THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:23

Bóng thời gian trong nhạc Trịnh Công Sơn

Không phải riêng mình tôi, mà có lẽ, rất nhiều người yêu nhạc Trịnh đã nghe nhạc của ông, dù trong tâm trạng khác nhau nhưng vẫn cảm nhận bóng thời gian đầy khắp, như thời gian đã và đang tàn phai, cả sự nuối tiếc lẫn ngóng trông, thực tại và hướng vọng thiên thu…

Thời gian trong nhạc Trịnh  thường quá rộng “Ta về nơi đây tháng năm quá rộng” (Khói trời mênh mông) nhưng có khi quá hẹp và ngắn “Ngựa xa rồi, ngựa xa trên ngày tháng vơi” (Phúc âm buồn) và “Mấy lần thu sang/ Công viên chiều qua rất ngắn” ( Nhìn những mùa thu đi) .

 Như phân tích của nhà Phê bình Bùi Văn Vĩnh, Trịnh Công Sơn là người luôn ý thức được bước đi của thời gian. Đối với ông, thời gian đi quá nhanh, để lại tất cả những gì tươi đẹp trong đời này, cả sự phai úa và tàn héo. Nhìn vào hiện tượng thiên nhiên nào trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn cũng thấy ẩn giấu trong đó những hạt mầm của sự phai tàn. Và, nhìn vào hiện tượng nào ông cũng không thoát khỏi hạt mần tàn phai này, như “Nhìn lá rụng ngoài song” ông cũng “Nghe tên mình vào quên lãng”,  hay “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong mắt” (Nhìn những mùa thu đi).

Mấy ai khi nghe “Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay” và “Tuổi nào ngồi khóc tình đã ngàn thu”( Còn tuổi nào cho em) mà không suy ngẫm về thời gian? Tác giả đã sáng tác trong đau đớn, xót xa với thời gian phai tàn mất mát. Tất cả trôi ngoài tầm tay của người nghệ sĩ, để lại nỗi xót xa, nuối tiếc.

Vâng, Trịnh Công Sơn đã bộc lộ nuối tiếc của mình trước những nét hồng, nét đẹp của cuộc đời phai tàn nhanh bởi bóng thời gian. Trịnh vẫn biết đó là hệ quả tự nhiên, nhưng những cơn nuối tiếc vẫn ào ạt đến bên ông  không cưỡng lại, để rồi “Lòng như khăn mới thiêu”, “Lòng như nắng qua đèo” và “Có lần bàn chân qua phố thấy người sóng lao xao bờ tôi” (Có một dòng sông đã qua đời)… Sự nuối tiếc qua nhạc Trịnh không mang đến cảm giác cay đắng, tiêu cực cho người nghe, dù đôi khi có chút xót xa bởi “Người đã đến và người sẽ về bên kia núi”, hay “Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời/ Như một lời chia tay” (Như một lời chia tay)

Tiếc nuối thời gian đã qua, dù biết thời gian sẽ chóng tàn phai, thời gian sẽ biến mất như một chiếc bóng, nên Trịnh biết sống vội vã và sắp xếp hành trang của mình cho một cuộc lên đường “Về thu xếp lại/ Ngày trong nếp ngày. Vội vàng thêm những lúc yêu người” (Chiếc lá thu phai). Trịnh đã thiết tha kêu gọi mọi người yêu thương nhau: “Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui” (Hãy yêu nhau đi) hay “Cuộc đời đó có bao nhiêu lâu mà hững hờ”- (Mưa hồng). Bởi, ông nghĩ cuộc đời ngắn ngủi, bóng thời gian hiện tại sẽ qua mau nếu vụt mất bóng này, chỉ để lại nỗi hối tiếc về sau. Và, bản thân Trịnh Công Sơn cũng biết rằng, chỉ có hiện tại mới đem lại cho ông nguồn vui sống: “Có lần tôi đứng ngắm xôn xao rất nhiều lời/ Một loài chim mới đến, vui như nắng ban mai”  (Môi hồng đào) hay “Còn tìm thấy quanh đây tình người/ còn tìm thấy bao nhiêu lời mời gọi/ Những tâm hồn xanh lá” (Tình yêu tìm thấy).

Niềm vui của ông luôn chất chứa nỗi ngóng trông: “Chiều nay còn mưa sao em không lại/ Nhớ mãi trong cơn đau vùi” (Diễm Xưa), hay “Ta vẫn mong, ta chờ mãi trên từng ngày quạnh hiu/ Ta vẫn mong em về đây cho đời bày cuộc vui…” (Rừng xưa đã khép). Trong ca khúc Mưa Hồng, ông thể hiện rất rõ sự trông ngóng “Mong em qua bao nhiêu chiều/ Vòng tay đã xanh xao nhiều…”. Thời gian trông ngóng trọng Trịnh Công Sơn thể hiện với cái nhìn tha thiết của ông với bạn bè, anh em, người thân yên hay chỉ thuần túy là mặt người. Ông cần nghe tiếng người, tiếng đời sống.. Ông rất sợ một vắng lặng dù rất yêu sự im lặng, vì trong nó, ông có cơ hội nghe ngóng đời, nghe ngóng lại lòng mình nên đã kiên nhẫn chờ đợi: “Xin chờ những rạng đông/ đời sao im vắng như đồng lúa gặt xong/ người về soi bóng mình gữa tường trắng lặng câm”

Thời gian của Trịnh rất đặc biệt, đó là mơ hồ, cảm tính và như những mảnh vụn của chiếc kính vạn hoa được dùng thi pháp học pha với thủ pháp “Xếp chồng văn bản”, tạo ra dấu ấn của rất riêng ông. Nhạc của Trịnh như tiếng chuông vang vọng khắp thế giới, vang vọng những nhịp điệu đều đều, buồn buồn, nghe như tiếng kinh cầu, mang nặng tính siêu hình pha vào nhịp thở của thời đại. Những lời ca buồn rầu, vỡ sắc, tả những kinh hoàng như chưa bao giờ có thật, nhưng chúng vẫn hiện hữu trong cuộc sống con người. …Và, người nghe tìm được bóng thời gian của chính mình trong nhạc của Trịnh Công Sơn.

Thiên Hướng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh