây dựng và hoạt động của Trung tâm trong thời gian qua?

- BS Tống Đức Bình: Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng và người có công Long Đất thuộc Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH được thành lập vào tháng 7/1977. Thời kỳ đầu mới thành lập, Trung tâm nuôi dưỡng gần 500 thương bệnh binh của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Khi ấy, điều kiện cơ sở vật chất còn thô sơ, đội ngũ phục vụ ít. Do vậy, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý thương bệnh binh gặp nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn.

Hiện nay, Trung tâm nuôi dưỡng, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho 58 thương bệnh binh của 20 tỉnh, thành trong cả nước. Thương bệnh binh qua 2 thời kỳ: Thời kỳ chống Mỹ và thời kỳ bảo vệ biên giới Tây Nam. Thương binh cao tuổi nhất gần 80 và có 10 thương binh nữ.

Thương binh của Trung tâm là thương binh nặng 1/4 tỷ lệ thương tật trên 81%, có vết thương đặc biệt như vết thương cột sống gây liệt hoàn toàn 2 chi dưới, có 18 thương binh có vết thương sọ não gây rối loạn tâm thần, một số thương binh có vết thương cắt cụt chi thể, vết thương bụng, vết thương ngực, vết thương hòa khí gây hỏng hoàn toàn 2 mắt…

Hiện giờ, với sự cải thiện của hệ thống chính sách và với nhiều nỗ lực của đội ngũ bác sĩ, nhân viên của Trung tâm, đời sống vật chất, tinh thần của thương bệnh binh ở đây đã cải thiện nhiều. Tuy nhiên, từng ngày từng giờ, trong giấc ngủ, bữa ăn, những vết thương xưa vẫn tái phát, thương bệnh binh vẫn phải gồng mình chống đỡ những cơn đau. Vì thế, chúng tôi tâm niệm là phải luôn cố gắng làm những gì tốt nhất có thể để đảm bảo cho thương bệnh binh có cuộc sống ổn định, đầy đủ nhất.

- Xin ông cho biết rõ hơn về những nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ và nhân viên của Trung tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình?

- Chúng tôi nghĩ rằng, các thương bệnh binh không chỉ hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu, mà còn phải hy sinh cả tình cảm gia đình, tình cảm quê hương. Có nhiều thương binh nặng thời gian nằm trên giường bệnh, bệnh viện nhiều hơn thời gian ở với gia đình; nhiều thương binh do vết thương thường xuyên tái phát mà 10 năm, 20 năm chưa về thăm gia đình, quê hương, sống độc thân cùng Trung tâm, coi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là quê hương thứ 2, coi Trung tâm là mái nhà chung. Ở đây có tình cảm đồng đội, tình cảm quê hương, tình cảm anh em…

Chính vì thế, trải qua 41 năm, qua các thế hệ, thời kỳ khác nhau, cán bộ nhân viên Trung tâm luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi coi đó không chỉ là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà còn là một vinh dự lớn.

Trong những năm qua, Trung tâm là một khối thống nhất, đoàn kết, đồng sức đồng lòng tận tâm phục vụ thương bệnh binh. Cán bộ nhân viên luôn xác định rõ công việc của mình ngoài trách nhiệm còn phải có tình thường, sự chia sẻ, thấu hiểu…

- Với trách nhiệm lớn lao như vậy, hẳn công việc của đội ngũ bác sĩ, cán bộ, nhân viên của Trung tâm gặp không ít khó khăn?

- Khó khăn đáng kể nhất, đó là tuổi đời thương binh cao, tình trạng thương tật nặng, diễn biến ngày càng phức tạo, vết thương thường xuyên tái phát, đòi hỏi sự chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên. Mặc dù đã được Bộ LĐ-TB&XH, Cục Người có công quan tâm, song cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho mục đích thâm khám điều trị cho thương bệnh binh vẫn hạn chế. Bên cạnh đó, việc làm của vợ, con thương bệnh binh không ổn định, chủ yếu làm nghề tự do với thu nhập thấp.

BS Giám đốc Tống Đức Bình cùng BS Trần Thị Nhung trò chuyện với bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Trung tâm

Một khó khăn nữa, đó là do đơn vị ở cách xa khu trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa nên về giao thông, phương tiện đi lại, ăn ở, sinh hoạt của thương binh vẫn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, vì tình trạng thương tật nặng, sức khỏe yếu nên khả năng hội nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội của thương bệnh binh còn hạn chế.

Để khắc phục được những khó khăn trên, đội ngũ bác sĩ, cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã phải chấp nhận rất nhiều gian khổ, hy sinh. Mọi người phải tự lo liệu thu xếp công việc gia đình cho ổn thỏa để có nhiều thời gian, tâm trí và sức lực phục vụ thương bệnh binh. Nhiều bác sĩ, cán bộ, nhân viên đã phải tìm mọi cách để không ngừng trau dồi về chuyên môn, nâng cao tay nghề, rèn luyện các kỹ năng để có thể phục vụ thương bệnh binh một cách tận tâm và chu đáo nhất.

- Ông có những đề xuất, kiến nghị gì nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm trong thời gian tới?

- Trước hết, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, Chính phủ tạo điều kiện về mọi mặt, quan tâm hơn đến đời sống của gia đình, vợ con thương bệnh binh; giúp thương binh ngày càng cải thiện hơn về đời sống tinh thần và vật chất; tạo điều kiện giải quyết việc làm cho con của một số thương binh có hoàn cảnh khó khăn. Bổ sung thêm khoản phụ cấp đặc biệt đối với thương binh nặng.

Chúng tôi cũng đề nghị để Trung tâm được tiếp nhận nuôi dưỡng tăng thêm số lượng đối tượng Người có công.

Một mong muốn nữa, đó là đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ tạo điều kiện quan tâm đến đời sống của cán bộ, nhân viên các Trung gâm nuôi dưỡng Người có công; có biện pháp hỗ trợ hoặc tăng thêm trợ cấp, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên và người làm công tác trực tiếp với đối tượng Người có công; mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần của các ban, ngành, đoàn thể, các cá nhân trong và ngoài nước đóng góp để hỗ trợ đời sống thương bệnh binh cũng như cán bộ, nhân viên Trung tâm.

- Xin cảm ơn ông!

VIỆT HÙNG (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh